10/06/2013 12:20 GMT+7

"Tát biển" tìm tàu...

LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC

TT - Vài ngày sau khi tỉnh Quảng Ngãi và Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương chính thức tổ chức lễ khai quật con tàu cổ ở Châu Thuận Biển (Bình Sơn, Quảng Ngãi), chúng tôi tìm gặp ông Đoàn Sung, cố vấn của Công ty Đoàn Ánh Dương.

Mười năm theo nghề thăm dò khảo sát trên một chục con tàu cổ bị đắm, đồng thời cũng là một nhà sưu tập cổ vật nên ông Đoàn Sung đã chia sẻ cùng chúng tôi nhiều câu chuyện thú vị trong việc khai quật các con tàu cổ.

6d9UrJi1.jpgPhóng to
Phương pháp “tát biển” tìm tàu của Công ty Đoàn Ánh Dương với hệ tường sắt kiểu “lá sen” làm đê vây, hút cạn nước để lộ ra toàn bộ con tàu cổ bị đắm - Ảnh: Trà Giang

“Đẳng cấp” thợ lặn cổ vật

Chỉ hơn một tuần trước đây, ngày 29-5-2013, tại Quảng Nam đã diễn ra cuộc phân chia cổ vật khai thác từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm giữa Sở VH-TT&DL tỉnh này và Công ty Đoàn Ánh Dương, đơn vị đứng ra đầu tư kinh phí thực hiện việc khai quật trục vớt số hiện vật còn lại trên con tàu cổ Cù Lao Chàm. Tỉ lệ 7-3: 70% số lượng thuộc về công ty và 30% thuộc về tỉnh Quảng Nam.

Với việc trục vớt cổ vật ở con tàu Cù Lao Chàm, dù chỉ là “vét”, Công ty Đoàn Ánh Dương cũng đã khai thác được 15.934 hiện vật (vì trước đó từ tháng 5-1997 đến tháng 6-1999, con tàu này đã được Công ty Saga của Malaysia và Công ty Visal của Việt Nam trục vớt đợt đầu với 240.000 cổ vật thu được). Cũng từ việc khảo sát, khai quật con tàu Cù Lao Chàm đã giúp công ty phát hiện “đẳng cấp” của thợ lặn vùng Bình Châu này.

Trong số năm con tàu cổ bị đắm từng được khai quật tại Việt Nam thì trừ tàu cổ Cù Lao Chàm, các tàu Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu), tàu Cà Mau và tàu Bình Thuận chỉ chìm ở độ sâu từ 35-40m nước, tàu Hòn Dầm (Kiên Giang) nằm cạn hơn ở độ sâu 17m, riêng độ sâu của tàu Cù Lao Chàm là 72m, một độ sâu thách thức khả năng của các thợ lặn. Lặn xuống độ sâu 72m đòi hỏi kinh nghiệm và đẳng cấp của thợ lặn. Theo đánh giá của ông Đoàn Sung, thợ lặn ở Bình Châu (Bình Sơn) là những thợ lặn vào hàng đẳng cấp, dù lặn bằng phương pháp thủ công chỉ với chiếc vòi hơi nhưng vẫn đạt tới độ sâu 70-72m. Khi khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm, Công ty Đoàn Ánh Dương đã tuyển những thợ lặn này và từ năm 2003-2007, trong thời gian trục vớt cổ vật từ tàu Cù Lao Chàm, rất may mắn đã không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào.

Chính việc được thuê tham gia lặn vớt cổ vật đã phần nào giúp những thợ lặn ở vùng này những “nhập môn kiến thức căn bản” về đồ cổ. Cũng từng ghé đến nhiều làng chài theo nghề lặn dọc hơn 3.000km bờ biển của nước ta nhưng chưa ở đâu chúng tôi được thấy như ở các làng biển ở xã Bình Châu, hầu như nhà nào cũng có một chiếc tủ kính để chưng một vài cổ vật, to nhỏ lớn bé, cái nguyên vẹn, cái sứt mẻ. Chắc chắn đó không phải là cách chơi của những dân buôn đồ cổ. Nhưng với những thợ lặn Bình Châu, những chén đĩa, chum vại được bày biện kia không đơn giản là để làm đẹp hay giữ lại chút kỷ niệm nghề nghiệp về những chuyến lặn ngang dọc dưới đáy biển sâu tìm cổ vật, có thể là cách “nhá hàng” như lời một thợ lặn ở thôn An Hải: “Hàng xịn ai dại gì chưng lên tủ đây hả chú? Nhưng tui biết có nhà còn nhiều món đồ độc lắm, kiếm được vài món có giá thì không chỉ đủ “tổn” (chi phí đi biển) mà còn đổi đời luôn!”.

Vì dân xứ biển này quá hiểu được giá của các cổ vật từ lòng biển nên việc bảo vệ, tìm phương án khai quật con tàu cổ ở Châu Thuận Biển đã được bàn thảo cân nhắc khá mất thời gian. Tình hình an ninh trật tự tại khu vực tàu cổ bị chìm diễn ra khá phức tạp trong một thời gian dài nên phải sau hơn bảy tháng kể từ khi con tàu cổ được phát hiện vào ngày 8-9-2012, công việc khai quật mới được triển khai cụ thể bằng việc xây dựng một đê bao chắn sóng vây quanh vị trí tàu đắm, sau đó hút cạn nước trong lòng đê vây để có thể khai quật con tàu dưới biển như kiểu... khai quật trên bờ!

AxRz47Xm.jpgPhóng to
Ông Đoàn Sung (trái) và thanh gỗ phía mũi con tàu cổ chìm dưới đáy biển đang lộ ra sau khi hút cạn nước - Ảnh: Trà Giang

Đưa tàu cổ từ đáy biển lên... cạn!

Từ phía bờ cao giáp bãi biển Bình Châu phóng tầm mắt nhìn bao quát từ ghềnh Cả về ghềnh Ráng có thể thấy vòng cung dài gần 5 cây số của vịnh biển này hứng trọn chính diện hướng gió mùa đông bắc, thường xuyên đón những đợt sóng lớn từ biển. Hai đầu vịnh lại là hai bãi đá ngầm, đây có thể là một phần nguyên nhân của những chiếc tàu buôn cổ bị chìm. Ngoài ra việc phát hiện các hiện vật gốm men nâu có dấu hiệu lửa đốt làm chảy men dính liền nhau thành chồng, các phách gỗ tàu cháy sém... cũng là một nguyên nhân khác lý giải một số con tàu đã bị cướp biển đốt cháy.

Trò chuyện với chúng tôi về cách triển khai việc trục vớt con tàu Châu Thuận Biển, ông Đoàn Sung cho biết: sau khi ký hợp đồng với địa phương, công ty đã thuê một đơn vị tư vấn khảo sát địa chất địa hình tại tọa độ tàu đắm. Quá trình khảo sát đã bắt gặp nhiều đá mồ côi và đá cuội dưới đáy biển, ảnh hưởng đến giải pháp thi công cọc sắt làm tường vây nên đơn vị thiết kế phải luôn điều chỉnh phương án. Do không thể khoan thăm dò hết cả khu vực được nên nếu gặp đá tảng thì buộc phải chấp nhận làm theo một hệ giằng khác nữa. Cũng may chỉ gặp toàn đá mồ côi. Và dù đã hợp long đê vây bằng bức tường sắt chắc chắn nhưng công ty vẫn chưa thể lường hết được các tình huống. Rất có thể các mạch nước ngầm vẫn phun trào từ đáy biển nên việc hút khô đáy để lộ ra toàn bộ con tàu chưa chắc đã thực hiện được, do đó phải chuẩn bị hai phương án, một là hút khô trơ đáy sau đó cho tàu lộ ra hoặc hút đi một nửa, còn một nửa vẫn lặn. Tuy nhiên mục đích cuối cùng là bảo vệ an toàn cho tàu và hiện vật.

Chúng tôi đã chứng kiến tại hiện trường, vây quanh vị trí tàu đắm là con đê vây bằng cọc thép quây kín theo kiểu tường “lá sen” rộng chừng 300m2. Các cọc thép dài 12m được cắm sâu xuống 8m tính từ đáy biển, tạo thành bờ bao và hút cạn nước cho con tàu dần dần lộ ra. Khi con tàu phát lộ sẽ xả nước để hút cát xung quanh thân tàu, dùng vòi xịt thổi hết cát trên tàu và tiến hành khảo sát, nếu không, cứ leo lên tàu sẽ làm vỡ cổ vật. Hiện trường khai quật sáng 4-6 cho thấy con tàu đã hiện ra với chiều dài từ tấm ván đuôi tàu đến đầu mũi tàu là 25m. Công việc xả cát xung quanh để lộ diện toàn bộ khung thân con tàu vẫn đang khẩn trương tiến hành.

“Chúng tôi quyết tâm thực hiện theo phương pháp này mới có thể bảo vệ được hiện vật và con tàu. Nếu không cứ theo phương án thổi cát cho bày hiện vật ra như đợt đi khảo sát, cứ thổi ra là người dân ập vào giành giật như vậy thì thua. Công tác khảo cổ học dưới nước cũng không thực hiện được, lại ảnh hưởng rất lớn đến di sản. Do đó chọn giải pháp thi công này tuy tốn kém nhưng hiệu quả và sẽ có giá trị to lớn cho việc bảo vệ cổ vật” - ông Đoàn Sung khẳng định về phương án mà công ty ông đang tiến hành.

Nếu những con tàu cổ được tìm thấy trước đây thường chìm ở độ sâu 30-70m nước, chỉ có thể trục vớt bằng phương pháp thổi cát rồi cho thợ lặn vào các khoang để trục vớt cổ vật lên chứ không thể làm phát lộ được thân tàu thì với phương pháp này, tàu Châu Thuận Biển là con tàu đầu tiên trong lịch sử khai quật tàu cổ bị đắm ở vùng biển Việt Nam được khai quật bằng phương pháp “tát biển tìm tàu” như thế này.

-----------------------------------------------------

Từ việc khai quật tàu cổ trên các vùng biển Việt Nam, giá trị của gốm sứ Việt nhiều thế kỷ trước ngày càng được khẳng định, và sau mỗi chuyến trục vớt, chuyện ăn chia tỉ lệ giá trị cổ vật vẫn là một câu chuyện dài ít người biết rõ.

Kỳ tới: Tàu cổ Cù Lao Chàm - “mỏ cổ vật Việt”

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: “Nghĩa địa” tàu cổ trên biển Châu Thuận Kỳ 2: “Ma trận cổ vật” của tàu cổ

LÊ ĐỨC DỤC - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên