
Nick Út, Kim Phúc và bà Hồ Thị Bổn (nhân vật bé gái mặc áo trắng chạy bên Kim Phúc trong bức ảnh huyền thoại) hội ngộ tại Trảng Bàng năm 2022 - Ảnh: TRẦN THẾ PHONG
Hồi tháng 1, tại Liên hoan phim Sundance, phim tài liệu The Stringer đã làm dấy lên tranh cãi khi đặt nghi vấn nhiếp ảnh gia Nick Út không phải là tác giả của bức ảnh nổi tiếng này.
AP tuyên bố đứng về phía nhiếp ảnh gia Nick Út
Sau cuộc điều tra kéo dài, Hãng thông tấn Associated Press (AP) công bố báo cáo cuối cùng dài 97 trang nhằm khép lại vụ việc, tuyên bố họ vẫn đứng về phía nhiếp ảnh gia Nick Út.
Theo The Washington Post, AP quyết định giữ nguyên tác quyền ảnh của Nick Út vì không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy nên thay đổi thông tin tác giả.
"Phân tích hình ảnh sâu rộng của AP, các cuộc phỏng vấn với nhân chứng và việc kiểm tra tất cả ảnh được chụp ngày 8 tháng 6 năm 1972 cho thấy có khả năng Út đã chụp bức ảnh này. Không có tài liệu nào trong số đó chứng minh người khác đã chụp", người phát ngôn của AP, Lauren Easton, viết trong một tuyên bố.
"Cuộc điều tra của chúng tôi đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn, được trình bày trong báo cáo, và có thể chúng ta sẽ không bao giờ có câu trả lời. Năm mươi năm đã trôi qua, nhiều người có liên quan đã qua đời và công nghệ cũng có những giới hạn".
Nhiếp ảnh gia Nick Út "mừng vì sự thật được làm rõ"
Bức ảnh ghi lại cảnh một bé gái 9 tuổi, Kim Phúc, hét lên và bỏ chạy khỏi một cuộc tấn công bằng napalm trong trạng thái trần truồng. Đây đã trở thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Trong một tuyên bố, Nick Ut nói ông "cảm thấy được an ủi" bởi kết luận này. "Toàn bộ sự việc này rất khó khăn đối với tôi và đã gây ra nỗi đau lớn", ông viết. "Tôi mừng vì sự thật đã được làm rõ".
Bộ phim tài liệu The Stringer do Bảo Nguyễn đạo diễn, khẳng định bức ảnh thực ra được chụp bởi một phóng viên tự do người Việt tên Nguyễn Thành Nghệ, thay vì nhiếp ảnh gia Nick Út như thế giới đã biết suốt nửa thế kỷ qua.
Nguyễn Thành Nghệ cho biết ông chụp bức ảnh kể trên vào ngày 8-6-1972 trong một chuyến đi đến Trảng Bàng (Tây Ninh) với vai trò tài xế cho một đoàn nhà báo Đài NBC. Sau chuyến đi, ông Nghệ bán bức ảnh cho Associated Press với giá vỏn vẹn 20 USD.
Sau khi phim The Stringer công chiếu tại Liên hoan phim Sundance, Hãng thông tấn Associated Press đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố rằng người chụp bức ảnh này không ai khác ngoài nhiếp ảnh gia Nick Út.
Tại thời điểm đó, theo Associated Press, kết luận trên là thành quả của một cuộc điều tra gấp rút kéo dài 6 tháng và vẫn tiếp tục được thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận