Mục tiêu tổng quát của đề án là triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Đàm phán dừng đầu tư các nhà máy điện than chậm tiến độ, tăng năng lượng tái tạo
Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của đề án là thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Cụ thể, đàm phán việc dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than chậm tiến độ, tiến tới dừng vận hành các nhà máy điện than không đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường; xem xét khả năng chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than sang mục đích sử dụng khác.
Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi...), năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh, sóng biển, địa nhiệt...) với giá thành hợp lý.
Nghiên cứu xây dựng hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, tạo thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng.
Đi kèm quyết định này, Chính phủ ban hành danh mục các nhiệm vụ triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP); danh mục các nhóm dự án ưu tiên từ nay đến năm 2025 để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.
Cụ thể, sẽ thực hiện việc huy động đầu tư tư nhân vào phát triển lưới điện. Về đầu tư lưới truyền tải điện, sẽ hỗ trợ EVN (NPT) đầu tư cơ sở hạ tầng gồm nâng cấp, mở rộng truyền tải 500kV và 220kV, hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) và hệ thống quản lý năng lượng (EMS).
Sẽ có loạt dự án truyền tải, lưu trữ điện và điện gió ngoài khơi
Hỗ trợ EVN (NPT) đầu tư phân phối 110kV và 22kV để tích hợp các nhà máy điện mặt trời, điện gió và hệ thống điện mặt trời mái nhà; thi công đường dây và trạm biến áp điện gió ngoài khơi.
Đối với nhóm dự án về pin lưu trữ và thủy điện tích năng, sẽ hỗ trợ hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS). Bao gồm: Nâng cao năng lực cho cán bộ, kỹ thuật viên về các yêu cầu kết nối; xây dựng khung chính sách cho ESS, các quy định về thị trường điện, cung cấp các dịch vụ phụ trợ...
Về đầu tư lưu trữ năng lượng, sẽ thực hiện dự án thí điểm BESS 50MW/50MWh của EVN để tìm hiểu về các dịch vụ phụ trợ, thông báo thiết kế cơ chế giá và tiêu chuẩn kỹ thuật; thí điểm một dự án BESS 7MW/7MWh tích hợp vào một trang trại năng lượng mặt trời 50 MW và một dự án BESS 105MW/105MWh được tích hợp trong một trang trại năng lượng mặt trời 400 MW; hoàn thành nhà máy thủy điện tích năng Bắc Ái 1.200 MW, bao gồm hồ chứa trên và đường dây 18,8km 500 KV.
Đối với nhóm dự án phát triển điện gió ngoài khơi, sẽ hỗ trợ phát triển thông qua việc nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng chính sách về quy hoạch không gian biển và điện gió ngoài khơi. Tài trợ để giảm chi phí của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên, ví dụ đo tốc độ gió và khảo sát địa vật lý, hỗ trợ công suất lắp đặt 2 GW.
Tài trợ cho việc thu thập dữ liệu môi trường và tốc độ gió liên tục ở các khu vực có tiềm năng kỹ thuật, lưu trữ dữ liệu, mô hình hóa và truyền thông dữ liệu, để cho phép lập kế hoạch, đầu tư và vận hành các nhà máy điện gió và lưới điện; Khảo sát quy hoạch điện gió ngoài khơi. Việc đầu tư điện gió ngoài khơi sẽ có công suất lắp đặt đến 6 GW, nối lưới vào năm 2030.
Đơn vị thực hiện các dự án trên chủ yếu sẽ là Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia - NPT), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cùng một số dự án do tư nhân thực hiện như lưu trữ năng lượng.
Nguồn tài chính huy động sẽ là nguồn vốn từ các thành viên nhóm các đối tác quốc tế và các đối tác phát triển khác, các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận