Nâng cao hiệu lực công tác quản lý hay chất lượng của hoạt động giáo dục, dù thực hiện nhiệm vụ trọng tâm nào thì cái gốc của sự thành công không gì khác hơn là tâm nguyện vì học sinh của những nhà làm giáo dục. Làm giáo dục là một nghề nhưng cũng là một nghiệp, sự nghiệp trồng người cho bao thế hệ. Nên đã trót theo nghiệp sư phạm, đặt mục đích mưu sinh và tìm kiếm địa vị, danh lợi sau ý nguyện và lòng tận tụy vì sự phát triển đúng đắn và lâu dài của học sinh là điều tối quan trọng. Nếu không có lý tưởng ấy thì bệnh thành tích và danh lợi luôn là bóng đen bao phủ và lèo lái tiền đồ phát triển giáo dục nước nhà.
Và nếu thật sự vì học sinh thì xu hướng giáo dục nặng nề khoa cử cần phải được loại bỏ. Thi cử - kiểm tra đánh giá là cần thiết, nhưng xin hãy làm cho đánh giá - kiểm tra trở thành động lực thúc đẩy học sinh học tập thay vì để các em lao vào những trận chiến luyện học, học và học chỉ để thi cử. Xin hãy tập trung cải cách giáo dục phổ thông theo cách giúp mỗi học sinh VN chúng ta trở thành người đọc, người viết, người suy nghĩ, giải quyết vấn đề và là người nhân hậu, thay cho việc đơn giản trở thành những cô cậu tú tốt nghiệp trung học với mớ kiến thức kỹ năng rời xa thực tế...
Muốn làm được vậy, xin hãy thay đổi chương trình sách giáo khoa sao cho giáo viên không rơi vào tình trạng phải hi sinh hoặc bỏ qua việc tạo cơ hội cho học sinh phát triển những kỹ năng và phẩm chất cần thiết cho sự học lâu dài vì các kiểu lý do “khách quan”: nội dung dạy học quá nhiều, không đủ thời gian cho học sinh hoạt động; nội dung học tập nhàm chán, xa rời thực tế, áp lực chỉ tiêu thi đua thành tích... Có như vậy các em mới có thể như nhiều học sinh của các quốc gia khác: học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình.
Phát triển đội ngũ nhà giáo và quản lý lúc nào cũng vậy, luôn là nhiệm vụ trọng tâm của mọi nền giáo dục. Với nhiệm vụ trọng tâm này, nếu tiếp tục ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách nhằm tạo động lực phấn đấu cho nhà giáo, xin hãy nghĩ đến việc thay đổi tận gốc rễ quan điểm tiếp cận trong chính sách lương. Hãy nghĩ đến việc xóa lối trả lương hiện nay theo kiểu “sống lâu lên lão làng” và xem trọng bằng cấp và những chứng nhận. Hãy làm cho lương trở thành động lực khuyến học, khuyến tài, khuyến đức và tạo nền tảng cho sự phát triển một nền giáo dục công bằng, dân chủ và hiện đại. Hãy thuyết phục mọi người rằng được tăng lương không chỉ vì thâm niên làm việc và bằng cấp, mà quan trọng hơn là nhờ hoạt động và những đóng góp của người lao động cho cơ quan giáo dục mà mình đang làm việc.
Chính sách lương ấy tạo động lực thúc đẩy giáo viên luôn phấn đấu trở thành người tự học, học tập suốt đời để tự mở rộng, cập nhật và áp dụng kiến thức. Nếu không làm được điều này, thí điểm mô hình giáo dục mới, trong đó sách giáo khoa được viết theo cách thức giúp phát huy khả năng tự học của học sinh sẽ có nguy cơ phá sản. Bởi lẽ làm sao học sinh có thể trở thành người tự học nếu như thầy không biết cách tự học và không hoặc hiếm khi tự học? Việc thay đổi quan điểm về chính sách lương cũng sẽ là cơ sở tạo nguồn đầu vào xán lạn cho các trường đào tạo giáo viên.
Và cũng trong ý định chăm sóc, hỗ trợ người làm giáo dục này, xin hãy nghĩ đến một đội ngũ không nhỏ đang cùng vun đắp cho ngôi nhà giáo dục nhưng lại bị xem như những kẻ đứng ngoài ngành. Đó là những người đang làm công tác bảo mẫu và cấp dưỡng ở các trường tiểu học có lớp bán trú. Mỗi lần nghĩ đến việc này, trái tim của những con người bình thường như chúng tôi se sắt lại. Tại sao lại có thể để tồn tại một bất công như thế trong môi trường giáo dục? Không biên chế, không được nhận bất kỳ hỗ trợ nào từ chính sách của Nhà nước. Ngày ngày cùng làm việc với giáo viên nhưng họ được xem là những người đi làm công. Tên của họ không được ghi trên danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Ở nhiều nơi, vì lương cơ bản thấp nên họ còn không được tham gia bảo hiểm xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận