Nông dân Triều Tiên trên đồng - Ảnh: AFP
Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, chính quyền Seoul cũng khẳng định các khoản viện trợ nhân đạo sẽ không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng địa chính trị với Triều Tiên gần đây.
Quyết định về khoản viện trợ được đưa ra trong cuộc họp của các thành viên chính phủ do Bộ trưởng Thống Nhất Cho Myong Gyon chủ trì, ngay sau khi Liên Hiệp Quốc phê chuẩn một loạt lệnh trừng phạt mới chống lại Triều Tiên do nước này tiến hành vụ thử hạt nhân thứ sáu vào đầu tháng 9.
Trước đó, Seoul cho biết dự kiến khoản tiền 4,5 triệu USD sẽ được dành cung cấp thực phẩm cho phụ nữ mang thai và trẻ em thông qua tổ chức Chương trình lương thực thế giới, và 3,5 triệu USD còn lại cho vắc-xin và thuốc men thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc.
Thời gian chính xác các khoản viện trợ được gửi đi sẽ được quyết định sau.
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc nối lại việc cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên kể từ tháng 12-2015.
Trước đó, ngày 18-9, Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định lại rằng vấn đề viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên cần phải tách biệt với các biện pháp trừng phạt quốc tế chống Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Baik Tae Hyun - người phát ngôn Bộ Thống nhất, nêu rõ: "Lập trường cơ bản của chính phủ là giúp đỡ nhân đạo cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương ở Triều Tiên cần được tiếp tục bất chấp tình hình chính trị. Vấn đề này hoàn toàn tách biệt với các biện pháp trừng phạt và sức ép".
Chủ tịch Kim Jong Un tươi cười trong chuyến viếng thăm nông trại ở huyện Kwail, thuộc tỉnh nam Hwanghae. Hình ảnh được hãng thông tấn trung ương KCNA công bố ngày 21-9. Thời gian qua, không ít thông tin cho rằng người dân Triều Tiên vẫn bị đói do thiếu lương thực - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae In sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ và quốc tế gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên để Bình Nhưỡng không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Dự kiến trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ở thành phố New York (Mỹ) ngày 21-9, ông Moon sẽ kêu gọi các nỗ lực quốc tế thông qua việc triển khai các nghị quyết của HĐBA LHQ áp đặt trừng phạt Triều Tiên, trong đó có nghị quyết được thông qua hồi tuần trước sau vụ thử hạt nhân của nước này hôm 3-9.
Cuối ngày 21-9, ông Moon sẽ thảo luận với người đồng cấp Mỹ Donald Trump về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Sau đó, 2 nhà lãnh đạo sẽ tiến hành cuộc gặp 3 bên cùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Trung Quốc lo ngại "tình hình ngày càng nghiêm trọng"
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để ngăn căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên vượt khỏi tầm kiểm soát.
Lời kêu gọi được đưa ra trong cuộc gặp của ông Vương Nghị với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel bên lề khóa họp 72 củ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) vào ngày 20-9 (giờ Mỹ).
"Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng nghiêm trọng và có khả năng vượt tầm kiểm soát", hãng thông tấn China News Service của Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị.
Ông khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên. Theo ông, không thể giải quyết được vấn đề nếu chỉ sử dụng các biện pháp trừng phạt và gây sức ép. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần biến sức ép của các lệnh trừng phạt thành động lực cho các cuộc thương lượng ở thời điểm thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cũng như nắm bắt cơ hội đối thoại.
Phía Trung Quốc đánh giá cao sự ủng hộ của Đức đối với đề xuất của Bắc Kinh, theo đó kêu gọi Triều Tiên ngừng các chương trình tên lửa và hạt nhân, trong khi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung quy mô lớn.
Đặc nhiệm Hàn Quốc tập trận bảo vệ thủ đô Seoul hôm 4-9 - Ảnh: REUTERS
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng như việc cơ chế giải trừ vũ khí hạt nhân của thế giới đang bị đe dọa.
Ông Gabriel khẳng định rằng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên phải được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán, đồng thời nhấn mạnh loại trừ lựa chọn biện pháp quân sự. Phía Đức cũng bày tỏ sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận