Ông Ngô Văn Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM), kinh doanh hệ thống 10 cửa hàng, cho biết đã đề nghị giảm chiết khấu xuống 12 - 15%, bù lại sẽ tăng quảng cáo.
Tuy nhiên, nhiều app không chấp nhận, vẫn thu đủ 20 - 25%. "Đàm phán tốt, doanh nghiệp có thể được giảm mức chiết khấu. Tuy nhiên, những trường hợp được giảm không nhiều", ông Hà than.
Cuộc vui ngắn ngủi vì app thu đậm
Cho rằng app "ăn dày" và ít chia sẻ, nhiều cửa hàng, quán ăn chọn chia tay hoặc giảm làm ăn với app.
Vận hành hơn 20 chi nhánh quán đồ ăn xứ Quảng, anh Nguyễn Đỉnh (quận Tân Bình) từng kỳ vọng doanh số bùng nổ khi bán hàng online qua app và trực tiếp tại quán. Ban đầu, cứ một quán ăn ít nhất anh đăng ký 3-4 app giao đồ ăn như Baemin, GrabFood, GoFood, ShoppeFood...
Chiết khấu trên đơn hàng của các ứng dụng khác nhau tùy vị trí, quán ăn và thời gian hợp tác, trung bình là 25 - 27,5%. Phí này những năm trước chỉ ở mức khoảng 15 - 20%, sau đó tăng dần.
"Ban đầu có nhiều khách đặt khi app tăng khuyến mãi, sau đó từng bước đưa chủ quán vào thế phải khuyến mãi mạnh hơn mới có khách.
Mình phải chi tiền quảng cáo, ưu đãi 20 - 30% mới xuất hiện nổi bật trên gian hàng online của app. Càng phụ thuộc app, chi tiền khuyến mãi quá nhiều, doanh thu cao nhưng lợi nhuận giảm", anh Đỉnh nói và cho biết đã gỡ bỏ gian hàng trên một số ứng dụng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-10, ông Trần Văn Trường, giám đốc Công ty hải sản Hoàng Gia, cho biết là đơn vị lâu năm và đơn hàng có giá trị lớn nên đã đàm phán để có được mức chiết khấu từ 5 - 10%. Tuy nhiên, gần đây nhiều app đòi tăng lên 15 - 20%, thậm chí 25%, nên đơn vị phải giảm giao hàng qua app.
"Kinh doanh khó khăn, lượng đơn hàng giảm 20 - 30% so với lúc tốt mọi năm, giờ lại "nuôi" thêm app với chiết khấu cao nữa thì thật sự khó sống", ông Trường nói.
Ngoài việc lấy tiền chia sẻ doanh thu trên đơn hàng từ các quán ăn, dịch vụ giao hàng của hãng công nghệ còn "ăn" thêm chiết khấu trên đơn của shipper.
Theo đó, tương tự quán ăn, shipper cũng có mức chiết khấu với app từ 20 - 25%. Chẳng hạn, với một đơn hàng vận chuyển giá 16.000 đồng tài xế mất 1/4 số tiền cho hãng, chỉ giữ lại 12.000 đồng, chưa kể chi phí đổ xăng đang đắt đỏ.
Tự đầu tư để kéo khách về
Dù khẳng định app là làn gió mới, việc "chơi" với ứng dụng giúp đơn vị dễ quảng bá thương hiệu, đỡ các chi phí tại chỗ như mặt bằng, phục vụ... nhưng ông Trường cho biết với xu hướng chiết khấu ngày càng tăng, đơn vị phải tự cứu mình.
Theo ông Trường, với 13 cửa hàng và đang dự tính mở thêm, mỗi ngày hệ thống có đến hàng trăm đơn hàng, việc chia 10 - 15% cho các app là số tiền lớn.
"Tôi đang chủ động xây dựng kênh bán hàng riêng, ưu đãi cho khách như miễn phí vận chuyển khi đặt hàng trực tiếp", ông Trường nói.
Ông Hà Bình Kha, chủ nhà hàng Hai Châu (quận Gò Vấp), cũng cho hay đang tìm cách kéo khách về bằng cách tăng giá 10% nếu đặt qua app, giảm giá bán khi mua tại cửa hàng, miễn phí giao hàng...
Nhiều quán ăn, nhà hàng đang tìm cách "giải phóng" mình khỏi các app. Thay vì trả 25% chiết khấu, họ dùng số tiền này để quảng bá, khuyến mãi tại chỗ...
Đủ kiểu thu phí, app vẫn lỗ?
Với một đơn hàng, app công nghệ thu lời từ nhiều bên nhưng nhiều ứng dụng công nghệ vẫn kêu khó, gặp lỗ.
Mới nhất là ứng dụng đến từ Hàn Quốc Baemin, sau hơn ba năm hoạt động tại Việt Nam đến nay phải thu hẹp quy mô, thậm chí tính rời thị trường. Loship thì đối diện phản ứng của nhiều chủ quán ăn, cửa hàng vì giam tiền hàng, hoàn trả chậm...
Theo các app, áp lực to lớn cho thị trường giao thức ăn tới từ nhà đầu tư, trong khi khách hàng lại quen được khuyến mãi.
"Việc "vung tiền" chiếm thị trường, cạnh tranh với đối thủ khiến các ứng dụng giao hàng lâm vào thế khó. Dân thắt lưng buộc bụng, các app cũng phải cắt giảm khuyến mãi do khó khăn, ngay bản thân doanh nghiệp vẫn lỗ" - đại diện một đơn vị giao hàng lý giải và cho biết tại các thị trường phát triển như Mỹ hay Hàn Quốc, hiện nhiều ứng dụng dẫn đầu cũng lỗ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một app giao thức ăn cho hay phải liên tục "bơm tiền" đầu tư công nghệ và vận hành hệ thống. Nhưng sau thời gian kỳ vọng bùng nổ, thực tế sức mua giảm mạnh, doanh thu sụt giảm rất mạnh từ đầu năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, tổng giám đốc Công ty Liên kết thương mại toàn cầu, nhận định khi chiếm được thị phần, doanh nghiệp công nghệ luôn tìm cách thu tiền, nhất là với các nhà hàng, quán ăn bị lệ thuộc vào app.
Theo các chuyên gia, hiện giá xăng dầu, vật giá tăng cao là áp lực cho cả app, tài xế và khách hàng. Tuy nhiên, các app cần san sẻ, cân đối lợi nhuận ở mức vừa phải để hỗ trợ tài xế và khách hàng, chuẩn bị cho hành trình lâu dài.
"Chơi" với app, nhà hàng chỉ lãi 2-5%
Ông Trần Quốc Thịnh, người sáng lập hệ thống lẩu gà 109 (quận Phú Nhuận), cho biết nhờ hợp tác hơn chục năm nên đề xuất mức chiết khấu 17 - 20% thay vì 25% như quy định của nhiều app.
Nói về cơ cấu chi phí, ông Thịnh tính toán mặt bằng chiếm khoảng 15%, nhân viên 12%, nguyên vật liệu 40 - 45%, các chi phí khác 10%. Như vậy, nếu phải trả 20 - 25% chiết khấu trên mỗi đơn hàng cho app, nhà hàng chỉ lãi được 2-5%, thậm chí có thể lỗ", ông Thịnh nói.
Chưa kể các ứng dụng giao hàng nắm thông tin khách hàng và không chia sẻ, khiến gần như không tương tác được với khách. Ông Thịnh cho hay đơn vị đang cố gắng để lượng đơn hàng giao qua app chỉ khoảng 10 - 15%.
Bù vào, hệ thống tập trung xây dựng bộ phận chăm sóc khách hàng, tạo fanpage, website, hotline... để tương tác với khách, chấp nhận lấy phần trăm trả app để giảm giá bán, miễn phí giao hàng...
Khách đã ra quán nhiều hơn
Ông Trần Văn Trường cho biết sau dịch, thay vì đặt đồ ăn giao tới nhà, giờ nhiều người ra quán ăn tại chỗ vì giá rẻ hơn.
Chị Thiên Kiều, chủ quán bún bò trên đường Vạn Kiếp (TP.HCM), chia sẻ ngoài tiền đặt đồ ăn, khách còn tốn thêm phí ship ít nhất 14.000 - 20.000 đồng cho cự ly dưới 5km nếu đặt qua app.
"Hiện nay quán bán nhiều làm cực hơn mà tiền lời không bao nhiêu. Tài xế chạy nhiều hơn mà không nhiều tiền hơn. Các app vun vén đủ cách tận dụng kiếm tiền nhiều hơn", chủ một nhà hàng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận