15/08/2020 12:13 GMT+7

Hẻm Sài Gòn - những đời người - Kỳ 7: Trở lại 'hẻm dữ'

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - "Tưởng gì chứ khu hẻm này tui rành 6 câu vọng cổ. Cô cứ hỏi đi!" - ông Tí Trầu vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa đáp khi tôi nói muốn nghe chuyện vùng đất Mả Lạng xưa nay.

Hẻm Sài Gòn - những đời người - Kỳ 7:  Trở lại hẻm dữ - Ảnh 1.

Trong căn nhà 5m2, bà Mười và nhiều hộ dân ở đây có cuộc sống vẫn khó khăn dù chẳng còn nơm nớp lo sợ tệ nạn - Ảnh: DIỆU QUÍ

"Thời đó nghèo khó, không chỗ ở, dân ở đây nghĩ ra cách lấy tấm ván bắc từ mộ này sang mộ kia, dựng đỡ cái chòi xập xệ che mưa che nắng.

Ông Mai Văn Dương

Nơi dung chứa bao phận nghèo

Tìm tới đầu hẻm 245 Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM), tôi được người dân nhiệt tình chỉ đường đến nhà ông Tí Trầu, tên thật là Mai Văn Dương. Quẹo thêm hai hẻm nhỏ ngoằn ngoèo mà trên đầu là quần áo phơi phấp phới, người đàn ông gầy nhom đang xem tivi, mỉm cười chào khách trong căn nhà 15m2.

Sống ở đây từ nhỏ, ông Tí Trầu được xem như "thổ địa đất dữ" một thời. Theo ông, Mả Lạng xưa vốn là một khu nghĩa địa rộng lớn của người Công giáo và được bao bọc bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu - Cống Quỳnh (Q.1).

Rồi dần dần nơi đây tập trung người vô gia cư, lao động nghèo tứ xứ đổ về với đủ nghề bốc vác, xích lô, phụ hồ, bán hàng rong, vé số...

"Thời đó nghèo khó, không chỗ ở, dân ở đây nghĩ ra cách lấy tấm ván bắc từ mộ này sang mộ kia, dựng đỡ cái chòi xập xệ che mưa che nắng. 

Lúc đầu vài hộ cất thôi, trong đó có nhà tui. Rồi từ từ nhiều chòi mọc lên, người sống ở chung khu với người chết luôn. Nghèo mà cô!" - ông Tí Trầu cười và cho biết cái tên Mả Lạng ra đời từ đó. Hẻm hốc chằng chịt, nhỏ như hang rắn, hang chuột cũng xuất hiện vì thế.

Năm 1975, chính quyền thành phố vận động người dân đi kinh tế mới. Cũng như nhiều hộ khác, gia đình ông Tí Trầu sau mấy lần chuyển chỗ vì khó sống ở đất kinh tế mới, họ lại dắt nhau trở lại trung tâm thành phố, sống lay lắt với đủ nghề chân tay.

Sau khi khu Mả Lạng cũ được giải tỏa cuối năm 1979, thành phố dựng lên những căn nhà gỗ được bao bọc bằng tre, đưa người dân về sống ổn định và thu tiền nhà theo tháng. Ông Tí Trầu được cấp căn nhà 15m2 (sau này mở rộng thêm 5m2), nhập hộ khẩu và mưu sinh đủ nghề đạp xích lô, chạy xe ôm, thợ hồ.

Sau đó, các hẻm nhỏ ở Mả Lạng nở rộ nạn mua bán, tiêm chích ma túy và cờ bạc, đâm chém, cướp giật, mại dâm... Những tệ nạn làm nên tên tuổi "Nhất quận tư, nhì Mả Lạng". Thời điểm đó, ma túy len vào tận ngóc ngách đời sống cư dân. 

Kẻ bán nhiều, người mua cũng không ít, hoạt động công khai như cái chợ. Vòi bạch tuộc ma túy quấn chặt lấy người dân khiến người chết, kẻ đi tù, tan nhà nát cửa. Giai đoạn 1997 - 2002, Mả Lạng trở thành một trong bốn điểm nóng của cả nước về mua bán cái chết trắng.

"Hồi đó cô thử kêu xích lô hay xe ôm tới Mả Lạng, nếu không phải là dân ở đây chở thì đố ai dám chạy vô sâu các hẻm này. Xì ke, giang hồ ở đây cảnh giác lắm, ai lạ ai quen nó biết hết. 

Vô đây lơ ngơ nó kêu lại hỏi chuyện, có khi bắt đưa tiền, dám chửi nó hay là không đưa thì ăn đòn thay cơm. Bà con sống ở đây ai cũng nơm nớp lo sợ" - ông Tí trầm ngâm kể lại chuyện các con hẻm là nỗi ám ảnh một thời.

Từ những năm 2000, công an TP.HCM liên tục triệt phá đường dây mua bán ma túy. Những tên nghiện, giang hồ cộm cán hay kẻ gieo rắc cái chết trắng lần lượt tra tay vào còng. Mả Lạng được trả lại sự yên bình, dù cuộc sống người dân vẫn rất khó khăn.

Hẻm Sài Gòn - những đời người - Kỳ 7:  Trở lại hẻm dữ - Ảnh 3.

Những con hẻm như “hang chuột” với bao trăn trở, khát vọng đổi thay - Ảnh: DIỆU QUÍ

"Hẻm dữ" đổi thay

Mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng tôi vẫn sợ mình lạc khi lang thang vào các hẻm Mả Lạng. Khu vực trước giờ được ví như... mê cung với rất nhiều hẻm lớn, nhỏ đan xen thông ra các đường lớn. 

"Hồi đó, mấy đứa giật đồ ở ngoài hay chạy vô đây tẩu thoát, như cái mê cung vậy đó, hẻm này thông hẻm kia nên vô đây trốn thì khó kiếm được nó" - ông Tí Trầu cho biết sau đó công an khu vực đã bịt một số hẻm lại, an ninh cũng được thắt chặt hơn.

Từ đầu hẻm 245 Nguyễn Trãi đi vào, hàng quán bày bán khá nhộn nhịp, người dân tụ tập cà phê, trò chuyện rôm rả. 

"Lâu rồi mới có người hỏi tui về chuyện xưa ở khu này" - bà Trương Thị Son (còn gọi là bà Mười, 76 tuổi) vừa nói vừa dẫn tôi đi xem một đoạn hẻm 245 Nguyễn Trãi, nơi khét tiếng mua bán ma túy ngày đó, cũng là chỗ dành cho dân kinh tế mới như bà.

Vừa đi bà vừa kể ở đây tuy đã có phần an ninh, nhưng đời sống bà con còn lắm gian truân. "Mang tiếng là có nhà ở trung tâm mà người nghèo nhiều lắm cô ơi. 

Ở đây có mấy bà hơn tuổi tui mà mỗi ngày phải thu mua ve chai, bán vé số để sống"- bà nói rồi dẫn tôi đến trước nhà một bà cụ 83 tuổi, hành nghề lượm ve chai và nhờ mấy đồng của người ta cho để nuôi đứa con hơn 60 tuổi bị tâm thần.

Càng đi sâu vào các con hẻm nhỏ Mả Lạng, tôi dần hiểu được phần nào cảnh đời của người dân nơi đây. Trên đường theo bà Mười vào nhà, tôi gặp nhiều cụ già ngồi tư lự trước cửa nhà gạch cũ, ánh mắt đượm buồn dõi nhìn khách lạ. 

Cùng một hẻm đi vào, nhưng thay vì nhà tạm tươm tất như khu nhà ông Tí Trầu, thì ở chỗ bà Mười là những dãy nhà tường lợp tôn cũ kỹ, xập xệ nằm san sát nhau.

Hẻm sâu, nhỏ xíu và thiếu ánh sáng, quẹo nhiều nhánh, chỉ vừa đủ cho hai xe máy ngược chiều ra vào. Nhiều nhà chừng 5-7m2, có gác lửng hoặc lầu tạm, chia thành các lô như chung cư cũ. "Hồi đó lúc Nhà nước cấp cho ở là nhà lá, nhà tre. Sau này có chút tiền nên tụi tui cất lên được cái nhà tường" - bà Mười nói rồi chỉ tay lên cái gác nhỏ đầy bụi nhà mình. Bà kể bây giờ gác đó chỉ chứa đồ đạc bởi nó cũ mục quá, lên ở sợ sập.

Trong căn nhà 5m2 sâu trong hẻm nhỏ, bà Mười sống cùng con gái đầu, đứa cháu ngoại và một chú chó. Gia đình bà nhập hộ khẩu vào năm 1994, sau 12 năm chuyển từ gầm cầu Ông Lãnh (Q.1) đến. Hồi đó, bà được cấp hai căn liền kề do nhân khẩu đông, và đóng tiền nhà theo tháng, nhưng hai năm nay bà không phải đóng nữa...

Năm tháng trôi qua, những gì tiêu cực gắn với Mả Lạng khiến người ta khiếp sợ ngày nào giờ chỉ còn là câu chuyện trà dư tửu hậu, người đời trước kể lại cho con cháu nghe. Khoác lên chiếc áo hồi sinh, Mả Lạng giờ là nơi sinh sống của dân lành, thân thiện như ông Tí Trầu hay bà Mười, và là "khu đất vàng" của trung tâm thành phố đang mỏi mòn chờ thực hiện quy hoạch.

Những con hẻm như hang chuột, hang rắn là nơi dung chứa bao phận đời với trăn trở, khát vọng đổi thay. "Nghe đâu là sắp tới khu này sẽ giải tỏa, quy hoạch lại mới. Tui ở đây mấy chục năm rồi, không biết "đứt bóng" ngày nào, nghe giải tỏa thì cũng buồn. Thôi chỉ mong con cháu có cuộc sống tốt hơn, an cư là được" - bà Mười tâm sự.

Hẻm nghèo mà tình nghĩa

Bà Mười sống ở hẻm sâu Mả Lạng đã 38 năm, nay đã 76 tuổi, nhưng khá minh mẫn. Trước khi chuyển đến Mả Lạng năm 1982, vợ chồng bà với mấy đứa con sống dưới chân cầu Ông Lãnh sau khi đi kinh tế mới về, mưu sinh bằng gánh chè với mâm bánh bông lan. Bà kể có lần bưng bánh đi bán trong hẻm nhỏ, có đứa giật đồ chạy vô trốn đụng trúng bà, làm đổ hết nguyên mâm bánh.

"Lúc đó, tui bị đụng đổ rồi ngồi đó khóc, không dám về nhà. Mấy chị trong xóm thấy vậy góp cho mỗi người mấy ngàn đồng để có tiền mua gạo cho con. Bà con ở đây nghèo mà tình nghĩa lắm, tới giờ cũng vậy đó" - bà Mười lục lại ký ức úa màu, chậm rãi kể lại bao thăng trầm, đổi thay của Mả Lạng ...

**********

Ở Sài Gòn, nhiều con hẻm không tên được định danh nhờ những quán ăn gia đình vô danh từ gần cả trăm năm trước.

Kỳ tới: Hẻm quán nghèo

Hẻm Sài Gòn - Những đời nngười - Kỳ 6: Mùi cà phê hẻm chợ Phùng Hưng Hẻm Sài Gòn - Những đời nngười - Kỳ 6: Mùi cà phê hẻm chợ Phùng Hưng

TTO - Hẻm chợ Phùng Hưng nằm trong khu buôn bán sầm uất nhất khu "Đèn Năm Ngọn" của đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Nơi đây có một quán cà phê vợt cha truyền con nối đã song hành cùng hẻm chợ Phùng Hưng này gần cả trăm năm.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên