01/09/2019 11:59 GMT+7

Hàn Quốc chìa tay chia sẻ tình báo với Thái Lan

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Hiện Hàn Quốc muốn ký thỏa thuận chia sẻ tình báo với Thái Lan, ngay sau khi chấm dứt thỏa thuận tương tự với Nhật Bản. Đây là một phần trong chính sách xoay trục sang ASEAN để Hàn Quốc giảm lệ thuộc vào Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Hàn Quốc chìa tay chia sẻ tình báo với Thái Lan - Ảnh 1.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Bangkok Post của Thái Lan gần đây, Tổng thống Moon Jae In đã kêu gọi ASEAN "giữ vai trò lớn hơn trong việc giúp Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và sát cánh với nhau thông qua hợp tác kinh tế" - Ảnh chụp màn hình AP

Trong bối chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng tăng nhiệt và căng thẳng Nhật - Hàn không có dấu hiệu giảm đi, Hàn Quốc đang nỗ lực xoay trục sang các nước Đông Nam Á, theo nhận định của báo South China Morning Post (SCMP).

Hôm nay (1-9), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ bắt đầu chuyến thăm Thái Lan, Lào và Myanmar. Đây là một phần trong chính sách hướng Nam mới (NSP) của Seoul để giảm lệ thuộc vào các nước mạnh như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Nhật đi, Thái vào

Theo báo SCMP, trong một bước đi cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của Hàn Quốc với các nước ASEAN, Seoul đang thúc đẩy ký một thỏa thuận chia sẻ tình báo chung có tên gọi Thỏa thuận An ninh chung về thông tin quân sự (GSOMIA) với Thái Lan.

Kế hoạch này được nội các Hàn Quốc thông qua trong bối cảnh Seoul ngừng GSOMIA với Nhật Bản vào tuần trước vì những bất đồng giữa hai nước về thương mại và lịch sử.

Động thái bất ngờ của Hàn Quốc lúc bấy giờ đã vấp phải nhiều chỉ trích của giới chức Mỹ. Họ cho rằng quyết định của Seoul sẽ làm rạn nứt liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, vốn quan trọng trong các kế hoạch của Washington ở Đông Bắc Á để kiềm chế Triều Tiên, Nga và Trung Quốc.

Với việc ký thỏa thuận chia sẻ tình báo với Thái Lan, nhà phân tích quân sự Yang Uk ở Hàn Quốc nhận định rằng Seoul có thể tận dụng thỏa thuận này để bán vũ khí cho Bangkok.

"Mục đích của thỏa thuận này là nhằm tăng cơ hội để Hàn Quốc buôn bán vũ khí trong khu vực, thay vì cùng đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên (như thỏa thuận với Nhật Bản)" - ông Yang Uk đánh giá.

Năm ngoái, Hàn Quốc đã xuất khẩu số vũ khí trị giá 2,8 tỉ USD, giảm so với con số 3,6 tỉ USD vào năm 2017. Nằm trong danh sách xuất khẩu này có máy bay, xe tăng, tàu chiến và súng phóng lựu.

Hiện Hàn Quốc ký thỏa thuận GSOMIA với 20 quốc gia, trong đó có Mỹ, Úc và Pháp.

Ông Cheon Young-ghil, phó tổng thư ký Ủy ban chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, khẳng định Hàn Quốc sẽ là một đối tác thân thiết với ASEAN và Ấn Độ vì Seoul hiện không có các mục tiêu liên quan tới quân sự trong khu vực. 

Ông cho biết với thiện chí của mình, Hàn Quốc có thể chia sẻ các kinh nghiệm về phát triển kinh tế.

Giảm lệ thuộc vào nước mạnh

Chuyến thăm các quốc gia Đông Nam Á của ông Moon Jae In diễn ra trong bối cảnh lễ kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc sắp diễn ra ở Busan vào tháng 11 tới. Đầu năm nay, ông Moon đã đến thăm Brunei, Malaysia và Campuchia.

Ông Paul Chambers, đến từ Trung tâm nghiên cứu cộng đồng ASEAN ở Đại học Naresuan của Thái Lan, nhận định chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc xem các quốc gia ASEAN là "một sự thay thế các cường quốc", trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Vị này cho rằng sự xoay trục của Hàn Quốc cũng sẽ giúp các quốc gia ven sông Mekong tránh được những khoản cho vay tiềm ẩn "bẫy nợ" của Trung Quốc.

Chính quyền ông Moon muốn đạt được mục tiêu thương mại hai chiều 200 tỉ USD với ASEAN trong năm tới. Năm ngoái, thương mại hai chiều giữa hai bên đạt mức kỷ lục 160 tỉ USD, tăng 7% so với năm 2017, theo Trung tâm Hàn Quốc - ASEAN ở Seoul.

Có đến 6 quốc gia ASEAN, trong đó nổi bật là Việt Nam, Indonesia và Singapore, nằm trong tốp 20 đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc.

Theo SCMP, Việt Nam - đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - chiếm tới hơn 40% trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc với ASEAN vào năm ngoái. Việt Nam cũng thu hút hơn một nửa số đầu tư trực tiếp của Seoul vào khu vực trong năm 2018.

Hàn Quốc vượt Nhật về đầu tư FDI vào Việt Nam Hàn Quốc vượt Nhật về đầu tư FDI vào Việt Nam

TTO - Tờ Korea Times vừa thông tin Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2019.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên