Tôi mới có một buổi họp mặt với bạn học cấp III từ Mỹ về thăm nhà. Trong câu chuyện về hai người nghệ sĩ Việt bị tố cưỡng hiếp phụ nữ tại Tây Ban Nha, anh bạn Việt kiều nói rằng những thói quen xấu tại Việt Nam có thể gây hậu quả ở nước ngoài mà nhiều người ít để ý.
Xứ người rất tôn trọng tự do cá nhân nhưng đều có các luật rất rõ ràng về ứng xử nơi công cộng, về quyền con người.
Đã rong ruổi ở nhiều nước, tôi hiểu điều này.
Trong chuyến bay từ Việt Nam sang Pháp của Air France mới đây, tôi đã chứng kiến đòi hỏi vô lý của một cặp vợ chồng người Việt về đồ uống. Tiếp viên Pháp làm đúng phận sự và nói không với những đề nghị đó. Thế là hai hành khách người Việt to tiếng với tiếp viên rồi nói với nhau - tất nhiên bằng tiếng Việt: Tiếp viên gì vừa già, vừa xấu còn khó chịu! Tôi chứng kiến mà buồn lòng.
Một lần, tôi đến một nhà thờ cổ ở châu Âu. Lúc đó, nhà thờ đang đón nhiều du khách nhưng mọi người đều giữ trật tự. Bỗng tôi nghe phía sau ồn ào, trầm trồ và kêu gọi nhau chụp hình bằng tiếng Việt. Một vài du khách quay lại nhìn với cặp mắt khó chịu.
Tuy nhiên, nhóm du khách người Việt vẫn cười nói vô tư, chưa kể mấy em bé chạy lung tung trong nhà thờ. Đây không phải là chuyện hiếm.
Một công dân bước ra nước ngoài thì cần xuất trình hộ chiếu. Một dân tộc muốn khẳng định được mình trước cộng đồng quốc tế thì cần trưng ra những công dân - vĩ nhân của dân tộc mình.
Có thể Việt Nam chưa có thêm nhiều vĩ nhân được quốc tế công nhận thì những công dân Việt Nam ở nước ngoài chính là đại sứ của đất nước.
Tôi nghĩ việc hành xử đúng mực ở nước ngoài là cần thiết để giữ thể diện cho chính bản thân mỗi người. Thế giới đã phẳng, quyền con người được tôn trọng và không thể đổ thừa cho việc không biết quy tắc ứng xử thông thường hay luật lệ.
Niềm tự hào về công dân Việt Nam được vinh danh trên trường quốc tế cũng không thể bù đắp được nỗi xấu hổ khi thấy các tấm bảng ghi bằng tiếng Việt trong các siêu thị nước ngoài kiểu: "Ăn cắp vặt là phạm tội".
Vấn đề không chỉ là ứng xử văn minh ở nước ngoài vì suy cho cùng người dân sống ở trong nước phần lớn thời gian. Vì vậy chính việc xây dựng thói quen hành xử đúng mực, văn minh ở trong nước là nền tảng cơ bản để có những công dân Việt Nam văn minh khi ra nước ngoài.
Hằng ngày chúng ta đã chứng kiến và dễ dàng tặc lưỡi cho qua nhiều hành vi, thói quen xấu như ồn ào nơi công cộng, vượt đèn đỏ, khạc nhổ bừa bãi, vứt rác lung tung..., thậm chí dung dưỡng cho những hành vi phạm pháp.
Riết rồi thành thói quen và khi ra nước ngoài, những người này sẽ hành xử tương tự. Ý thức kém, không văn minh thì nơi nào cũng sẽ bộc lộ như nhau. Vì vậy điều quan trọng nhất vẫn là: hãy sống và hành xử văn minh ngay tại quê nhà.
Để làm được điều này, tôi nghĩ có ba vấn đề. Đầu tiên là giáo dục trong gia đình và tại nhà trường. Nếu ngay từ nhỏ được ông bà, cha mẹ dạy dỗ, làm gương đàng hoàng thì lớn lên đứa trẻ sẽ ý thức nghiêm túc, có nền tảng cơ bản để khi ứng xử sẽ văn hóa, văn minh.
Bên cạnh đó nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức ứng xử có văn hóa, văn minh cho học sinh.
Không chỉ dạy dỗ qua sách vở mà chính môi trường văn hóa trong trường học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, lối sống, ý thức công dân và cả cách ứng xử có văn hóa và văn minh trong cộng đồng.
Điều thứ hai là phát hiện, phê bình thẳng thắn những thói quen, hành xử thiếu văn minh nơi công cộng và trong gia đình.
Cuối cùng là chế tài nghiêm khắc những hành vi xấu, vi phạm pháp luật và đủ nặng để răn đe. Có như vậy thì mới hy vọng chúng ta có những người Việt hành xử văn minh ở trong và ngoài nước.
Tôi nghĩ một xã hội văn minh không phải là một xã hội có những tòa cao ốc, trung tâm thương mại, xa lộ thênh thang, biệt thự, siêu xe... mà là một xã hội của sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau từ những người có văn hóa.
Văn minh là cách thức mà mọi người hành xử tử tế, đúng mực ngay khi không có bất kỳ ai nhìn thấy. Hãy hành xử văn minh cho dù bạn đang ở đâu vì danh dự của bản thân và thể diện quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận