18/08/2020 08:46 GMT+7

Hàng vạn người mắc kẹt muốn về quê

TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC
TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC

TTO - Theo thống kê sơ bộ, có hơn 10.000 người dân ngoại tỉnh ở Đà Nẵng đang có nguyện vọng về quê. Đà Nẵng đang muốn giãn cách xã hội, muốn đưa những người này trở về trong điều kiện đảm bảo an toàn.

Hàng vạn người mắc kẹt muốn về quê - Ảnh 1.

Gia đình anh Phạm Văn Hùng, quê Quảng Trị, bị mắc kẹt lại Đà Nẵng vì dịch đang ở phòng trọ - Ảnh: TẤN LỰC

Bây giờ mà được về quê còn nương tựa ông bà, dựa vào cọng rau, con cá trong vườn sống đỡ. Ở lại TP thì chưa biết bao giờ mới hết dịch, công trường quán xá cũng chưa thể phục hồi ngay.

Chị Nguyễn Thị Lượng

UBND TP Đà Nẵng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị cho phép người dân của các địa phương đang tạm trú tại Đà Nẵng được trở về nơi cư trú theo nguyện vọng. Đồng thời, Đà Nẵng cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh thành có người dân đang tạm trú ở Đà Nẵng phối hợp với Đà Nẵng tổ chức đón công dân về; chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải mở một số tuyến tàu hỏa đưa người dân từ Đà Nẵng về các địa phương.

"Đóng băng" thu nhập, mong được về quê

Trong ngôi nhà trọ nhỏ hẹp tại khu trọ sinh viên phường Hòa Khánh Nam, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lượng (31 tuổi, quê Quảng Bình) đang sống dè xẻn từng ngày để cầm cự qua đại dịch. Chồng chị Lượng làm cho một công trình xây dựng, từ đầu tháng 8 công trình tạm dừng vì dịch, nhà thầu khó khăn, chỉ trả trước một nửa tiền lương của tháng trước. Tiệm tóc phục vụ bà con xóm lao động của chị Lượng cũng đóng cửa để phòng dịch.

Dòng tiền của gia đình lâu nay vốn được đắp đổi từ thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng nay bỗng chốc "đóng băng". Nguồn thu của vợ lẫn chồng đều đứt, chị Lượng vay mượn bạn bè mỗi nơi một ít để cầm cự tại Đà Nẵng. Cô con gái nhỏ 5 tuổi ở lì trong nhà cùng cha mẹ nhiều ngày lộ vẻ buồn bã nhưng hoàn cảnh phải thắt lưng buộc bụng, họ không thể mua đồ chơi cho con.

"Bây giờ mà được về quê còn nương tựa ông bà, dựa vào cọng rau, con cá trong vườn sống đỡ. Ở lại TP thì chưa biết bao giờ mới hết dịch, công trường quán xá cũng chưa thể phục hồi ngay. "Đầu vào" không có nhưng "đầu ra" nào là tiền phòng trọ, điện nước, ăn uống, chăm lo cho con không cắt được khoản nào cả, chưa kể nợ nần công việc không trả được món nào" - chị Lượng thở dài.

Chủ yếu là người lao động, học sinh, sinh viên

Cuối dãy trọ ọp ẹp của chị Lượng là phòng của cậu sinh viên năm cuối Trần Ngọc Cường, cũng quê Quảng Bình. Cường bảo chuẩn bị ra trường, chờ ngày đi xin việc thì dịch ập tới. Đóng cửa cố thủ gần tháng qua, tiền ba mẹ gửi vào có hạn, Cường chuyển qua ăn mì gói để qua bữa nhiều ngày nay. 

"Hôm nào ngán mì gói quá tôi đổi qua phở gói, bún gói. Kẹt lại đây rồi, không về quê được thì đành chịu vậy chứ biết làm sao" - Cường tâm sự.

Cũng như chị Lượng và Cường, nhiều sinh viên, người lao động ngoại tỉnh đang rất khó khăn khi kẹt lại Đà Nẵng gần tháng qua. Điểm chung của họ là thất nghiệp, không có thu nhập trong khi các nhu cầu ăn uống, chi tiêu, tiền phòng trọ, điện nước hằng tháng đều cần tới tiền. Nếu không được "giải cứu" về quê nương tựa cùng gia đình, cuộc sống của họ sẽ càng chật vật hơn khi dịch bệnh chưa biết khi nào mới dập tắt.

Bà Phan Thị Thúy Linh, giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, cho biết sở đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng có văn bản trình Thủ tướng xin phép cho người dân ở các địa phương khác đang tạm trú ở Đà Nẵng được về lại nơi cư trú theo nguyện vọng. Đề xuất này áp dụng không chỉ cho người lao động mà còn đối với học sinh, sinh viên đang "mắc kẹt" vì dịch tại Đà Nẵng.

Theo bà Linh, trước tiên việc này cần sự đồng ý về chủ trương thì TP mới thực hiện được vì hiện nay còn gặp khó khăn trong vấn đề phương tiện đi lại do Đà Nẵng đã bị "phong tỏa".

Hàng vạn người mắc kẹt muốn về quê - Ảnh 3.

Lực lượng chốt kiểm soát cửa ngõ Hòa Phước (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) kiểm tra giấy tờ xe vào thành phố - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Xét nghiệm và đưa đến vùng giáp ranh

"Về cơ bản, sự chuẩn bị của chúng tôi cũng tương tự như đối với đợt giải cứu du khách mắc kẹt vừa qua. TP sẽ lo việc xét nghiệm COVID-19, tổ chức phương tiện đưa người ngoại tỉnh đến vùng giáp ranh (Quảng Nam, Thừa Thiên Huế) để các tỉnh đón người địa phương mình về. Tất nhiên việc này chỉ được tiến hành sau khi Thủ tướng đồng ý cho thực hiện" - bà Linh nói.

Theo bà Linh, hiện sở đang tiếp tục khảo sát số lượng lao động có nhu cầu trở về từ doanh nghiệp và cả lao động tự do để làm căn cứ đề xuất. Đơn vị này cũng đã thiết lập các kênh đường dây nóng với các tỉnh thành có lao động tại Đà Nẵng để bàn phương án đưa lao động về. 

Theo bà Linh, qua khảo sát sơ bộ thì ước chừng khoảng 10.000 người có nhu cầu về quê, chủ yếu là người dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định và Phú Yên.

"Vì nhu cầu thực tế của người dân cũng thay đổi liên tục nên đến nay chưa thể có con số chính xác. Đợi khi có chủ trương rồi chúng tôi sẽ công bố rộng rãi trên các kênh thông tin để người lao động nắm bắt và đăng ký" - bà Linh nói.

Người Đà Nẵng đi xa thấp thỏm chờ ngày về nhà

Hôm 23-7, gia đình chị N. rời Đà Nẵng đi du lịch TP.HCM và ra Phú Quốc. Những tưởng đây sẽ là chuyến du lịch đáng nhớ sau nhiều năm tất bật làm lụng, ai ngờ chuyến du lịch trở thành chuyến đi "định mệnh". Đà Nẵng cách ly, cả gia đình chị N. không về được, đành đến nhà người quen ở TP.HCM để ở nhờ chờ ngày trở về.

Nhưng đã hơn nửa tháng trôi qua, tiền mang theo đã hết, gia đình chị N. phải nhờ người ở Đà Nẵng "chi viện". Ở nhà người quen lâu quá cũng bất tiện, gia đình chị đi thuê phòng trọ. Bây giờ từng ngày trôi qua là từng ngày lo lắng không biết khi nào trở về trong khi tiền đã cạn. Gia đình chị đi làm nhưng bị kẹt lại không thể về đành xin phép nghỉ nhưng đâu thể nghỉ lâu được.

Tình cảnh của gia đình chị N. là cảnh hàng ngàn gia đình người Đà Nẵng đang gặp phải, đang thấp thỏm tại TP.HCM và các địa phương. Mong mỏi duy nhất của họ là được trở về Đà Nẵng sau khi đã khai báo y tế và xét nghiệm có kết quả âm tính.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến trưa 17-8, TP.HCM đã có 53.310 người từng đến Đà Nẵng kể từ ngày 1-7 khai báo y tế và tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, 52.670 người có kết quả âm tính, 6 người có kết quả dương tính (đã được Bộ Y tế công bố), số còn lại đang chờ kết quả (636 người).

Cơ quan chức năng TP.HCM vẫn tiếp tục vận động người đến Đà Nẵng từ ngày 1-7 về sau khai báo y tế để được xét nghiệm kiểm tra, theo dõi sức khỏe.

Riêng người dân Đà Nẵng đến TP.HCM từ sau ngày 25-7 nay muốn về Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết tùy theo yêu cầu của Đà Nẵng, TP.HCM sẽ hỗ trợ triển khai các biện pháp phòng bệnh COVID-19 cho những người này trước khi rời TP.HCM.

Q.PHÚ - X.MAI

Giúp công nhân, sinh viên gặp khó

Theo bà Phan Thị Thúy Linh - giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, công nhân, người lao động, người buôn bán tự do các tỉnh đang tạm trú tại Đà Nẵng hiện khó khăn về lương thực, thực phẩm có thể liên hệ ủy ban MTTQ VN các phường xã hoặc quận huyện để được hỗ trợ kịp thời theo chủ trương của TP.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đặng Thị Kim Liên - chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP Đà Nẵng - cho biết cơ quan này đang làm văn bản hướng dẫn các sở ngành và quận huyện thực hiện hỗ trợ cho người dân khó khăn, bao gồm công nhân, sinh viên. Mức hỗ trợ cho nhóm đối tượng này là 10kg gạo/người/tháng. Trước mắt ủy ban đã chuyển về các quận huyện 200 tấn gạo cho nhu cầu hỗ trợ.

Với người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn đang ở trong vùng cách ly y tế sẽ được hưởng mức hỗ trợ chung 5kg gạo/khẩu/14 ngày, thực phẩm và nhu yếu phẩm trị giá 40.000 đồng/khẩu/ngày trong thời gian thực hiện cách ly y tế theo quy định.

Đà Nẵng hỗ trợ học phí 4 tháng cho học sinh do ảnh hưởng COVID-19 Đà Nẵng hỗ trợ học phí 4 tháng cho học sinh do ảnh hưởng COVID-19

TTO - Đà Nẵng sẽ hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh THCS, THPT trong 4 tháng học kỳ 1 của năm học 2020-2021.

TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên