07/01/2018 13:10 GMT+7

Hạnh Nguyên, Băng Khuê, Tru Sa và Phan Cuồng chọn lối đi hẹp

HUỲNH TRỌNG KHANG
HUỲNH TRỌNG KHANG

TTO - Nhìn lại văn trẻ năm qua, năm trước, Huỳnh Trọng Khang - một cây bút trẻ viết về bốn tác giả trẻ khác cùng trang lứa với mình.

Hạnh Nguyên, Băng Khuê, Tru Sa và Phan Cuồng chọn lối đi hẹp  - Ảnh 1.

Từ trái qua: các tác phẩm của Phan Cuồng, Hạnh Nguyên, Tru Sa và Trần Băng Khuê - Ảnh: TRỌNG KHANG

Đó là những phác họa "chân dung bạn văn" với nhiều tình cảm ưu ái mà cũng không kém thẳng thắn, đòi hỏi; cho người đọc một tín hiệu vui về sự tìm đọc, động viên lẫn chờ đợi nhau ở những người viết trẻ.

Mới mẻ mà mạnh mẽ, họ là những người trẻ 8X, 9X âm thầm chọn lối đi hẹp nhưng xuất hiện khá vững vàng trên văn đàn. 

Đến từ những nơi khác nhau, phong cách viết khác nhau, nhưng không chỉ tự chọn một lối hẹp để bước vào văn chương, họ còn chọn chung một tông màu xám để phủ lên tác phẩm.

Hạnh Nguyên - cô gái đi tìm tiếng

Hạnh Nguyên gửi lời chào đến văn đàn bằng hai tập truyện ngắn Những thiếu thời lơ lửng (2015) và Say (2016). Văn chương Hạnh Nguyên như đứa trẻ già ngay từ lúc ra đời, và phải trải qua hành trình dị biệt của mình để trở lại thành một đứa nhỏ.

Ở các truyện ngắn Bạn tình, Giới hạn của khí trời, Hiến sinh..., ta có thể dễ dàng bắt gặp cái giọng văn lọc lõi, già dặn. Nhưng nếu quan sát thêm chút nữa, có thể thấy người nói giọng ấy chỉ quan sát cuộc đời qua ô cửa sổ của căn phòng tối. 

Hạnh Nguyên giàu tưởng tượng nhưng ít trải nghiệm, hay nói đúng hơn Hạnh Nguyên tưởng tượng về những trải nghiệm mình có thể gặp. Đừng đánh đồng trải nghiệm với hành động dấn thân hay "đi thực tế". 

Trải nghiệm ở đây có thể là những trải nghiệm tinh thần xuất phát từ những suy tưởng cá nhân để trở thành phổ quát. Văn chương của Hạnh Nguyên thiếu vắng điều đó. Do đó, đọc các truyện ngắn của Nguyên đôi khi ta chỉ còn nghe những lời đứt quãng.

Hạnh Nguyên, Băng Khuê, Tru Sa và Phan Cuồng chọn lối đi hẹp  - Ảnh 2.

Tuổi trẻ băn khoăn

Màu xám, nỗi buồn, những dằn vặt của cô đơn dường như vây chặt lấy thế giới của các cây bút này.

Hạnh Nguyên, Tru Sa, Trần Băng Khuê - lần lượt với ba tập truyện Say, Trăng tang, Bức tường trong chai Tequila - gói bên trong tác phẩm những khắc khoải, chênh vênh tuổi trẻ.

Ta có thể ngờ rằng họ sống trong tác phẩm của họ hơn là thế giới ngoài đời thực. Họ tạo ra một thế giới của riêng họ trong văn chương và phóng chiếu đời mình vào đó.

Họ sống trên trang viết với rất nhiều hoài nghi về cuộc sống. Hoài nghi, tự vấn, hướng nội - tự thân văn chương ấy từ lúc xuất hiện đã tự nhiên tìm được chỗ đứng, ít nhất trong lòng người đọc đang bước đi với một "tuổi trẻ băn khoăn".

Sự xuất hiện của họ là điều tất yếu trong một thế giới đang ngày càng tự đa dạng hóa.

Nhưng không chỉ dừng lại ở hai tập truyện, Hạnh Nguyên sẽ còn viết tiếp để hoàn tất quá trình "trẻ lại" của mình. Ở Nguyên hứa hẹn khi bóc tách hết cái lớp ngụy trang một người già, những con chữ sẽ nhẹ đi, để có thể bay cao hơn. 

Bởi Hạnh Nguyên cũng đã chuẩn bị đà cho một cú cất cánh văn chương. Hiện theo học một chương trình viết văn ở nước ngoài, thời gian gần đây Nguyên bắt đầu chuyển ngữ một số truyện ngắn của mình sang tiếng Anh.

Ngôn ngữ không quá cầu kỳ. Cốt truyện không quá phức tạp. Những câu chuyện của Hạnh Nguyên nếu đổi tên nhân vật đi thì hoàn toàn có thể là một câu chuyện của một nhà văn nước ngoài được dịch sang tiếng Việt. 

Không gian, lịch sử, tâm thức đã tách hẳn ra khỏi sinh quyển văn chương Việt Nam. Có thể chăng, một mai Hạnh Nguyên sẽ chuyển đổi dần từ một nhà văn tiếng Việt thành một tác giả viết tiếng Anh?

Trần Băng Khuê và thế giới trong chai

Trong truyện ngắn được lấy làm tựa chung cho tập truyện Bức tường trong chai Tequila, nhân vật chính một ngày bình thường, trong cái vòng đời tuần tự bình thường của y, quyết định sẽ đập vỡ bức tường y cho rằng đang giam hãm mình.

Bức tường ấy vừa thật mà lại không thật, nó là vật thể hiện diện bên trong, một vật thể bị giam hãm trong khi chính nó cũng là vật đang giam hãm. 

Sự chồng chéo về thực tại khiến những lớp vỏ hiện thực vỡ ra, không còn trở thành tấm gương phản ánh hiện thực nữa mà trở thành cây cọ hấp thụ hiện thực rồi vẽ lại hiện thực ấy lên trên những bức tường bị nhốt trong chai. 

Hiện thực ấy còn phải được chưng cất, lên men, và vì thế nó còn biến đổi. Nó dễ khiến người ta say.

Bằng một ngôn ngữ giàu chất thơ, từng truyện ngắn nối nhau kết lên cho ta bức tranh tổng hòa về thế giới của Băng Khuê, một thế giới mà dẫu đã trình rành rành ra trước mặt vẫn khó lòng mà thấu rõ được.

Hạnh Nguyên, Băng Khuê, Tru Sa và Phan Cuồng chọn lối đi hẹp  - Ảnh 4.

Truyện ngắn của Trần Băng Khuê không có cốt truyện, không có tuyến tính, nó là thế giới nửa mơ nửa thực, nó không nhằm đưa đến một thông điệp trực tiếp mà chỉ cung cấp những manh mối khơi gợi những câu hỏi bất tận, những phỏng đoán, những ước chừng, cho những dụ ngôn ẩn sau lớp chữ nghĩa. 

Vì những điều đó, văn chương Trần Băng Khuê thoát khỏi quỹ đạo chung của văn chương tâm tình phô trương tính nữ như một cá thể yếu đuối.

Văn chương ấy không tuyên ngôn, không gây sốc. Người nữ hiện hữu trong các truyện Xưng tôi, Lời thề, Chiếc giày đỏ... như một cá thể sống động, chân thật và mạnh mẽ dù khước từ hành động nổi loạn. 

Chính sự bất bạo động lại biến thành hành động phản kháng mạnh mẽ nhất. Hơn cả sự khẳng định về giới, đó là sự cô đơn của cá nhân trước cộng đồng.

Trần Băng Khuê ít dùng đến bản năng, văn của Khuê là thứ văn học mà thành, ít khi chịu để cảm hứng chi phối. 

Và tất nhiên, Trần Băng Khuê sẽ còn phải đi tiếp trong hành trình biến ngôn ngữ phải là thứ được khám phá, chứ không trơ khấc còn là những vật phẩm trưng bày trên trang sách.

Tru Sa - tái sinh với chữ

Nếu không có sự dấn thân trọn vẹn cho văn chương, chắc hẳn ở tuổi 27, Tru Sa đã không có gia tài là ba tập truyện ngắn: Ảo giác mù, Những bình minh (ký Nguyễn Thanh Phong) và Trăng tang. Đấy là còn chưa kể đến hàng trăm truyện ngắn ở dạng bản thảo hoặc đăng rải rác trên các báo.

Văn chương Tru Sa bao phủ bởi một màu đêm, đêm đặc lại, nặng dần, ép chặt xuống đời, đè lên hồn người. Văn chương ấy thể hiện khả năng quan sát thực tế sâu sắc, nhưng thực tế qua đôi mắt Tru Sa như sự vật phản chiếu trong chiếc gương biến hình.

Nếu ở Ảo giác mù Những bình minh, ta phải mỏi cổ vì cứ hễ sang một truyện lại phải gật đầu chào một người quen: từ Kawabata đến Akutagawa, từ Poe đến Kafka...; thì sang tập Trăng tang, dường như Tru Sa đã tìm được giọng của mình.

Hạnh Nguyên, Băng Khuê, Tru Sa và Phan Cuồng chọn lối đi hẹp  - Ảnh 5.

Giọng ấy vốn không dễ chịu đối với số đông người đọc. Chỉ cần đọc tên những truyện ngắn như Nguơ, Náu, Luyến, Suỵt, Thầm, Đâu, Dột, Nóc, So... cũng đủ ta làm rối trí. Ta không biết mình đang bước vào đâu, sẽ chạm trán phải điều gì.

Sự tối giản ở văn Tru Sa là sự tối giản về ý nghĩa. Truyện Tru Sa không đa nghĩa mà đơn nghĩa, độc nghĩa. Nhưng để nhìn ra được lớp nghĩa ấy quả không dễ dàng gì.

Ngòi bút của Tru Sa bị chi phối bởi cảm tính hơn là lý tính. Những con chữ cứ sinh nở liên tục bắt kịp nhịp đập của cảm xúc, do đó có nhiều chỗ dễ khiến người đọc bị ngợp bởi ngồn ngộn những chi tiết. 

Văn Tru Sa là thứ văn khó đọc, kén độc giả. Ba tập truyện ngắn ra đời, nhưng kỳ thực độc giả của Tru Sa chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tru Sa có tài, như một hỏa diệm sơn đang cơn phun trào. Nhưng rồi ta cũng phải nghĩ đến lúc nào đó, ngọn hỏa diệm sơn ấy thôi cuồng nộ, và ngọn nguồn văn chương ấy đi vào chỗ bế tắc nếu Tru Sa không biết tự điều tiết chính mình.

"Dị nhân" Phan Cuồng

Trong những tác giả mới xuất hiện gần đây, Phan Cuồng là một trường hợp riêng biệt, ít nhiều làm phong phú thêm cho những mảng màu văn học trẻ, cụ thể là dòng truyện kỳ ảo Việt.

Thể loại mà Phan Cuồng chọn chẳng mấy khi quen thuộc với các tác giả Việt Nam.

Một ít tiểu thuyết chương hồi, một ít chuyện chí quái, một ít bùa ngải, trận pháp..., Phan Cuồng bài binh bố trận những sở kiến của mình trong bối cảnh Việt Nam thời trung đại.

Nếu Đại Nam dị truyện (2016) lấy bối cảnh thời Lê Trung Hưng thì sang tới Lý triều dị truyện (2017) bối cảnh lại lùi về triều Lý.

Lấy bối cảnh nào thì đó chỉ là cái phông nền để từ đó Phan Cuồng tự do thi triển ngòi bút.

Và dẫu chưa đảm bảo tính nhất quán và thẩm mỹ nhất định, tác giả đã khéo léo lồng ghép những chi tiết lịch sử, dã sử để tiểu thuyết ba phần thực bảy phần hư sống động.

HUỲNH TRỌNG KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên