Nhiều người bất ngờ khi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho rằng mình đã làm đúng quy trình khi cho cổ phiếu Công ty CP Mỏ và XNK khoáng sản miền Trung (MTM) giao dịch ở sàn UPCoM, nhưng như dư luận phản ảnh tại thời điểm cổ phiếu này lên sàn, thực chất đây là doanh nghiệp “ma”, khiến nhà đầu tư có nguy cơ mất tiền (Tuổi Trẻ ngày 22-6).
Thay vào đó, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo rằng nếu phát hiện những dấu hiệu lừa đảo, cung cấp thông tin không đúng thực tế tại hồ sơ đăng ký giao dịch và hồ sơ công bố thông tin, sẽ xem xét chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra chỉ là giải quyết chuyện đã rồi. Quan trọng là vì sao cổ phiếu của một doanh nghiệp “ma” lại có thể vào sàn UPCoM, một sàn giao dịch được tổ chức bài bản.
Bởi trước khi bị tạm ngừng giao dịch cổ phiếu, doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động, chưa kể nhiều dấu hiệu bất thường khác như địa chỉ đăng ký trụ sở chính của doanh nghiệp chỉ là quán ăn, số điện thoại của doanh nghiệp cũng không có thực, không liên lạc được với ban giám đốc...
Vậy mà HNX lại khẳng định rằng việc đăng ký giao dịch cũng như tổ chức quản lý, giám sát hoạt động của MTM sau khi cổ phiếu này lên sàn hoàn toàn đúng quy định. Vì sao đúng quy trình, quy định mà vẫn lọt vào sàn cổ phiếu “ma”?
Lẽ ra HNX, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cao hơn là Bộ Tài chính phải làm rõ và trả lời nhà đầu tư về sự cố này.
Khi tham gia mua cổ phiếu, dù tại sàn UPCoM hay sàn niêm yết chính thức với tiêu chuẩn cao hơn, nhà đầu tư không đặt nặng vấn đề thẩm định hay soát xét loại cổ phiếu đó có đủ điều kiện vào sàn. Họ hiểu rằng việc đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, trực tiếp là HNX.
Đây là những cơ quan gác cổng, có đủ thẩm quyền để sàng lọc, ngăn chặn những sản phẩm không hợp chuẩn vào “chợ” chứng khoán, một thị trường bậc cao. Nhưng rồi niềm tin của họ đã đặt không đúng chỗ, ít nhất là với trường hợp của MTM.
Dù HNX có trấn an nhà đầu tư khi cho biết sẽ chấn chỉnh lại sàn UPCoM với nhiều quy định chặt chẽ hơn, kiểm soát tốt hơn chất lượng cổ phiếu vào sàn này nhưng đó chỉ là chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”.
Quy trình quản lý sàn chứng khoán là do cơ quan quản lý xây dựng và tổ chức thực hiện. Nếu quy trình không đảm bảo, có kẽ hở để cổ phiếu có vấn đề lọt vào cũng là lỗi của cơ quan quản lý.
Nhà quản lý có lỗi là vì đã đưa ra một quy trình khiếm khuyết và lỗi càng lớn hơn khi chậm trễ phát hiện và hoàn thiện quy trình. Bởi một cơ quan quản lý có trách nhiệm là phải thường xuyên rà soát và hoàn thiện quy trình đưa cổ phiếu vào sàn.
Dù có lạc quan nhất cũng không thể phủ nhận thị trường chứng khoán thời gian qua hoạt động ì ạch, khó thu hút vốn của nhà đầu tư. Trong khi doanh nghiệp thì loay hoay tìm vốn từ ngân hàng và phải trả lãi cao.
Ngay tại trang web của HNX là thông điệp “công khai - minh bạch - công bằng”. Đây là điều nhà đầu tư mong đợi và cũng là đòi hỏi bắt buộc đối với cơ quan quản lý “chợ” chứng khoán.
Thiếu một trong ba yếu tố đó, nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào thị trường chứng khoán - một thị trường hoạt động và phát triển trên cơ sở niềm tin của nhà đầu tư. Thiếu niềm tin, rất khó lòng để nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận