14/05/2017 09:04 GMT+7

Hạn chế thay vì cấm quảng cáo rượu bia

NGỌC ĐÔNG thực hiện
NGỌC ĐÔNG thực hiện

TTO - Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế đưa ra cấm quảng cáo rượu bia, cấm doanh nghiệp rượu bia tài trợ nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao… nhằm giảm tiêu thụ các loại thức uống này ở Việt Nam.

Không nhận được tài trợ từ các doanh nghiệp rượu bia, các giải đấu thể thao ở VN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn kinh phí để tổ chức giải - Ảnh: ANH HOÀNG
Không nhận được tài trợ từ các doanh nghiệp rượu bia, các giải đấu thể thao ở VN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn kinh phí để tổ chức giải - Ảnh: ANH HOÀNG

Một số người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam đưa ra một số góp ý liên quan đến vấn đề này.

* Ông DANIEL GORDON JONES - Ảnh: NVCC
Ông DANIEL GORDON JONES - Ảnh: NVCC

* Ông DANIEL GORDON JONES (người Anh):

Cấm tài trợ là quá đáng

Ở Anh, ngành công nghiệp rượu bia phải tuân thủ các quy định của Cơ quan quản lý tiêu chuẩn quảng cáo gọi là Advertising Standards Authority.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghĩ như vậy là chưa đủ, và mới đây các chuyên gia sức khỏe cộng đồng đã kêu gọi cấm hoàn toàn quảng cáo bia rượu.

Trong khi đó, có nghiên cứu lại cho thấy rằng việc cấm quảng cáo rượu bia sẽ không hoặc có ít tác dụng lên tổng lượng tiêu thụ rượu bia. Tôi tin vào nghiên cứu này.

Tôi nghĩ dự thảo của Bộ Y tế đề xuất cấm doanh nghiệp rượu bia tài trợ các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, y tế, thể dục thể thao... là quá đáng.

Tôi biết ở Việt Nam nhiều sự kiện thể thao hoặc các lĩnh vực khác dựa vào các nguồn tài trợ từ doanh nghiệp rượu bia để tồn tại.

Ngoài ra, việc cấm doanh nghiệp rượu bia tài trợ cho các sự kiện thường dành cho người trưởng thành này lại càng làm hạn chế hơn các sự kiện âm nhạc, thể thao quy mô lớn vốn đã không nhiều ở Việt Nam. Trong khi hầu hết các sự kiện này hầu như được tổ chức tốt và người tham gia cũng cư xử đúng mực.

Nếu dự thảo trên được thông qua, chính quyền sẽ làm gì với các giải thi đấu do các hãng bia rượu đang tài trợ được phát sóng ở Việt Nam như Champions League do Heineken tài trợ hay English Premier League do nhiều hãng bia tài trợ?

Còn việc cấm cả bia rượu ở đám cưới, lễ hội như dự thảo đưa ra thì giả sử luật được ban hành, ai sẽ là người thực hiện và giám sát việc này?

Ông JON ASPIN - Ảnh: NVCC
Ông JON ASPIN - Ảnh: NVCC

* Ông JON ASPIN (người Úc):

Hạn chế quảng bá bia rượu là hợp lý

Ảnh hưởng của bia rượu là rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng vấn đề khiến mọi người tranh luận ở đây là liệu người ta có tin vào hiệu quả của quảng cáo bia rượu đối với người tiêu dùng hay không?

Tôi tin rằng quảng cáo có khả năng ảnh hưởng, và để giảm nhẹ tác động của bia rượu, như mong muốn của Chính phủ, thì việc đưa ra những hạn chế trong việc quảng bá bia rượu là một chính sách hợp lý.

Ở Úc có quy định về cách thức, nơi quảng cáo và đối tượng mà các quảng cáo bia rượu có thể hướng đến. Tuy nhiên, các công ty bia rượu vẫn là nguồn tài trợ chính cho nhiều sự kiện và được quảng bá mạnh mẽ tại các giải thể thao, đặc biệt là các giải dành cho nam giới trẻ.

Tôi từng tham dự một số sự kiện do các thương hiệu rượu cao cấp tổ chức ở Việt Nam, nơi mà đáng lý ra người ta phải “nhấm nháp và thưởng thức” nhưng thực tế lại là “uống đến gục ngã”. Nhưng điều đó không có nghĩa là xét về tổng thể, tình trạng uống rượu bia ở Việt Nam tệ hơn những nơi khác.

Tôi nghĩ phương pháp tốt nhất để giảm lượng tiêu thụ rượu bia vẫn là giáo dục từ nhỏ.

Ông ALOK BHUTE
Ông ALOK BHUTE
Ở Ấn Độ, chúng tôi có khái niệm “quảng cáo thay thế”. Đó là các công ty bia rượu sẽ quảng bá tên tuổi của mình bằng cách quảng cáo các sản phẩm được chấp nhận hơn như nước khoáng, nước ngọt, các sự kiện mà công ty có liên quan... Khi đó người xem sẽ biết đến họ và cả sản phẩm bia rượu của họ

* Ông ALOK BHUTE (người Ấn Độ):

Nhấn mạnh thông điệp uống có trách nhiệm

Trong thời gian ở Việt Nam, tôi có chứng kiến vài tật xấu của nhiều người khi uống bia rượu. Trong đó, lái xe sau khi uống rượu bia là chuyện dễ thấy nhất.

Theo tôi, thay vì cấm quảng cáo bia rượu, chính quyền nên nâng cao ý thức của người dân hơn nữa. Đúng là quảng cáo có ảnh hưởng đến việc tiêu dùng bia rượu nhưng cấm không phải là giải pháp tốt nhất.

Tôi nghĩ tăng cường các chiến dịch nâng cao ý thức xã hội về việc uống rượu bia có trách nhiệm có vẻ là con đường nên đi. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị các nhà chức trách nên yêu cầu các công ty rượu bia nhấn mạnh thông điệp uống có trách nhiệm trong các chiến dịch quảng bá của họ.

Việt Nam vẫn đang cần phát triển giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, y tế, thể thao... Và những lĩnh vực này cần một sự hỗ trợ tài chính lớn hơn để phát triển lên cấp độ toàn cầu, nên việc đề xuất cấm doanh nghiệp rượu bia tài trợ cho các hoạt động, sự kiện liên quan đến các lĩnh vực này cần phải cân nhắc kỹ càng.

Hơn nữa, bia rượu là một phần của lễ lạt và tôi không thể tưởng tượng ra đám cưới và lễ hội mà không có thứ thức uống này.

Một số quy định quảng cáo bia rượu ở Anh

Tại Anh, các doanh nghiệp bia rượu được khuyên nên tránh xa các kiểu quảng cáo như quảng bá cho việc uống rượu bia quá mức, uống rượu bia ở những nơi không an toàn.

Quảng cáo cũng không được gợi ý rằng rượu bia có khả năng điều trị hoặc có thể thay đổi tâm trạng, thể trạng hoặc hành vi, tăng cường sự tự tin, sự nổi tiếng, tăng năng lực tinh thần hoặc thể chất, hoặc có thể giúp tăng thành tích nghề nghiệp, thể thao.

Quảng cáo cũng không được gợi ý rằng bia rượu là điều không thể thiếu hoặc cần được ưu tiên trong cuộc sống, hoặc có thể giúp vượt qua sự nhàm chán, cô đơn hoặc các vấn đề khác, hay làm tăng sức quyến rũ.

Các doanh nghiệp rượu bia cũng không được cung cấp các quảng cáo mang tính thách thức người tiêu dùng uống, không được có sự xuất hiện của những người dưới 25 tuổi hoặc nhìn trẻ như là dưới 25 tuổi, không được nhắm vào đối tượng khách hàng dưới 18 tuổi...

NGỌC ĐÔNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên