Chiều 6-8, lãnh đạo huyện Đắk Glong (Đắk Nông) cho biết đã sơ tán gần 50 hộ dân quanh hồ thủy lợi Đắk N'Ting (hơn 1,2 triệu m3 nước) vì "quả bom nước" này có thể vỡ bất cứ lúc nào. Theo kế hoạch, ngày mai 7-8, đoàn công tác của Chính phủ cũng có buổi đi thực tế kiểm tra tại công trình này.
Hồ thủy lợi chưa bàn giao đã hư hỏng
Từ ngày 2 đến 5-8, xung quanh khu vực hồ thủy lợi này xuất hiện các vết nứt, có vết rộng tới 25cm, tổng chiều dài gần 700m. Mặt khác, lượng nước ngầm rất lớn đã chảy thành dòng, làm tăng thêm tốc độ sạt trượt đất bên đồi…
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - giám đốc Ban quản lý các dự án xây dựng Đắk Nông (chủ đầu tư dự án này) - cho biết dự án có tổng mức đầu tư gần 137 tỉ đồng, phục vụ nước tưới cho khoảng 680ha cây trồng tại xã Quảng Sơn.
Công trình do Công ty CP Xây dựng Đắk Lắk và Công ty TNHH một thành viên Thịnh Thành Đắk Nông thi công, chưa hoàn tất hồ sơ bàn giao đã xuống cấp, xảy ra sạt trượt nghiêm trọng.
"Cần tiến hành khảo sát cụ thể hiện trạng để đưa ra giải pháp xử lý triệt để tình trạng sạt trượt mái dốc và đảm bảo an toàn công trình", ông Nghĩa đề nghị.
Tương tự, dự án cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường (73 tỉ đồng, xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) đã quyết toán tháng 10-2020, đến nay chưa hoạt động, đã vỡ ống dẫn nước hơn 13 lần.
Nhà thầu phải khắc phục các sai phạm trong hồ sơ thiết kế để công trình thủy lợi ở thôn Tiến Cường thực sự là… hồ thủy lợi.
Lãng phí hàng ngàn tỉ đồng
Không chỉ chưa dùng đã hỏng, nhiều công trình thủy lợi tại Tây Nguyên đã xây dựng xong nhưng… chẳng làm lợi gì cả, gây lãng phí. Trong số này, cơ quan công an đang điều tra sai phạm tại công trình thủy lợi suối Đá (xã Quảng Hòa, Đắk Glong, Đắk Nông).
Theo đó, hầu hết các tuyến kênh dẫn nước của dự án 90 tỉ đồng này được thiết kế âm dưới đất 3 - 9m, không phát huy hiệu quả.
Tương tự, hồ thủy lợi Đắk Ngo ở huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) được đầu tư 100 tỉ đồng nhưng sau gần 10 năm xây dựng vẫn dở dang, xuống cấp.
Ông Trần Vĩnh Phú - phó chủ tịch UBND huyện Tuy Đức - cho biết năm 2018, Kiểm toán Nhà nước khu vực XII đã chỉ ra mục tiêu công trình sẽ tưới 450ha cây cà phê, lúa nhưng hiện chỉ tưới được cho 7ha lúa. Bản vẽ thi công không chính xác so với hiện trạng.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông sau đó đã khởi tố vụ án, nhiều cán bộ liên quan bị khởi tố.
"Rất mong ngành chức năng sớm xác định sai phạm để công trình tiếp tục triển khai thi công giai đoạn 2 nhằm phát huy hiệu quả", ông Phú nói.
Dự án hồ thủy lợi Ia Mơr tại Gia Lai 3.000 tỉ đồng cũng gây lãng phí lớn vì không có vùng tưới, vướng đất rừng.
Trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, ông Bùi Văn Cường - tổng thư ký Quốc hội - đề nghị xem xét trách nhiệm chủ đầu tư, người tham mưu.
Theo thống kê, tại Đắk Nông có 250 công trình do đơn vị quản lý, nhiều hồ đang xuống cấp.
Tại Đắk Lắk, hiện có 782 công trình với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3 thì hàng trăm hồ đập bị thấm nước, sạt lở mái thượng và hạ lưu.
Dự án thủy lợi đội vốn hàng ngàn tỉ vẫn ì ạch
Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa tại Đắk Lắk có tổng vốn đầu tư khoảng 305 tỉ đồng, sau 2 năm triển khai đã đội vốn thêm hơn 170 tỉ đồng. Hiện chủ đầu tư đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk dùng nguồn vốn các công trình khác chưa triển khai để bù đắp số tiền đội vốn do sự chậm chạp của mình.
Công trình thủy lợi thứ hai là dự án đầu tư hồ chứa nước Krông Pách Thượng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư ở Đắk Lắk từ 2009 với số vốn 2.900 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh tăng 4.400 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay công trình vẫn chưa đi vào hoạt động vì… chưa xong giải phóng mặt bằng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận