21/06/2017 16:56 GMT+7

​Bạn đọc và người viết trẻ cùng đi tìm thần tượng

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM lần 4 khai mạc sáng 21-6 quy tụ hơn 70 cây bút, với nội dung chính là tọa đàm 'Sứ mệnh văn chương trẻ trước sự đổi mới cuộc sống' nhận được nhiều ý kiến của những người trong cuộc...

Nhà văn Minh Khuê đang trình bày những cảm nhận của anh về văn trẻ hiện nay - Ảnh: L.Điền
Nhà văn Minh Khuê đang trình bày những cảm nhận của anh về văn trẻ hiện nay - Ảnh: L.Điền

Nhà văn, nhà báo Thục Linh dẫn lại nỗi lo lắng của một nhà văn tại Sài Gòn cách nay 50 năm, rằng “sách in 2.000 bản bán 2-3 năm chưa hết, liệu trong mấy mươi năm nữa có còn ai đọc sách không”.

Và nay, cái thời điểm “mấy mươi năm nữa” ấy đã được Thục Linh khẳng định là sách vẫn còn người đọc.

Không chỉ thế, có những tác giả thơ như Nguyễn Phong Việt “bán được hàng chục ngàn bản, ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và lối nghĩ của nhiều bạn trẻ”, như Anh Khang, từng có sách bán chạy nhất Hội sách TPHCM.

Thục Linh cho rằng “Những người trẻ ấy đã xác lập một vị thế cho người viết sách. Đó không phải là những nhà văn tư lự nấp đàng sau các con chữ... Họ là những ngôi sao từ sách”.

Theo Thục Linh, người đọc cũng cần thần tượng, và những người viết trẻ đã nổi tiếng từ một con đường khó khăn - là viết lách. Quan trọng hơn, cùng với việc họ trở thành thần tượng trong bạn đọc, chính họ cũng giữ nhịp đọc cho người trẻ hôm nay.

Chia sẻ về vai trò của người viết, tác giả trẻ Huỳnh Trọng Khang nhấn mạnh quan niệm: Nhà văn lớn là người tạo ra độc giả.

“Trước tác phẩm của bạn, có thể lớp độc giả ấy chưa xuất hiện, nhưng sau tác phẩm của bạn, lớp độc giả ấy được hình thành”, Trọng Khang phát biểu về chức năng cao tột của văn chương trong nỗi niềm kỳ vọng rất mực vào người viết.

Tuy nhiên, việc “đọc sách của thần tượng” như Thục Linh nêu trên vẫn vấp phải cái nhìn e ngại của những thế hệ đi trước.

Tham luận của ông Trần Xuân Tiến (Đại học Văn Hiến) nêu ra rằng hiện nay không khó để thấy cảnh tượng độc giả chen chúc nhau xin chữ ký của tác giả chẳng khác gì “fan cuồng” xin chữ ký của ngôi sao âm nhạc, điện ảnh. Một số cây bút trẻ nắm bắt được tâm lý của độc giả trẻ và đã xây dựng hình ảnh người sáng tác như thể một phong cách sống, đại diện của thái độ sống.

Và ông cảnh báo: “Đây không khác gì một con dao hai lưỡi đối với người viết lẫn người đọc. Bởi vì, để chịu được sự thử thách của thời gian, để tác phẩm đứng lâu trong lòng độc giả thì còn là câu chuyện dài”.

Đế cập đến chuyện sống và viết, nhà văn trẻ Nhật Phi - cây bút giải nhất Văn học Tuổi Hai Mươi lần 5 - cho rằng “trải nghiệm” là một trong bốn trụ cột chính của nhà văn theo quan niệm của anh. Điều này đòi hỏi người viết phải sống, phải đi, phải “mở rộng trường sáng tác của bản thân” để có được tác phẩm.

Quan điểm này được cây bút trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê viện dẫn như một “thước đo tạm” để đánh giá dòng văn học đại chúng với các tác giả sách “hot” hiện nay như Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao, Phan Ý Yên...

Theo anh, dòng văn trẻ này đang “bội thực những nỗi đau riêng”, và cái chất sống/ trải nghiệm trong những tác giả này hiện đang có vấn đề: “Dường như, một bộ phận người trẻ Việt ngày nay... chỉ đang phải chịu đựng/nuôi nấng một vết thương riêng - vết thương tình cảm”.

Bởi “sống/trải nghiệm” như vậy nên “Đọc sách của những người trẻ Việt, ta dường như bị kéo vào trong một mớ bòng bong của những cảm xúc tuổi trẻ, từ say nắng, yêu thầm đến tuyệt vọng, thất tình, cô đơn rồi hoang mang tìm cách buông bỏ những hỗn độn trong tình cảm.

Văn chương “đại chúng” Việt Nam đầu thế kỷ 21, vì thế, gần như có thể được tóm gọn trong một mệnh đề: xuýt xoa cho vết thương tình yêu và loay hoay tìm cách để chữa lành vết thương riêng tây ấy”, Minh Khuê cảm thán.

Trong khi đó, nhà văn trẻ Trần Minh Hợp cho biết anh từng tự vấn về chuyện viết văn để chọn một hướng đi: “Viết văn để làm gì? Để chia phần trên cánh đồng chữ nghĩa hay góp chút gì đó cho đời?”.

Anh tin rằng thuật ngữ “sứ mệnh của nhà văn” vẫn còn sức sống trong nền văn hóa thị trường. “Tôi chọn cách phục vụ, cách mình có thể làm được tốt nhà là viết cho những người lao động nghèo và san sẻ thành quả viết lách cho họ”.

Và như vậy, cả bạn đọc và người viết đều đang tìm kiếm thần tượng của mình. Thần tượng của nhà văn nếu thực sự hiện ra trên trang viết, hẳn sẽ cùng với tác giả của nó trở thành thần tượng của người đọc. Và đó là điểm gặp nhau thú vị của giới sáng tạo - tiếp nhận văn chương.

Nhân Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ IV (chính thức diễn ra vào ngày 21 & 22/6/2017) Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh cho tập hợp và ấn hành tập sách Trên đôi cánh thanh xuân, gồm 42 tác phẩm của 21 tác giả thơ, và 19 tác phẩm của 19 tác giả văn.

Đây là ấn phẩm thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa như một tập kỷ yếu ghi dấu sự ra mắt của đội ngũ những người viết trẻ tại TP.HCM hôm nay.

Hội nghị còn một phần nội dung gồm chuyến giao lưu thơ nhạc và chia sẻ nghề văn với sinh viên Đại học Cửu Long (Vĩnh Long) diễn ra vào lúc 19h cùng ngày 21-6; và ngày 22/7, Hội nghị sẽ tổ chức cho các bạn trẻ đi thực tế sáng tác tại các điểm du lịch -  văn hóa - lịch sử ở Vĩnh Long, Cần Thơ.

Nhà văn Nhật Phi cho rằng cần trải nghiệm để mở rộng “trường sáng tác” của nhà văn - Ảnh: L.Điền
Nhà văn Nhật Phi cho rằng cần trải nghiệm để mở rộng “trường sáng tác” của nhà văn - Ảnh: L.Điền
Ấn phẩm chào mừng Hội nghị những người viết văn trẻ TPHCM lần 4 - Ảnh: L.Điền
Ấn phẩm chào mừng Hội nghị những người viết văn trẻ TPHCM lần 4 - Ảnh: L.Điền
LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên