20/02/2013 07:58 GMT+7

Hàn Quốc tập trận sáu ngày

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Hải quân Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận kéo dài sáu ngày trên biển Nhật Bản từ ngày 19-2 với sự tham gia của các tàu chiến, tàu ngầm Hàn Quốc và máy bay tuần tra của Mỹ, mục tiêu là dò tìm và phát hiện tên lửa cũng như tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên.

e5eJ9j73.jpgPhóng to

Quân đội Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật gần biên giới liên Triều hôm 15-2 - Ảnh: Reuters

“Chúng tôi muốn kiểm tra khả năng sẵn sàng đương đầu với mối đe dọa từ phía kẻ thù” - một người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố. Hồi đầu tháng, Seoul và Washington đã tập trận hải quân chung với sự tham gia của một tàu ngầm nguyên tử và tàu khu trục Mỹ.

Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, người sẽ rời văn phòng tổng thống vào ngày 25-2, tuyên bố Bình Nhưỡng đang “tự dồn mình vào góc tường” sau vụ thử hạt nhân ngày 12-2. Trong bài phát biểu chia tay, như AFP cho biết, ông Lee cảnh báo nếu tiếp tục chương trình tên lửa và hạt nhân của mình, Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với các biện pháp cấm vận và cô lập ngày càng ngặt nghèo.

Trong khi đó, theo Reuters, trong cuộc tranh luận tại hội nghị về giải trừ quân bị của Liên Hiệp Quốc diễn ra hôm qua ở Geneva (Thụy Sĩ), nhà ngoại giao CHDCND Triều Tiên Jon Yong Ryong đã phát biểu cách cư xử thất thường của Hàn Quốc chỉ báo hiệu “sự hủy diệt sau cùng” của nước này, đồng thời nói thêm Bình Nhưỡng có thể sẽ có các hành động tiếp theo sau vụ thử hạt nhân tuần trước.

EU, Mỹ tăng cường cấm vận, trừng phạt

Trước đó, ngày 18-2, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra dự thảo cấm vận mới đối với CHDCND Triều Tiên để trả đũa vụ Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân. Reuters cho biết lệnh cấm vận này bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính, cấm đi ra nước ngoài, đóng băng tài sản... của 26 cá nhân trong chính quyền Bình Nhưỡng và 33 tổ chức ở CHDCND Triều Tiên. Trái phiếu CHDCND Triều Tiên bị cấm giao dịch, các hoạt động buôn bán vàng, kim loại quý, kim cương với các công ty Triều Tiên bị đình chỉ. Các ngân hàng Triều Tiên sẽ không được mở chi nhánh ở châu Âu.

Mỹ cũng đang đàm phán với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thông qua các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo hơn đối với Bình Nhưỡng. Dù vậy, theo báo mạng Politico, giới quan sát nhận định chỉ Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng, mới nắm giữ chìa khóa giải mã vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Có một điểm đáng chú ý là sau khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa ngày 12-12-2012, báo chí Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Bình Nhưỡng mạnh mẽ. Thời báo Hoàn Cầu khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng ngừng viện trợ cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, sau vụ thử hạt nhân gần đây, truyền thông Trung Quốc dường như lại đổi giọng chuyển sang đổ tội cho Mỹ và phương Tây đã dồn Bình Nhưỡng đến đường cùng.

Tìm cách tiếp cận mới

Trên báo Anh Guardian, nhà phân tích Simon Jenkins khẳng định các biện pháp trừng phạt sẽ chẳng có tác dụng gì đối với CHDCND Triều Tiên mà chỉ khiến người dân nước này thêm nghèo khổ. “Cấm vận là công cụ ngoại giao phản tác dụng nhất - chuyên gia Jenkins bình luận - Tuy nhiên, các chính trị gia phương Tây rất ưa thích trừng phạt kinh tế, không phải bởi nó có hiệu quả, mà chỉ vì họ muốn chứng tỏ với thế giới rằng mình đã hành động”.

Theo tạp chí International Security, học giả Mỹ Robert Pape đã thống kê và ước tính chỉ có khoảng 5 trên tổng số 115 vụ trừng phạt kinh tế kể từ sau Thế chiến II thật sự có hiệu quả.

Trên trang Project Syndicate, cựu ngoại trưởng Úc Gareth Evans cho rằng CHDCND Triều Tiên không phải là quốc gia duy nhất phải chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng hiện tại. Và nếu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, phương Tây... giữ bình tĩnh, đặt lên bàn đàm phán đủ mọi điều kiện cần thiết thay vì cứ chỉ trừng phạt thì các bên mới có một cơ hội ngoại giao thật sự để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

“Bình Nhưỡng muốn đi theo con đường riêng”

Báo Kyonghyang Sinmun của Hàn Quốc cho rằng một khi Bình Nhưỡng đang thật sự sở hữu công nghệ cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân thì thực tế này buộc các nước láng giềng phải thay đổi cách tiếp cận. Cộng đồng quốc tế đã không đủ sức loại bỏ hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên nữa (mục tiêu phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã được nêu rõ qua cuộc đàm phán sáu bên bắt đầu từ năm 2002), nhưng từ nay sẽ phải hành động để ngăn chặn sự phát triển các khả năng hạt nhân và ngăn chặn việc xuất khẩu hạt nhân của nước này.

Mun Jong In, giáo sư ĐH Yonsei của Seoul, nhận định vụ thử hạt nhân mới đây của Bình Nhưỡng là “cách biểu hiện ý chí của Bình Nhưỡng muốn đi theo con đường riêng của mình, hơn là một công cụ nhằm gây áp lực với Washington một khi độc lập, sự tự quyết và uy tín quốc gia của Triều Tiên chưa được đảm bảo. Chúng ta cần thay đổi cái nhìn về đất nước này. Giờ đây khi giả thuyết CHDCND Triều Tiên có thể sở hữu các đầu đạn hạt nhân với độ uranium làm giàu cao là có cơ sở, chúng ta cần phải tập trung vào một cách tiếp cận thực tế”.

T.N.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên