01/01/2022 11:00 GMT+7

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 6: Sự suy tàn của cướp biển Somalia

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chiến dịch chống cướp biển quốc tế và sự ổn định của Chính phủ Somalia khiến cướp biển vùng Sừng châu Phi ngày càng khó kiếm ăn hơn. Những tên đầu lĩnh sừng sỏ lần lượt sa lưới bằng những cách không ngờ tới.

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 6:  Sự suy tàn của cướp biển Somalia - Ảnh 1.

Vùng biển ngoài khơi Somalia hầu như sạch bóng cướp biển trong năm 2021 so với số vụ báo cáo cướp biển tại vịnh Guinea (trái) - Nguồn: ICC Commercial Crime Services

Cướp biển có hộ chiếu ngoại giao

Tháng 11-2013, khi bộ phim Thuyền trưởng Philipps kể về một sự kiện có thật liên quan cướp biển Somalia được trình chiếu tại Mỹ, Mohamed Abdi Hassan, hay còn được biết đến với biệt danh "Afweyne" (Miệng to) lên đường đến Bỉ với tham vọng trở thành bất tử nhờ điện ảnh. 

"Vua" cướp biển Somalia và thuộc cấp không ngờ rằng bản thân đã tự chui đầu vào một cái bẫy được cảnh sát Bỉ giăng sẵn.

Trước khi Afweyne sa lưới, khoảng 1.000 cướp biển đã bị bắt và xét xử, bỏ tù tại hơn một chục quốc gia nhưng chưa ai hành động theo kiểu tự đi nộp mình như gã. 

Giống như nhiều đồng đội, Afweyne khẳng định mình không phải "kẻ bắt cóc" hay cướp biển mà là thủ lĩnh "hợp pháp" một phong trào tự vệ "tận tâm bảo vệ tài nguyên biển của Somalia". 

Điều này đúng với số ít cướp biển Somalia đời đầu hoạt động từ vùng tự trị Puntland và hoàn toàn sai đối với Afweyne. 

Gã là doanh nhân ranh ma, người đã tìm cách phát triển cướp biển thành ngành sinh lợi và điều khiển Hobyo-Xarardheere, mạng lưới hải tặc mạnh nhất trong 3 mạng lưới thuộc giai đoạn hoàng kim cướp biển Somalia.

Afweyne, một cựu công chức Somalia, đã miệt mài thuyết phục các nhà đầu tư "ý tưởng kinh doanh hải tặc" của mình và tập hợp những tên cướp biển kỳ cựu từ Puntland để hợp thành "Thủy quân lục chiến Somalia" mà thực chất là cướp biển. 

Sự nổi danh của Afweyne còn vươn ra ngoài đất nước, lan đến tận Libya, nơi nhà lãnh đạo khi đó là đại tá Muammar al-Qaddafi ca ngợi ông ta như anh hùng của nhân dân Somalia và mời đến thăm 4 ngày năm 2009, theo tạp chí Foreign Affairs. 

Năm 2010, Afweyne giao lại quyền điều hành hoạt động cướp biển cho con trai mình là Abdiqaadir, giúp ông ta có thể tập trung toàn thời gian vào việc quản lý một đế chế kinh doanh trải dài từ Dubai đến Ấn Độ.

Tất nhiên, không phải tất cả đều thuận buồm xuôi gió. Sự trỗi dậy của lực lượng phiến quân Hồi giáo al-Shabaab với lời tuyên bố dẹp bỏ cướp biển đe dọa hoạt động của Afweyne. Lời tuyên bố này nhanh chóng nhường chỗ cho chủ nghĩa thực dụng tài chính. 

Năm 2010, Afweyne và các chỉ huy của ông ta được cho là đã ký kết một thỏa thuận chính thức với al-Shabaab, trong đó phía cướp biển cam kết chia 100.000 USD trong mỗi phi vụ để đổi lại việc phiến quân không tấn công. 

Bản thân Afweyne thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng al-Shabaab được nhận 5% chiến lợi phẩm như khoản phí an ninh.

Sau khi giao mạng lưới hải tặc cho con trai, Afweyne bắt đầu tập trung xây dựng hình ảnh hợp pháp cho bản thân, bao gồm cả việc chiêu hồi cướp biển. 

Điều này giúp ông ta lọt vào mắt xanh của chính quyền chuyển tiếp Somalia và được đền đáp bằng tấm hộ chiếu ngoại giao. 

Nhờ vào hộ chiếu này, Afweyne đã thoát thân một cách ngoạn mục sau khi bị bắt tại Malaysia tháng 4-2012. Sau sự cố này, trong cùng năm Seychelles và Bỉ yêu cầu tổ chức Interpol phát truy nã đỏ trùm cướp biển, quyết tâm tóm bằng được Afweyne.

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 6:  Sự suy tàn của cướp biển Somalia - Ảnh 2.

Trùm cướp biển Mohamed Abdi Hassan, biệt danh là "Miệng to" và chiếc xe chở y tại Bỉ sau khi bị bắt - Ảnh: AP

Sa lưới vì hám danh

Dường như nhận thức được các cáo buộc quốc tế chống lại mình, Afweyne bắt đầu tìm cách kết thân với Chính phủ Liên bang Somalia (SFG) mới được bầu để "lấy công chuộc tội". 

Một trong những ý tưởng của Afweyne là chương trình ân xá và phục hồi nhân phẩm cho cướp biển trên toàn Somalia.

Sau khi tuyên bố từ bỏ sự nghiệp hải tặc vào năm 2013, Afweyne kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cái gọi là "quỹ tái hòa nhập cộng đồng" cho cướp biển, đàm phán các lệnh ân xá cho hải tặc nếu hoàn lương. 

Y làm việc một cách say mê vì nghĩ rằng điều này sẽ giúp chuộc lại lỗi lầm khi xưa và dần trở nên tự mãn, nghĩ rằng bản thân xứng đáng được ghi công vì đã góp phần không nhỏ dẹp bỏ nạn cướp biển Somalia.

Sự tự mãn này đã đẩy Afweyne vào tròng. Tin rằng việc yêu cầu Chính phủ Somalia giao nộp Afweyne và chín đồng phạm trong vụ bắt tàu nạo vét Pompei của Bỉ là không thể, cảnh sát và công tố Bỉ thử cách tiếp cận khác. 

Kế hoạch vạch ra như sau: các đặc vụ sẽ tiếp cận Afweyne với danh nghĩa đang muốn làm phim về cuộc đời cướp biển và hoàn lương của gã, dụ trùm cướp biển đến Bỉ rồi bắt giữ. 

Phía Bỉ tin rằng ông trùm sẽ sa lưới vì đây không phải là lần đầu tiên nước ngoài phỏng vấn ông ta, người tin rằng sẽ bất tử nhờ vào màn ảnh.

Phải mất nhiều tháng trời các đặc vụ mới tiếp cận được một thân tín của Afweyne tên Tiiceey và thuyết phục trùm hải tặc tham gia dự án phim để đời với vai trò cố vấn chính. 

Ngày 12-10-2013, Afweyne cùng Tiiceey đáp máy bay tới Bỉ và bị bắt giữ ngay tại sân bay, chấm dứt giấc mơ có một bộ phim tài liệu về cuộc đời mình. Trong phiên tòa tại Bruges tháng 3-2016, Afweyne bị kết án 20 năm tù vì chủ mưu vụ bắt tàu Pompei, kẻ thân tín Tiiceey cũng lãnh 5 năm tù.

Chưa đầy 1 năm sau khi Afweyne sa lưới, Mohamed Garfanji - nhân vật số 2 trong mạng lưới cướp biển của Afweyne - bị bắt tại Mogadishu (Somalia), đánh dấu sự thoái trào của cướp biển Somalia nói riêng và cướp biển vùng Sừng châu Phi nói chung.

Liên quân chống cướp biển quốc tế

Các nỗ lực quốc tế nhằm đẩy lùi những kẻ khủng bố al-Shabaab ở Somalia, bao gồm cả các cuộc không kích của Mỹ và lực lượng quân sự của Liên minh châu Phi trên bộ, đã góp phần ổn định Somalia. 

Sự ổn định này dẫn đến sự trở lại của chính quyền và pháp luật tại quốc gia này, đồng nghĩa những kẻ cướp biển không còn tự tung tự tác mà không sợ bị trừng phạt. 

Tuy nhiên những nỗ lực rõ ràng nhất chống lại những tên cướp biển Somalia là trên biển. Năm 2009, Mỹ khởi động một sứ mệnh hải quân quốc tế - Lực lượng đặc nhiệm 151 - để chống lại bọn cướp biển dọc theo các tuyến đường biển đông đúc ngoài khơi vùng Sừng châu Phi. 

Liên minh châu Âu và NATO cùng với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cũng gửi tàu chiến đến khu vực bảo vệ tàu hàng qua lại trong các sứ mệnh hải quân của riêng mình.

Hải quân Mỹ nổi tiếng vì bắt và tiêu diệt các nhóm cướp biển trong một số vụ trong khi hải quân Nga thì gây khiếp sợ với giai thoại "không bắt sống cướp biển" khiến hải tặc mỗi lần thấy cờ Nga là mở hết tốc lực thoát thân. 

Lực lượng hải quân châu Âu cũng bắt cướp biển và phá hủy một vài căn cứ hải tặc dọc theo bờ biển. Theo tạp chí The Economist, đây là lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ II, tất cả thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng triển khai lực lượng hải quân trên một mặt trận. 

Các lực lượng hải quân quốc tế chủ yếu đóng vai trò ngăn chặn, đồng thời là nguồn cung cấp thông tin giám sát chia sẻ với các tàu thương mại trên vịnh Aden thay vì bắt giữ và xét xử như trước năm 2008 vì những phức tạp về vấn đề pháp lý.

Năm 2008, Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết về chống cướp biển ngoài khơi Somalia, đồng ý thành lập một lực lượng ủy thác bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải ở khu vực. 

Nghị quyết này liên tục được gia hạn mỗi năm và nhờ vào sự hiện diện của tàu chiến quốc tế cùng sự ổn định trên bờ, số vụ cướp thành công giảm theo từng năm. Liên tục từ năm 2017 đến tháng 10 vừa qua không ghi nhận vụ cướp tàu đòi tiền chuộc nào ngoài khơi Somalia.

Vùng nguy cơ cao ngoài khơi Somalia đã được thu hẹp vào tháng 8-2021 vì sự sụt giảm số vụ cướp biển cùng các nỗ lực của cộng đồng quốc tế.

Dù lạc quan trước tình hình mới, đa số các chủ tàu và công ty bảo hiểm vẫn thận trọng yêu cầu thủy thủ đoàn cảnh giác để không tự mình trở thành mồi ngon cho cướp biển.

********

Khu vực vịnh Guinea ghi nhận số vụ cướp biển nhiều nhất thế giới trong 9 tháng đầu năm 2021. Tổ chức lực lượng chống cướp biển như đã từng làm tại Somalia là điều vô cùng khó vì tình hình chính trị tại khu vực này hoàn toàn khác.

>> Kỳ tới: Vịnh Guinea, điểm nóng cướp biển mới

Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 5: Tiền cướp biển Hải tặc và cuộc chiến ngàn năm không hồi kết - Kỳ 5: Tiền cướp biển 'chảy' đi đâu?

TTO - Giống như nhựa sống nuôi dưỡng cây cối, tiền chuộc tàu chạy dọc bộ máy cướp biển và nuôi sống tất cả. Từng chiếc lá khat hải tặc ăn để tạo cảm giác hưng phấn, có khi cả một thị trấn được tạo ra nhờ tiền chuộc.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên