“Đóng cửa Bangkok” rung chuyển ngay trước Trung tâm MBKNgười biểu tình Thái đe dọa đóng cửa thị trường chứng khoánBà Yingluck không nhượng bộ
Các quân bài đã ngửa hẳn lên. Một bên là lực lượng thuộc trật tự xã hội “cổ truyền” trung thành với chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1932 mà hiện thân là quân đội và Đảng Dân chủ cùng một số đảng khác. Một bên là cánh mới chen vào chính trường Thái từ năm 1998 với tên gọi là Đảng Thai Rak Thai (“Người Thái yêu người Thái”) do nhà tư bản giàu nhất Thái Lan lúc đó là ông Thaksin Shinawatra lập nên, và giành được chính quyền qua cuộc bầu cử tháng 1-2001. Sự chen ngang của cánh Thaksin vào nền kinh tế Thái, rồi thôn tính cả chính trường, va chạm đáng kể lợi ích nhiều người thuộc “trật tự xã hội” cũ.
Tháng 2-2006, 28 nghị sĩ Thượng viện đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu ngưng chức thủ tướng Thaksin vì lý do “xung đột lợi ích”, vi phạm hiến pháp trong giao dịch tài chính bán Tập đoàn Shin Corp của ông này. Chiếu điều 209 của hiến pháp, các viên chức chính phủ từ cấp bộ trưởng trở lên không được có phần hùn hoặc cổ phần trong một công ty trên một mức giới hạn theo luật định...
Cuộc đụng độ nổ ra giữa hai bên. Tự tin với những chính sách “dân túy” của mình, ông Thaksin tuyên bố giải tán quốc hội và từ chức, tổ chức bầu cử lại, và lại thắng cuộc... khiến quân đội phải ra tay đảo chính vào ngày 19-9-2006.
Từ đó đến nay, hai bên “đánh nhau” giành chính quyền mấy lần, và lần nào quân đội cũng hậu thuẫn phe áo vàng, cảnh sát phe áo đỏ... Nay, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang ở trong tình thế gần giống ông anh Thaksin năm 2006, sau khi “gây nổi sóng” bằng dự thảo luật ân xá tạo khả năng cho anh trai mình sớm được hồi hương. Phe đối lập cảnh báo hiểm họa gia đình Thaksin sẽ lại thôn tính nền kinh tế và chính trường, buộc bà từ chức.
Thế nhưng, những thủ lĩnh biểu tình của Đảng Dân chủ năm nay như ông Suthep, nguyên phó thủ tướng dưới trào ông Abhisit, cũng không phải là không từng bị cáo buộc tham nhũng như ông Thaksin. Năm 1995, ông Suthep đã dính líu đến một vụ đất đai tai tiếng không kém vụ vợ ông Thaksin sau này, khiến thủ tướng Chuan Leekpai của Đảng Dân chủ phải giải tán quốc hội để tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Thật ra, chuyện tham nhũng của hai nhân vật chủ chốt này chỉ mang tính đại diện cho điều mà GS Charas Suwanmala, khoa trưởng khoa chính trị học của ĐH Chulalongkorn, gọi là “một hiện tượng bình thường trong xã hội Thái” vốn liên quan đến hầu hết dịch vụ công của nhà nước, từ (1) làm “chính sách” sao cho thu được phần “trả ơn nghĩa”; (2) thu lợi từ thuế má, phí, tín dụng công, cấp vốn dự án đầu tư...; (3) chi tiêu ngân sách, từ khâu lên kế hoạch đến khâu phân bổ ngân sách, giải ngân, mua sắm...; (4) “quản lý nhân sự”, từ tuyển dụng đến thăng chức, thuyên chuyển và luân chuyển; (5) “mua bán chính trị” (mua phiếu...); (6) tòa án; (7) cung cấp phúc lợi xã hội: y tế, giáo dục, đăng ký đất đai, quản lý tài nguyên môi trường...
Nhưng với các nhà phân tích Âu Mỹ, nền chính trị - kinh tế Thái lại khá lạ lùng, khó hiểu. Marc Faber, một nhà tư vấn tài chính khét tiếng, từng giải thích: “Chính phủ Thái nay bổ nhiệm chủ yếu những người có liên hệ với ông Thaksin làm lãnh đạo Hãng hàng không Thai Airways International. Thật lạ lùng với việc người đứng đầu các công ty lớn lại được chính phủ bổ nhiệm, như thể chính phủ ban ân cho những người ủng hộ mình. Điều đó gọi là chủ nghĩa bè phái”.
Điều mà GS Charas Suwanmala cho là “bình thường” ở Thái, còn Marc Faber lại cho “lạ lùng” thật ra không khó hiểu: ở những xã hội phát triển, những hiện tượng đó bị cấm tiệt và để đạt đến trình độ đó phải trải qua có khi hàng thế kỷ để có thể tạm gọi là trưởng thành!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận