
Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 sẽ tập trung kiểm tra các bếp ăn tập thể - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Từ ngày 15-4, cả nước sẽ bước vào Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025. Đây cũng là giai đoạn cao điểm nắng nóng khiến nguy cơ ngộ độc tăng cao nếu không có biện pháp phòng tránh.
Liên tiếp ba vụ ngộ độc thực phẩm tập thể
Mới đây nhất, ngày 10-4, có 22 học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7) nghi bị ngộ độc thực phẩm khi xuất hiện các triệu chứng như nôn ói, đi ngoài, đau bụng, trong đó có một học sinh phải nhập viện.
Thông tin ban đầu nhà trường có hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp để phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh. Trường đã niêm phong mẫu thực phẩm, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã lấy mẫu thức ăn tại trường và bệnh phẩm để đi kiểm nghiệm, đồng thời kiểm tra nơi cung cấp suất ăn cho trường.
Trước đó ngày 28-3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã yêu cầu Sở An toàn thực phẩm làm rõ vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường TH-THCS Tuệ Đức (cơ sở 1/5 bis đường Lương Định Của, phường An Khánh) và Trường TH-THCS Tuệ Đức (cơ sở 644 đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi). Trong đó có 33 học sinh có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, buồn nôn sau khi ăn các bữa ăn tại trường do cùng một công ty tại quận Tân Phú cung cấp.
Sau đó ba ngày, Cục An toàn thực phẩm tiếp tục đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP.HCM làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn bánh mì khiến 37 người nhập viện, trong đó có 33 học sinh. Những người này là tài xế, giáo viên và học sinh Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh có mua bánh mì ăn, sau đó bị triệu chứng ngộ độc.
Đại diện Sở An toàn thực phẩm cho biết hiện kết quả kiểm nghiệm nguyên nhân vụ ngộ độc vẫn đang được xử lý. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm, cho hay từ ngày 15-4 đến 15-5, sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, thực hiện kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Đặc biệt là các bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định, đặc biệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố.
Bà Lan cũng kêu gọi người dân nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Lo lắng với các bếp ăn tập thể
Hôm qua (11-4), Cục An toàn thực phẩm đã ban hành chi tiết triển khai kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 với chủ đề: "Bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố".
Cục yêu cầu các địa phương kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề tồn đọng trong quản lý, những vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra phải tập trung xem xét giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm...
Các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý, tuyệt đối không để thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường. Xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm...
PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng bếp ăn tập thể thường chế biến với số lượng lớn suất ăn, do đó nguồn nguyên liệu thường được mua để dự trữ sẵn, tiện chế biến. Trong quá trình dự trữ nguyên liệu nếu không đảm bảo dẫn đến hư hỏng...
Vì vậy để đảm bảo an toàn trong bếp ăn tập thể thì nguồn nguyên liệu đầu vào rõ ràng, hạn chế dự trữ nhiều, ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với những nơi uy tín. Bên cạnh đó phải có hệ thống thiết bị bảo quản thực phẩm tốt, môi trường sạch sẽ, lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Hai bộ phối hợp tăng mức xử phạt
Theo bà Trần Việt Nga - cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, hiện nay trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các hành vi vi phạm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là đối với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, nhà hàng, cửa hàng ăn uống... sẽ bị xử lý.
Việc triển khai xử phạt sẽ quy định theo hành vi. Trong đó các hành vi có mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên tới 100 triệu đồng, đối với tổ chức mức cao nhất tới 200 triệu đồng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thêm đối với các hành vi nghiêm trọng như sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Vừa qua, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Công an đã họp nhằm thảo luận về việc tăng mức chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Mới đây Sở Y tế Hà Nội đã đề xuất tăng mức phạt với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm lên gấp đôi so với mức phạt quy định trong các nghị định hiện hành, nhằm tạo ra một sức răn đe mạnh mẽ với các tổ chức, cá nhân tham gia vào sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
UBND TP Hà Nội cũng vừa tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 với chủ đề "Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố".
Thời tiết càng nóng ẩm càng nguy hiểm
PSG Nguyễn Duy Thịnh cho hay thời tiết càng nóng ẩm, vi sinh vật và vi khuẩn có hại càng phát triển nhanh khiến thực phẩm dễ ôi thiu, hư hỏng. Khi xâm nhập thực phẩm, vi khuẩn phát triển rất nhanh nhân lên gấp nhiều lần trong thời gian ngắn, sinh ra chất độc gây ngộ độc.
Đối với những thực phẩm khi đã nhiễm độc tố, mặc dù đun sôi ở nhiệt độ cao các vi sinh vật có thể bị tiêu diệt nhưng độc tố chúng sinh ra không mất đi, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc. Đặc biệt là các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, cá, hải sản, patê, giò lụa... là môi trường giàu dinh dưỡng, protein để vi khuẩn thuận lợi sinh sôi và phát triển phát sinh độc tố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận