06/09/2022 10:57 GMT+7

Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ 2: Đại hạn thảm khốc và hàng chục triệu người chết đói

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Một bức ảnh gây chấn động dư luận. Người đàn ông trong ảnh cầm cây gậy canh chừng thi thể của người vợ và con gái để những kẻ muốn ăn thịt người khỏi phải dòm ngó. Cả gia đình chỉ còn da bọc xương.

Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ 2: Đại hạn thảm khốc và hàng chục triệu người chết đói - Ảnh 1.

Người đàn ông canh chừng thi thể vợ và con gái trong nạn đói lớn ở Madras năm 1876-1878 - Ảnh: HOOPER

Vì các điều kiện gây ra nạn đói lớn phát sinh từ biến đổi khí hậu tự nhiên nên không gì có thể ngăn chặn hạn hán tái diễn trên toàn cầu.

TS DEEPTI SINGH

Bối cảnh xảy ra tại Madras (miền nam thuộc địa Ấn Độ) trong nạn đói năm 1876-1878. Tác giả bức ảnh là sĩ quan thực dân Anh Willoughby Wallace Hooper. Nguồn cơn bắt đầu từ trận đại hạn hán khủng khiếp.

Chết đói khắp nơi

Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ 2: Đại hạn thảm khốc và hàng chục triệu người chết đói - Ảnh 3.

Ảnh chụp các nạn nhân đói kém của Hooper Ảnh: Hooper

Hooper bị chỉ trích là hành nghề thiếu đạo đức vì không cứu giúp những người đói kém và dàn dựng chụp ảnh với động cơ không phải tác nghiệp báo chí. Ngoài ra, ông còn đặt một số chú thích ảnh mô tả những người đói kém trong ảnh như đồ vật.

Thư viện hình ảnh của Hiệp hội Địa lý hoàng gia Anh còn lưu trữ một số ảnh của Hooper. Ảnh chụp các nạn nhân Ấn Độ bị bỏ rơi trong nạn đói được chụp ngoài trời, trong làng hoặc trong trại cứu trợ. Người đói với thân hình ốm trơ xương được dàn dựng chụp ảnh trước trụ sở công cộng hoặc trong bối cảnh giống phòng chụp ảnh trong lúc mạng sống họ ngàn cân treo sợi tóc. Báo The Times of India mô tả: "Vào một buổi tối, ông ấy (Hooper) đã chọn ra bảy người mà ông ấy muốn chụp. Do ánh sáng không đạt nên buổi chụp ảnh được dời lại. Sáng hôm sau ông ta đến và thấy tất cả họ đều đã chết trong đêm".

Tại Ấn Độ trong thời kỳ thuộc địa Anh, năm 1877 được xem là năm khô hạn nhất trong biên niên sử. TS khí hậu học Deepti Singh tại Đại học Columbia (Mỹ) lưu ý: "Các tính toán của chúng tôi cho thấy toàn bộ khu vực gió mùa châu Á đã trải qua cơn hạn hán nghiêm trọng nhất ít ra từ 800 năm qua". Ấn Độ đã gọi nạn đói kinh hoàng năm 1876-1878 là nạn đói lớn. Nhiều triệu người gầy trơ xương bạo loạn. Thi thể trẻ em bị chó cắn xé. Phụ nữ moi hạt giống mới gieo ngoài đồng để ăn.

Theo tạp chí Science et Vie (Pháp), vào thời gian đầu của nạn đói năm 1876-1878, chính quyền thực dân Anh ở Ấn Độ vẫn tiếp tục thu gom lúa mì xuất khẩu về mẫu quốc. Phó vương-toàn quyền Ấn Độ Lord Lytton chỉ lo tổ chức buổi chầu tấn phong nữ hoàng Victoria là "nữ hoàng Ấn Độ". Tại cao nguyên Deccan ở miền nam Ấn Độ, cây lương thực phải nhường chỗ cho nông sản thương mại trong khi bất kỳ ai có vốn đều được phép đầu tư xuất khẩu và kinh doanh ngũ cốc.

Vào lúc đại hạn, chính quyền thuộc địa đã ban hành một số chính sách tréo ngoe. Trại cứu trợ được quân sự hóa. Chính sách phân phối thực phẩm được siết chặt. Ví dụ "đạo luật về khoảng cách" đã quy định không ai được phép làm việc trong bán kính 10km gần nhà. Nhiều người dân đói kém cố đi tìm việc ở những vùng xa xôi với hy vọng kiếm đủ tiền mua gạo. Và rồi hàng ngàn người đã bỏ mạng trên đường tha phương cầu thực.

Trong cuốn sách Thảm họa diệt chủng cuối thời Victoria: El Niño, nạn đói và sự hình thành thế giới thứ ba, nhà sử học Mike Davis tại Đại học California-Riverside (Mỹ) lưu ý lúc bấy giờ đã có nhiều ý kiến bảo vệ Lord Lytton cho rằng thương mại của Anh là trên hết chứ không thể ưu tiên cho thuộc địa Ấn Độ. 

Phó toàn quyền Sir Richard Temple từng bị rầy rà vì thái độ "ngông cuồng" khi nhập khẩu gạo từ Myanmar để cứu người dân thuộc địa trong nạn đói ở Bengal và Bihar năm 1873-1874. Vì vậy, vào năm 1877 Temple đã siết chặt tiêu chuẩn cứu trợ và hạn chế khẩu phần cứu trợ.

Đại hạn năm 1876-1878 không chỉ tàn phá Ấn Độ mà còn hoành hành tại Trung Quốc, Nam Mỹ và một số khu vực ở châu Phi. Đại hạn đã xóa sổ 3% dân số thế giới với con số ước tính từ 30-50 triệu người chết đói, trong đó ở Ấn Độ có từ 6-10 triệu người. Với số người chết như vậy, nạn đói lớn năm 1876-1878 đúng ra phải được đặt lên ngang tầm với dịch cúm năm 1918 và hai chiến tranh thế giới.

Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ 2: Đại hạn thảm khốc và hàng chục triệu người chết đói - Ảnh 4.

Trại cứu trợ các nạn nhân nạn đói năm 1876-1878 ở Madras - Ảnh: environmentandsociety.org

Thảm họa khí hậu nghiêm trọng nhất lịch sử loài người

Tạp chí khoa học New Scientist (Anh) nhận xét nạn đói năm 1876-1878 là "thảm họa khí hậu nghiêm trọng nhất lịch sử loài người" nhưng lại rất ít được nhắc đến. Mọi người đã nghe nói đến dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, các đợt dịch bệnh chết người nhiều nhất nhưng trong một thời gian dài, rất ít nghiên cứu nói về đợt hạn hán hoành hành ở ba châu lục Á, Phi, Mỹ trong các năm 1876-1878.

Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ 2: Đại hạn thảm khốc và hàng chục triệu người chết đói - Ảnh 5.

Hơn 3.000 người chờ bữa ăn từ thiện tại Bangalore (miền nam Ấn Độ) năm 1877 Ảnh: environmentandsociety.org

Chủ đề này chỉ được nhắc đến trong một bài tiểu luận của Mỹ năm 2001, vài hội nghị của các nhà sử học môi trường và từ năm 2009 được đề cập đến trong một số nghiên cứu khí hậu. Đến năm 2018, nhóm nghiên cứu của TS khí hậu học Deepti Singh ở Đại học Columbia (Mỹ) mới bắt đầu tái hiện kịch bản dẫn đến thảm họa đại hạn năm xưa. TS George Adamson ở Đại học King's College London (Anh) khen ngợi: "Đây là phân tích đầu tiên về giai đoạn này ở quy mô khí hậu toàn cầu".

Sau khi đọc một số bài viết về cơn đại hạn 1876-1878, TS Singh đã tự nhủ: "Cái gì có thể gây ra hạn hán như vậy? Đại hạn có thể xảy ra lần nữa trong những thập niên tới hay không?". Tháng 10-2018, nghiên cứu của bà với đầu đề "Khí hậu và nạn đói toàn cầu năm 1876-1878" đã được công bố trên tạp chí Journal of Climate của Hiệp hội Khí tượng Mỹ.

Nhóm nghiên cứu của bà phát hiện đại hạn năm 1876-1878 không chỉ khu trú ở Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil mà còn mở rộng sang Colombia, Venezuela, bang California (Mỹ), Indonesia, Việt Nam, Philippines, Morocco, Algeria, Ai Cập, Nam Phi, Ethiopia, Úc...

Tại Ai Cập, mực nước sông Nile thấp hơn mức bình thường gần 2m. Các vòng sinh trưởng của cây đã chứng minh đại hạn năm 1876-1878 ở châu Á là hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 800 năm hoặc lâu hơn. Dữ liệu đo lượng mưa được ghi chép từ 175 năm trước cho thấy nước vô cùng khan hiếm vào thời hạn hán.

Về nguyên nhân hạn hán, nhóm nghiên cứu phát hiện trong ba năm 1876, 1877 và 1878, một cấu hình khí hậu đặc biệt với ba nhiễu động không khí cực đoan hình thành đồng thời ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Tóm lại, đợt El Niño dữ dội và kéo dài do Thái Bình Dương lạnh hơn, sau đó El Niño trở nên nghiêm trọng hơn do Đại Tây Dương nóng hơn và các tương phản nhiệt mạnh ở Ấn Độ Dương kết hợp đã thúc đẩy hạn hán hình thành.

Đợt hạn hán năm 1928-1930 đã được các nhà sử học gọi là "sự kiện thảm khốc nhất thế kỷ 20 ở Trung Quốc". Hạn hán dẫn đến nạn đói cướp đi sinh mạng từ 3-10 triệu người.

Có thể lặp lại?

Tạp chí New Scientist đánh giá hạn hán lớn như những năm 1870 có thể sẽ xảy ra lần nữa và lần tiếp theo có thể nghiêm trọng hơn. TS Singh lưu ý hiểu được động lực dẫn đến đại hạn năm 1876-1878 là điều rất quan trọng vì đại hạn có thể tấn công bất cứ lúc nào và trong tương lai có thể còn nghiêm trọng hơn bởi lẽ nhiệt độ nóng hơn do biến đổi khí hậu sẽ làm cho hạn hán trở nên khốc liệt hơn ngày trước.

Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ 1: Hạn hán xóa sổ nhiều nền văn minh Hạn hán - mầm mống đói kém và hủy diệt - Kỳ 1: Hạn hán xóa sổ nhiều nền văn minh

TTO - Năm 2022 đã ghi nhận nhiều kỷ lục lịch sử về khô hạn, cháy rừng, nhiệt độ tăng cao chưa từng có trên khắp thế giới.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên