Một nhóm người mặc đồ bảo hộ trợ giúp khi nhóm kỹ thuật viên Hàn Quốc đầu tiên đến Thiên Tân, Trung Quốc thông qua thủ tục “đường tắt” - Ảnh: China Daily
Theo trang Nhân Dân Nhật Báo, đây là mô hình hợp tác đầu tiên trên thế giới được áp dụng giữa dịch COVID-19. Tuy nhiên, mô hình này đang đứng trước thách thức lớn: làn sóng dịch bệnh thứ hai đang có dấu hiệu quay trở lại.
“Cách làm này cũng là một cuộc thử nghiệm và thăm dò có ích để thế giới bước vào “thời đại hậu COVID-19” và dần bắt đầu lại hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt bình thường. Nó bơm thêm niềm tin và động lực to lớn vào nền kinh tế thế giới.
Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc HÌNH HẢI MINH
Thủ tục "đường tắt"
Với việc áp dụng cái gọi là thủ tục "đường tắt" có hiệu lực từ hôm 1-5, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh dành cho những người đi lại giữa hai quốc gia vì mục đích làm việc, kinh doanh.
Những người từ Hàn Quốc sẽ có thể đi tới 10 tỉnh thành của Trung Quốc, trong đó có Trùng Khánh, Thượng Hải và Thiên Tân, sau khi trải qua thủ tục mới tốn ít thời gian hơn.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết theo thủ tục mới, người ở Hàn Quốc sẽ cần nhận thư mời từ một công ty có trụ sở ở Trung Quốc (chẳng hạn công ty Hàn Quốc đang hoạt động ở Trung Quốc hay công ty Trung Quốc), sau đó tự theo dõi sức khỏe trong hai tuần và được xét nghiệm COVID-19 trong vòng 72 giờ tại Hàn Quốc trước khi lên đường.
Khi đến Trung Quốc, họ được đưa đến một địa điểm do chính quyền địa phương chỉ định để cách ly từ 1-2 ngày (thay vì 14 ngày) và xét nghiệm lần hai. Nếu kết quả tiếp tục âm tính, họ có thể quay lại nơi làm việc ở Trung Quốc ngay.
Thủ tục tương tự sẽ được áp dụng với người Trung Quốc đến Hàn Quốc để làm việc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thủ tục "đường tắt" sẽ được áp dụng với những người làm công việc kinh doanh, hậu cần, sản xuất công nghiệp và kỹ thuật.
Hôm 10-5, nhóm 215 kỹ thuật viên Hàn Quốc đầu tiên trải qua thủ tục "đường tắt", gồm các nhân viên đến từ Tập đoàn Samsung và các đối tác, đã khởi hành đến thành phố Thiên Tân của Trung Quốc để làm việc. Đến ngày 13-5, họ đã quay lại nơi làm việc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tuần trước có cuộc điện đàm, trong đó gọi thủ tục "đường tắt" là một ví dụ về hợp tác và là mô hình hay giữa đại dịch. Báo Nikkei cho biết Trung Quốc cũng đề xuất áp dụng thủ tục trên với Nhật Bản.
Trong khi đó, báo Wall Street Journal dẫn thông tin từ các nhà ngoại giao cho hay Trung Quốc đã tổ chức các cuộc thảo luận không chính thức với hơn chục nước ở châu Á - Thái Bình Dương để mở đường cho những người làm trong các ngành thiết yếu quay lại làm việc, đảm bảo chuỗi cung ứng quốc tế.
Vừa đi vừa sợ
Tuy nhiên, việc vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế của Trung Quốc và Hàn Quốc đang đứng trước một thách thức lớn khác: làn sóng COVID-19 thứ hai.
Tại Trung Quốc, nỗi lo về làn sóng dịch thứ hai tăng lên khi nhiều ca nhiễm mới được ghi nhận ở vùng đông bắc, đặc biệt tại tỉnh Cát Lâm. Hãng tin Bloomberg tuần này cho biết khoảng 108 triệu dân tại khu vực này đang bị đặt vào các điều kiện phong tỏa một lần nữa sau khi các ổ dịch mới xuất hiện.
Ngay cả ông Chung Nam Sơn, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, tuần trước thừa nhận Trung Quốc hiện đối mặt với "thách thức lớn". Ông bày tỏ lo ngại về một làn sóng COVID-19 tiếp theo vì Trung Quốc vẫn còn thiếu miễn dịch cộng đồng và phần đông người dân vẫn dễ mắc COVID-19, khi chưa có vắcxin và thuốc đặc trị.
Tại Hàn Quốc, nhà chức trách vừa cho người dân được ra ngoài tham gia các hoạt động xã hội và tuyên bố bắt đầu "một cuộc sống mới thường ngày chung với COVID-19" không lâu thì ổ dịch mới đã xuất hiện tại khu Itaewon của Seoul, với hơn 180 ca nhiễm liên quan tính đến ngày 19-5.
"Một làn sóng dịch thứ hai là điều không thể tránh khỏi" - Son Young Rae, chiến lược gia dịch tễ học của Chính phủ Hàn Quốc, nhận định.
Đài Loan tìm cách mở lại biên giới
Không chỉ Trung - Hàn, Đài Loan cũng nghiên cứu cách nới lỏng các biện pháp hạn chế khắt khe tại biên giới, đặc biệt với những người đi làm ăn.
Vùng lãnh thổ này đang hợp tác với Đại học Stanford của Mỹ để thiết kế cơ chế xét nghiệm và cách ly hiệu quả. Theo đó, sẽ có 500 người được đưa từ Mỹ tới Đài Bắc, nơi họ trải qua xét nghiệm hai ngày một lần trong khoảng thời gian cách ly 14 ngày.
Mục đích của nghiên cứu này là tìm ra được khoảng thời gian cách ly an toàn nhưng ngắn nhất, giúp nhà chức trách đảm bảo được hành khách không mắc COVID-19. Trong khi đó, những người thực hiện các chuyến đi làm ăn không phải đợi lâu, chỉ bị cách ly vài ngày thay vì 14 ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận