Người dân thu gom những vật dụng còn dùng được từ những đống đổ nát tại một nơi bị trúng tên lửa trong cuộc giao tranh Nagorno-Karabakh ở thành phố Ganja, Azerbaijan ngày 11-10 - Ảnh: REUTERS
Thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian đang gặp nhiều khó khăn, bất chấp lời kêu gọi ngừng giao chiến của các cường quốc trên thế giới, bao gồm Mỹ.
Hãng tin Reuters cho biết một cuộc pháo kích đã diễn ra tại thị trấn Martuni ở khu vực Nagorno - Karabakh ngày 13-10. Một đoàn truyền hình của hãng Reuters tại Terter ở Azerbaijan cũng thông tin rằng trung tâm thành phố này bị pháo kích dữ dội.
Phía Azerbaijan cáo buộc Armenia đã "vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo", đạt được ngày 9-10 để hai bên trao đổi tù binh và thi thể những người thiệt mạng.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Azerbaijan là Vagif Dargiahly nói Armenia đã nổ pháo vào phần lãnh thổ Goranboy và Aghdam cũng như thành phố Terter của Azerbaijan, khẳng định lực lượng Azerbaijan không vi phạm lệnh ngừng bắn.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan bác bỏ cáo buộc trên. Bà Stepanyan nói rằng Azerbaijan đã nối lại các hoạt động quân sự "được hỗ trợ bởi các hỏa lực từ pháo binh ở phía nam, bắc, đông bắc và đông".
Cuộc giao tranh tại khu vực xung đột Nagorno - Karabakh xảy ra từ hôm 27-9, và là cuộc giao tranh tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến tranh năm 1991 - 1994 khiến 30.000 người thiệt mạng tại khu vực này.
Thế giới đang theo dõi chặt chẽ cuộc chiến này do lo ngại Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị cuốn vào xung đột lần này. Nga có hiệp ước quốc phòng với Armenia, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ liên minh với Azerbaijan.
"Minsk Group" - một ủy ban do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thành lập để giúp hòa giải tại khu vực xung đột Nagorno - Karabakh - đã kêu gọi các lãnh đạo Armenia và Azerbaijan tuân thủ lệnh ngừng bắn để "ngăn chặn hậu quả thảm khốc" cho khu vực.
Các quan chức vùng Nagorno - Karabakh thông tin đến nay đã có 532 quân nhân thiệt mạng. Phía Azerbaijan báo cáo có 42 thường dân thiệt mạng và 206 người khác bị thương kể từ hôm 27-9.
Với hàng chục ngàn người cần giúp đỡ trong những tháng tới, Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đang kêu gọi đóng góp 10,1 triệu USD để hỗ trợ cho các nỗ lực nhân đạo trong khu vực.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết cuộc xung đột đang khiến tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn tại 2 nước trên. WHO thông tin số ca mắc mới tăng gấp đôi trong 2 tuần qua ở Armenia và tăng 80% ở Azerbaijan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận