07/09/2022 11:12 GMT+7

Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ 3: Trận đại hạn chết người khủng khiếp ở Trung Quốc

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Trung Quốc đã chống chọi với nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng trong lịch sử nhưng có lẽ hiếm đợt nào khắc nghiệt bằng đợt hạn hán năm 1928-1930.

Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ 3: Trận đại hạn chết người khủng khiếp ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Một bé trai gom cỏ khô để ăn trong nạn đói - Ảnh: alphahistory.com

Nhiều trường hợp ăn thịt người đã được báo cáo do nhiều người đói không kiếm được thức ăn.

Báo The New York TimesDiễn đàn Kinh tế thế giới dẫn lời một số chuyên gia đã gọi đợt hạn hán này là "sự kiện thảm khốc nhất thế kỷ 20 ở Trung Quốc". Hạn hán dẫn đến nạn đói trên diện rộng cướp đi sinh mạng từ 3-10 triệu người.

Vì đâu lại xảy ra nạn đói?

Hạn hán cuối những năm 1920 được xem là một trong ba đợt hạn hán khốc liệt nhất ở vùng tây bắc Trung Quốc trong 300 năm qua, ảnh hưởng hầu hết vùng tây bắc và một phần miền bắc. Hạn hán kéo dài trong thời gian năm năm từ năm 1926-1930. Thời kỳ chính của hạn hán kéo dài trong hai năm 1928-1929.

Hạn hán bùng phát từ tỉnh duyên hải Sơn Đông, sau đó chuyển hướng vào các tỉnh nội địa Hà Nam, Thiểm Tây và Cam Túc. Thảm họa nghiêm trọng đã được ghi nhận tại Thiểm Tây, Cam Túc, Sơn Đông, An Huy, Tuy Viễn (nay là miền trung và miền nam khu tự trị Nội Mông) và Chahar (đã được sáp nhập với Bắc Kinh, Nội Mông, Hà Bắc và Sơn Tây hiện nay).

Trang web Weather and Climate Extremes (Hà Lan) số tháng 6-2022 đã đăng công trình nghiên cứu của các tác giả Đại học Sư phạm Bắc Kinh với đầu đề "Hạn hán cuối những năm 1920 ảnh hưởng thế nào đến xã hội miền bắc Trung Quốc?". Nghiên cứu giải thích nếu gió mùa Đông Nam Á đổ bộ muộn hoặc yếu trong năm nào đó, lượng mưa ở miền bắc Trung Quốc ngày càng giảm dễ gây ra hạn hán cực đoan.

Đầu năm 1928, hạn hán và chiến tranh ở miền bắc Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm hủy diệt, dẫn đến nạn đói nghiêm trọng tại khoảng 300 huyện. 

Bất chấp nỗ lực cứu trợ hạn chế của địa phương và quốc tế, nạn đói ở vùng tây bắc cuối những năm 1920 có thể sánh ngang với nạn đói ở Hoa Bắc năm 1876-1879 nếu xét về yếu tố thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.

Theo trang web nghiên cứu Disaster History, mùa màng thất bát trong thung lũng sông Ngụy màu mỡ của tỉnh Thiểm Tây là mồi lửa dẫn đến tình trạng thiếu lương thực ở vùng tây bắc. Hạn hán kéo dài khiến hơn 3,7 triệu ha đất canh tác trở nên cằn cỗi. Dù vậy, nạn đói xảy ra sau đó lại có nguồn gốc chính trị nhiều hơn nguồn gốc tự nhiên.

Xung đột giữa các nhóm quân phiệt từng vùng đã gây biến động ở miền bắc làm thúc đẩy gia tăng hậu quả của nạn đói. Các nhóm quân phiệt chỉ lo đánh nhau. Họ tàn nhẫn tịch thu ngũ cốc, gia súc và nông cụ của nông dân đồng thời bắt buộc nông dân phải trồng cây thuốc phiện. Các khu vực có thể canh tác lương thực đều trở thành đồn điền trồng cây thuốc phiện.

Nguyên nhân sâu xa hơn nữa khiến nạn đói kém càng thêm chết người hơn còn xuất phát từ thái độ thiếu quan tâm của chính quyền thời đó. Các cấp chính quyền địa phương lo lắng về xung đột quân sự nên chẳng quan tâm bảo trì đê điều. Sản xuất lương thực sụt giảm ồ ạt vì lương thực được ưu tiên cung cấp cho binh lính hơn dân.

Báo The New York Times ngày 7-7-1929 đưa tin Ủy ban Các nhà truyền giáo hải ngoại Mỹ (thuộc đạo Tin Lành) ghi nhận "nhiều trường hợp ăn thịt người" đã được báo cáo do nhiều người đói không kiếm được thức ăn.

Hàng triệu người sống trong thung lũng sông Ngụy bị nạn đói đe dọa phải rời bỏ tỉnh Thiểm Tây tìm đường lánh nạn. Trong tác phẩm Chống nạn đói ở miền bắc Trung Quốc (NXB Đại Học Stanford), TS sử học Lillian W. Li (Mỹ) ghi nhận tại thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông, 25.000 người di cư "chỉ sống cầm hơi bằng chén cháo trắng miễn phí mỗi ngày". 

Tại Thiểm Tây, ngoài 3 triệu người chết vì đói và bệnh tật còn có thêm 6 triệu người phải tha phương cầu thực.

Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ 3: Trận đại hạn chết người khủng khiếp ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Những người di cư chờ nhận thức ăn cứu trợ tại Tế Nam (Sơn Đông) năm 1928 - Ảnh: Đại học Nam California

4 triệu người phải đi ăn mày

Do dữ liệu sơ sài và không đầy đủ, tổng số người chết trong nạn đói cuối những năm 1920 ước tính dao động từ 3-10 triệu người. Báo The New York Times ghi nhận "mỗi ngày có đến hàng ngàn người chết đói". 

Số nạn nhân nạn đói không hề có dấu hiệu giảm vì sáu tháng đầu năm 1930 lại có thêm 2 triệu người chết. Tổ chức thiện nguyện Ủy ban quốc tế cứu trợ nạn đói ở Trung Quốc của các nhà truyền giáo ước tính 4 triệu người phải đi ăn mày.

Tin tức về nạn đói lan rộng ở vùng tây bắc Trung Quốc đã khơi gợi nhiều nỗ lực cứu trợ đáng kể trong nước và quốc tế. Năm 1929, Ủy ban Cứu trợ nạn đói Trung Quốc - nước ngoài đã phân phối 382.000 USD tài trợ cho công tác cứu trợ các vùng bị ảnh hưởng từ Cam Túc đến Giang Tô.

Năm 1930, ủy ban này đã thanh toán bổ sung lần lượt 75.000 USD và 36.000 USD cho các tỉnh Cam Túc, Thiểm Tây và Hà Nam. Ngoài ra còn có nhiều dự án nhận được tài trợ như dự án phát triển hạt giống chịu hạn cho nông dân. Hàng ngàn người Trung Quốc đã thành lập bếp ăn từ thiện và cung cấp chỗ ở cơ bản cho người di cư.

Những nỗ lực cứu trợ chống nạn đói ở vùng tây bắc chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn chứ không đưa ra giải pháp lâu dài ngăn chặn nạn đói và thảm họa thiên nhiên sau đó. Nhiều hàng cứu trợ không đến được tay nạn nhân đói kém vì chiến tranh quân phiệt làm gián đoạn nghiêm trọng thương mại xuyên Trung Quốc nên việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, hạt giống chống hạn không phải là giải pháp cứu đói khẩn cấp.

Báo North China Herald ở Thượng Hải ghi nhận ngay cả sang năm 1932, hạn hán, lũ lụt và bệnh dịch "tiếp tục xảy ra ở miền bắc và tây bắc thường xuyên hơn bao giờ hết". 

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa mọi nỗ lực cứu trợ đều không hiệu quả. Ví dụ báo chí năm 1931 đã đưa tin về một dự án xây dựng kênh đào trị giá 1 triệu USD từ sông Vua đến đồng bằng Thiểm Tây nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn hán tại một số khu vực.

Thế kỷ 20, ngoài nạn đói năm 1928-1930, bốn nạn đói còn lại là nạn đói ở miền bắc năm 1920-1921, nạn đói Tứ Xuyên năm 1936-1937, nạn đói Hà Nam năm 1942-1943 và nạn đói lớn năm 1959-1961. Số người chết trong năm nạn đói tổng cộng ước tính từ 40-65 triệu người.

Trong nạn đói ở miền bắc năm 1920-1921, mùa hè trước đó rất nóng và trời không mưa khơi mào đợt hạn hán kéo dài một năm rưỡi.

Ngoài hạn hán còn có nhiều nguyên nhân khác gây ra nạn đói như vùng nông thôn xa xôi đông dân cư quá nghèo, cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế, chính quyền trung ương yếu kém và thiếu tiền mặt, ngập lụt, chiến tranh. Nhiều bếp nấu cháo cứu trợ đã được mở khắp các vùng bị ảnh hưởng.

Trong số đó có một bếp ăn phục vụ tới 25.000 người mỗi ngày ở An Dương (tỉnh Hà Nam). Nhờ gạo cứu trợ của trung ương và các tổ chức từ thiện nên số người chết tương đối thấp với khoảng 0,5 triệu người.

--------------------

Do đại hạn kéo dài nhiều năm, bão cát trỗi dậy tàn phá hàng triệu hecta đất nông nghiệp. Nhiều triệu người phải dứt áo bỏ xứ ra đi, tạo nên làn sóng di cư lớn nhất lịch sử nước Mỹ.

Kỳ tới: Đồng khô cháy, bão đen và dân di cư

Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ 2: Đại hạn thảm khốc và hàng chục triệu người chết đói Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ 2: Đại hạn thảm khốc và hàng chục triệu người chết đói

TTO - Một bức ảnh gây chấn động dư luận. Người đàn ông trong ảnh cầm cây gậy canh chừng thi thể của người vợ và con gái để những kẻ muốn ăn thịt người khỏi phải dòm ngó. Cả gia đình chỉ còn da bọc xương.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên