11/08/2019 09:11 GMT+7

Hành trình chiến thắng ung thư của người phụ nữ cụt một chân

L.ANH - N.NHÂM
L.ANH - N.NHÂM

TTO - Hành trình chiến đấu với ung thư của chị Nguyễn Thị Ngọc (TP Hải Phòng) bắt đầu từ 11 năm trước - khi con gái chị học lớp 6, con trai học lớp 2. Khi đó, chị chỉ mơ sống được đến lúc con gái vào THPT và giờ con gái chị đã tốt nghiệp, đi làm.


Hành trình chiến thắng ung thư của người phụ nữ cụt một chân - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (áo đen) và các chị em đồng bệnh trong một buổi gặp mặt tại Bệnh viện ung bướu Hà Nội - Ảnh do nhân vật cung cấp

18 tuổi, vừa vào năm đầu tiên đại học, chị Ngọc gặp tai nạn giao thông và bị mất chân phải. Trải qua 2 năm đau đớn với 4 lần phẫu thuật, chị đã tập đi lại được bằng chân giả.

Những người đã từng tập đi bằng chân giả mới hiểu khó khăn như thế nào, nhưng chị Ngọc đã vượt qua, rồi học hết đại học.

Ra trường, chị lấy chồng và sinh hai đứa con kháu khỉnh. Những tưởng một gia đình hạnh phúc đã là sự đền đáp cho những mất mát trước đó của chị.

Nhưng dường như cuộc đời đã thử thách lòng kiên trì của chị. Năm 2008, khi ở tuổi 43, chị Ngọc lại bước vào một cuộc chiến đấu mới.

Trong một lần tự khám ngực, phát hiện có khối u ở ngực, chị lên kiểm tra tại Bệnh viện K ngay và kết quả không như mong đợi: chị bị ung thư vú.

"Tôi không khỏi sợ hãi vì thời điểm ấy, hiểu biết về căn bệnh ung thư còn ít ỏi, chỉ nghĩ rằng là bị ung thư nghĩa là sắp chết" - chị Ngọc chia sẻ.

Sau một ngày dài suy nghĩ và một đêm chỉ biết khóc, chị Ngọc đã quyết định không điều trị. Trong lúc suy sụp nhất, gia đình đã chia sẻ và động viên, chị Ngọc lại vùng dậy vì ý nghĩ "nếu mình suy sụp thì cả nhà sẽ ra sao?".

"Tôi bắt đầu tự tìm hiểu và nhờ mọi người tìm tài liệu về bệnh ung thư. Trong điều trị thì tuân thủ phác đồ của bác sĩ, lắng nghe tư vấn về chế độ luyện tập thể dục và ăn uống phù hợp, nói "không" với những sản phẩm có khả năng gây tổn hại đến gan, thận - bên cạnh một tinh thần lạc quan - nên sức khỏe của tôi tốt dần lên"- chị Ngọc kể.

Hành trình chiến thắng ung thư của người phụ nữ cụt một chân - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Ngọc trong một chuyến du lịch - Ảnh do nhân vật cung cấp

Không chỉ tích cực điều trị và chữa bệnh cho mình, chị Ngọc còn là một trong những "thủ lĩnh" của Câu lạc bộ Phụ nữ Kiên cường - câu lạc bộ của những phụ nữ bị ung thư vú.

Ở đó, họ gọi nhau là "những người đồng bệnh", người cũ và người mới cùng nhau chia sẻ cách đối diện với nỗi sợ hãi khi "đón nhận tin mắc bệnh ung thư", chia sẻ cách đối diện với nỗi đau đớn, sự cô đơn của chính mình cả cả sự kỳ thị của xã hội.

Chị lắng nghe và chia sẻ, tư vấn họ từ những bước chuẩn bị đầu tiên về tâm lý cho bản thân, cách đối diện thực tế với một tinh thần lạc quan, rồi những bước chuẩn bị về mặt tài chính cho hành trình chữa bệnh.

Rồi chị hướng dẫn họ mua bảo hiểm y tế vì bệnh phải điều trị lâu dài, khuyên nhủ họ phải ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, nhắc họ tránh xa những cách chữa trị bằng phương pháp chưa được kiểm chứng như thuốc nam, bột giun, bột cóc…

Khi chị Ngọc bị bệnh, cô con gái lớn của chị mới học lớp 6, cậu con trai nhỏ vào lớp 2. Lúc ấy chị chỉ dám mơ được dắt tay con gái mặc áo dài trắng bước vào cổng trường trung học.

Những tưởng ước mơ ấy là xa vời với một bệnh nhân ung thư. Nhưng giờ thì con gái chị đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm. Còn chị, ở tuổi 54 đang mạnh khỏe, vẫn vẹn nguyên lòng nhiệt tình với các chị em "phụ nữ kiên cường".

Câu chuyện của chị đã được các bác sĩ Bệnh viện K kể cho nhau, như một nhân chứng về hành trình chiến thắng ung thư tuy gian khó, nhưng có thật.

Bài thuốc "4T"

Đây là lời khuyên của một bệnh nhân hiện khỏe mạnh sau điều trị ung thư vú 11 năm. Tôi và các bạn, những người khỏe mạnh hay đang mang trong mình căn bệnh ung thư, hãy cùng thực hiện theo tiêu chí 4T để giữ gìn sức khỏe của chính mình.

Tinh thần: Luôn suy nghĩ tích cực, làm những việc có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội nếu có thể.

Thực phẩm: Ăn đa dạng chất, nhiều rau xanh và trái cây, uống nhiều nước, giảm tinh bột.

Thuốc: Luôn tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh sử dụng những loại thuốc mà khoa học chưa kiểm chứng.

Thể thao: Hãy lựa chọn một môn thể thao phù hợp với mình nhất để nâng cao sức khỏe như tập yoga, đạp xe, đi bộ….

(Chị Nguyễn Thị Ngọc)

Nghe tiếng hát của cô gái chiến thắng bệnh ung thư Nghe tiếng hát của cô gái chiến thắng bệnh ung thư

TTO -  Calysta Bevier, cô gái từng chiến đấu và vượt qua căn bệnh ung thư buồng trứng, gây ấn tượng trong vòng thử giọng của chương trình America's Got Talent.

L.ANH - N.NHÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên