15/04/2021 09:47 GMT+7

Hồ thủy lợi 3.000 tỉ không có… vùng tưới

HUỲNH CÔNG ĐÔNG
HUỲNH CÔNG ĐÔNG

TTO - Hồ chứa nước Ia Mơr diện tích gần 3.000ha, chứa gần 200 triệu m3 nước được kỳ vọng đổi đời cho một vùng đất rộng lớn ở hai huyện Chư Prông (Gia Lai) và Ea Sup (Đắk Lắk) đã tích nước nhưng thiếu vùng tưới vì vướng đất rừng.

Hồ thủy lợi 3.000 tỉ không có… vùng tưới - Ảnh 1.

Ruộng đồng khô khát dưới chân đập thủy lợi Ia Mơr Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Tháng 4 là thời điểm mùa khô hạn nhất ở Tây Nguyên, một vùng rộng lớn phía tây nam của huyện Chư Prông đang chịu nắng gay gắt.

Đồng ruộng vẫn khô khát

Nhà bà Siu Bloc (60 tuổi, trú ở làng Nắp, xã Ia Mơr) có ruộng nằm ngay cạnh kênh dẫn dòng của hồ thủy lợi Ia Mơr. Anh Siu Đoàn (36 tuổi, con trai bà Siu Bloc) nói: "Nhà mình bị thu hồi 4ha ruộng ở lòng hồ, giờ không có ruộng để làm ăn. Nhiều năm qua phải phụ mẹ để trồng lúa. Nhưng 6 sào ruộng (6.000m2) chỉ làm được một vụ vào mùa mưa. Còn mùa khô phải bỏ trống. 

Ruộng nằm ngay cạnh mương dẫn dòng của hồ thủy lợi Ia Mơr nhưng nhiều năm qua chờ nước về mà chờ mãi". Anh Đoàn cho biết gia đình anh nhận được 300 triệu đồng sau khi bàn giao đất để làm hồ thủy lợi, giờ tiền đã tiêu hết mà ruộng đồng nơi này không có nước tưới.

Xã Ia Mơr trên 65,62% dân số là đồng bào Jrai, tỉ lệ hộ cận nghèo chiếm 17,62%, hộ nghèo là 8,25%. Theo ông Ngô Văn Tiến - chủ tịch UBND xã, hiện xã có 100ha lúa nằm rải rác ở quanh công trình thủy lợi Ia Mơr nhưng chưa có hệ thống kênh mương nội đồng để dẫn nước tỏa đi. 

Với tập quán làm lúa nước 1 vụ/năm nên người dân ở đây vẫn trông chờ vào nước mưa. "Hệ thống tưới tiêu dự kiến tưới cho khoảng 8.000ha đất ở xã. Tuy nhiên, một phần lớn diện tích đất này vẫn chưa thể chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp" - ông Tiến nói.

Chỉ xả nước đáp ứng nhu cầu trước mắt

Ông Nguyễn Văn Hòa - phó giám đốc Ban quản lý dự án thủy lợi Ia Mơr (Ban thủy lợi 8, Bộ NN&PTNT) - cho biết hồ chứa Ia Mơr có tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng, đã hoàn thành những hạng mục quan trọng, hệ thống kênh chính Đông, chính Tây. Dự kiến trong tháng 6-2021 các kênh dẫn dòng sẽ xây xong. 

"Hồ chứa đã tích nước và xả nước ra suối Ia Mơr, còn các kênh dẫn dòng chưa hoàn thiện nên công trình vẫn chưa chính thức đưa vào hoạt động. Khi nào người dân cần, chúng tôi xả nước xuống để đáp ứng nhu cầu trước mắt của bà con" - ông Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, kênh dẫn nước sẽ phục vụ tưới tiêu cho tỉnh Gia Lai và huyện Ea Sup (Đắk Lắk). Ea Sup đã xác định được vùng tưới khoảng 4.000ha nhưng ở Gia Lai vẫn chưa xác định được vùng tưới vì vướng đất lâm nghiệp. Đơn vị chỉ xây kênh dẫn dòng lớn theo thiết kế, còn vấn đề vùng tưới thuộc về địa phương. 

"Do hệ thống kênh dẫn qua khu vực rộng lớn khoảng 8.000ha là đất rừng chưa được chuyển đổi thành đất nông nghiệp. Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư chỉ đạo không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định). 

Thông báo số 191/TB-VPCP năm 2016 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu không chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp và các mục đích khác, trừ các dự án quốc phòng - an ninh đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vướng những quy định trên nên vùng tưới này vẫn chờ sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền" - ông Hòa giải thích.

Ông Lưu Trung Nghĩa - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai - cho biết hiện nay tỉnh đang lập dự án trình Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi hơn 8.000ha đất lâm nghiệp này sang đất nông nghiệp, trong số này có khoảng 3.700ha là đất có rừng. Theo quy định, việc chuyển đổi từ 1.000ha rừng trở lên phải trình Thủ tướng và được Quốc hội thông qua.

"Nếu không chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp được thì công trình thủy lợi này quá lãng phí. Hiện chúng tôi cũng tính toán đến việc làm sao vừa giữ được rừng vừa phát huy hiệu quả việc tưới tiêu của hồ thủy lợi" - ông Nghĩa nói.

Hồ thủy lợi hơn 11 năm chưa đền bù cho dân sẽ gây ngập 800ha Hồ thủy lợi hơn 11 năm chưa đền bù cho dân sẽ gây ngập 800ha

TTO - Hồ thủy lợi Krông Pách thượng (Đắk Lắk) chưa giải phóng mặt bằng xong đang thi công đập chính khiến hàng trăm ha hoa màu, nhiều tài sản của dân chìm trong biển nước.

HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên