12/06/2013 11:18 GMT+7

Hành trình "hậu" khai quật...

LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC

TT - Những cổ vật trên tàu cổ Cù Lao Chàm được đưa ra sàn đấu giá của Công ty Butterfield ở Mỹ vào năm 2000 thu được số tiền lên đến 3 triệu USD. Tuy nhiên số tiền ấy chỉ bù đắp chưa được một nửa số tiền mà các công ty đã bỏ ra chi phí cho việc khảo sát trục vớt trong ba năm từ 1997-1999.

53aintFY.jpgPhóng to
Những cổ vật từ tàu cổ Cù Lao Chàm được Công ty Butterfield đưa ra đấu giá - Ảnh tư liệu

Số cổ vật được mang đi đấu giá ở nước ngoài này tuy chiếm một phần lớn trong số 240.000 hiện vật tìm được, nhưng trong số này không có những cổ vật độc bản bởi cổ vật độc bản là một phần tài sản đặc biệt của kho tàng cổ vật luôn được giữ lại cho các bảo tàng quốc gia!

Từ thông lệ phân chia quốc tế...

Trong đợt khai quật lần đầu, trong số 240.000 cổ vật từ tàu Cù Lao Chàm, Chính phủ quyết định dành 10% số hiện vật được lựa chọn và chia cho các bảo tàng VN. Đặc biệt, 779 cổ vật độc bản được chia cho Bảo tàng Lịch sử VN tại Hà Nội cùng với 4.362 hiện vật khác. Bảo tàng Lịch sử VN tại TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật VN cùng được chia 4.362 hiện vật cho mỗi đơn vị (nhưng không có độc bản), Bảo tàng tỉnh Quảng Nam (địa phương phát hiện tàu cổ) và Bảo tàng tỉnh Hải Dương (địa phương phát hiện nơi sản xuất) mỗi nơi cùng được chia 5.562 hiện vật.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nguyên giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, cho biết theo Luật di sản văn hóa thì sau khi khai quật, những hiện vật độc bản thuộc về Bảo tàng Lịch sử VN. Nếu có hai bản thì một bản thuộc về Bảo tàng Lịch sử VN, bản còn lại thuộc về đối tác nước ngoài. Từ ba bản trở lên thì ưu tiên cho Bảo tàng Lịch sử VN ở TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật VN và bảo tàng địa phương có tàu đắm.

Cũng theo ông Trần Đức Anh Sơn, việc khai quật rồi phân chia hiện vật được thế giới thực hiện từ lâu nay và đã trở thành thông lệ quốc tế. Tỉ lệ như thế nào tùy từng trường hợp, điều kiện nhất định mà hai bên cùng thống nhất, không riêng gì cổ vật từ các con tàu đắm.

Ông cho biết ở một số nước, ví như từ thời Trung Hoa dân quốc, hệ thống hang động Đôn Hoàng ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc (sau này được công nhận di sản văn hóa thế giới) đã được các nhà khoa học quốc tế tổ chức khai quật. Có rất nhiều hiện vật khảo cổ, kể cả những mảng tường lớn có những hình ảnh, ký tự cổ đã được cắt ra, chở về các nước phương Tây bằng máy bay.

Bảo tàng Đông Á ở Berlin, CHLB Đức hiện trưng bày rất nhiều gian chuyên đề về hang động này. Hay như các đơn vị tham gia khai quật khảo cổ học ở Ai Cập cũng đã đưa về phương Tây rất nhiều hiện vật có giá trị, kể cả một phần của các kim tự tháp, hiện đang trưng bày tại những bảo tàng ở New York, Hoa Kỳ hay Bảo tàng Louvre danh tiếng tại Paris.

Ở VN cuộc khai quật kết hợp với nước ngoài để phân chia hiện vật đầu tiên là con tàu đắm ở Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ năm 1990. Con tàu do Công ty Visal của VN được phép hợp đồng với Công ty Hallstrom Holdings Oceanic của Thụy Điển thực hiện trục vớt được 60.000 hiện vật gốm sứ Trung Quốc để phân chia. Số cổ vật này được Hãng đấu giá Christie’s tổ chức đấu giá tại Hà Lan vào năm 1992 với số tiền khi ấy rất khổng lồ.

Tuy nhiên, cũng là cổ vật khai quật, song cuộc phân chia cổ vật trên tàu Cù Lao Chàm giữa tỉnh Quảng Nam và Công ty Đoàn Ánh Dương lại diễn ra sau... 10 năm, tính từ khi nhà đầu tư bắt tay “tái khai quật” (từ năm 2003) và sau khi kết thúc khai quật (2007) các cổ vật mới được phân chia!

1cmUd57q.jpgPhóng to
Những cổ vật được tìm thấy sáng 4-6 ở Châu Thuận Biển (Quảng Ngãi) - Ảnh: Trà Giang

Khi cổ vật nằm chờ... thủ tục

Chúng tôi gặp ông Đoàn Sung, cố vấn Công ty Đoàn Ánh Dương, để hỏi chuyện phân chia cổ vật. Vài ngày trước đó, giữa Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam và công ty ông đã có cuộc “đàm phán” liên quan đến gần 16.000 cổ vật được trục vớt từ năm 2003-2007 trong đợt khai quật thứ hai tại con tàu cổ Cù Lao Chàm.

Con số tỉ lệ ăn chia 30% cổ vật thuộc về phía Nhà nước và 70% là của công ty khiến nhiều người nghĩ với số lượng cổ vật được hưởng như thế, công ty đã trúng “hời”. Tuy nhiên không đơn giản chỉ là tỉ lệ 3-7 rõ ràng như toán học kia!

Trở lại với câu chuyện trục vớt đợt đầu của Công ty Saga Horizon và Công ty Visal với chiếc tàu cổ Cù Lao Chàm, ông Sung cho biết khi ấy theo quy định, doanh nghiệp phải ứng tiền ra trước, bỏ toàn bộ chi phí trục vớt. Sau khi khai quật xong, những cổ vật độc bản sẽ được giao cho Nhà nước giữ, phần còn lại sẽ được đem bán đấu giá, số tiền bán cổ vật này sau đó sẽ chia theo tỉ lệ 40% cho Nhà nước và 60% cho doanh nghiệp, nghĩa là chỉ được chia tiền (sau khi bán) chứ không thể chia cổ vật.

Trong quá trình khai thác tàu cổ Cù Lao Chàm, Công ty Saga đã bỏ ra một số tiền rất lớn, hơn 6 triệu USD, nhưng các phiên đấu giá đã không bán hết, vẫn còn lại một phần cổ vật phải đưa về. Lẽ ra nếu không bán hết để chia hiện kim thì có thể chia bằng... cổ vật còn lại, tuy nhiên số cổ vật này lại không thể mang ra chia được vì cho đến bấy giờ luật vẫn không có quy định chia cổ vật!

Vướng mắc bắt đầu từ đấy, bởi thế Công ty Đoàn Ánh Dương khi được cấp phép khai quật “tận thu” lần hai con tàu này từ năm 2003, nhưng làm thì làm song vẫn chưa biết sẽ được chia phần như thế nào, trước mắt công ty cứ bỏ kinh phí để triển khai.

Có điều lần trước với tỉ lệ 4-6, lại khai quật lần đầu, mà Công ty Saga Horizon còn chưa đủ “tổn”, nói gì chuyện khai thác vét lần sau, và nhất là giá trị nhất của các cuộc khai quật là cổ vật độc bản, mà đồ độc bản chỉ duy nhất Nhà nước được quyền sở hữu. Phần doanh nghiệp nếu được chia là chia trong số lượng cổ vật còn lại, sau khi đã trừ ra số cổ vật độc bản kia.

Chính từ những vướng mắc đó nên tuy Công ty Đoàn Ánh Dương đã khai thác cổ vật đưa lên, kết thúc đợt “tái khai quật” từ năm 2007 nhưng số cổ vật này được cất vào kho của Bảo tàng Quảng Nam và nằm chờ các thủ tục pháp lý về phân chia cổ vật!

Vậy là tròn mười năm kể từ năm 2003, khi những công nhân của Công ty Đoàn Ánh Dương mang lên từ đáy biển Cù Lao Chàm những cổ vật Chu Đậu, và phải qua rất nhiều công văn giấy tờ đề nghị, xin ý kiến phê duyệt phương án phân chia từ UBND tỉnh Quảng Nam lên Bộ VH-TT&DL, Bộ Tài chính rồi đến Văn phòng Chính phủ... mãi đến hôm 29-5-2013 vừa qua, cuộc phân chia cổ vật trục vớt đợt hai trên tàu cổ Cù Lao Chàm mới được tiến hành tại Quảng Nam như đã đề cập.

Theo quy định, những cổ vật độc bản thuộc về Nhà nước, số cổ vật còn lại mới được chia theo tỉ lệ 30-70. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Sung, thấy con số 30% của Nhà nước ngỡ là ít nhưng thật ra 30% lượng cổ vật cộng với giá trị các hiện vật độc bản thì... vô giá, trong khi phần 70% của doanh nghiệp được hưởng nghĩ là rất nhiều song trừ chi phí (doanh nghiệp phải bỏ ra 100% kinh phí cho công tác khai quật trục vớt) thì chưa biết lời hay lỗ.

Số cổ vật hầu hết là gốm Chu Đậu trên con tàu cổ Cù Lao Chàm đến giờ này coi như đã ổn, nhưng với chiếc tàu Châu Thuận Biển đang được khai quật, tỉ lệ phân chia sau khai quật nhiều người vẫn chưa hình dung được. Mặc dù căn cứ ước tính ban đầu, con tàu này dự kiến có khoảng 40.000 cổ vật, trị giá khoảng 54 tỉ đồng.

Về phần mình, Công ty Đoàn Ánh Dương sẽ bỏ toàn bộ chi phí đầu tư khai quật và trục vớt với dự trù khoảng 40 tỉ đồng. Đấy chỉ là chuyện “dự ước” bởi cho đến bây giờ vẫn chưa xác định cụ thể số lượng và giá trị cổ vật trong con tàu cổ Châu Thuận Biển này.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng các sở ban ngành tỉnh này và Công ty Đoàn Ánh Dương từng đưa ra hai phương án và đã chọn phương án phân chia theo tỉ lệ Nhà nước 33% và nhà đầu tư 67%. Theo phương án này, nếu độc bản thì Nhà nước giữ, nếu hai bản thì chia hai, nhà đầu tư được một bản, Nhà nước một bản. Riêng xác tàu đắm và các vật dụng của thủy thủ (nếu có) thì Nhà nước giữ...

---------------------------------------------

Kỳ cuối: Bao giờ - một bảo tàng cổ vật biển?

-----------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: “Nghĩa địa” tàu cổ trên biển Châu Thuận Kỳ 2: “Ma trận cổ vật” của tàu cổ Kỳ 3: “Tát biển” tìm tàu... Kỳ 4: Tàu cổ Cù Lao Chàm - “mỏ” cổ vật Việt

LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên