16/01/2014 07:35 GMT+7

Bà Yingluck không nhượng bộ

THANH TUẤN (Từ Bangkok)
THANH TUẤN (Từ Bangkok)

TT - Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra kêu gọi lực lượng biểu tình hãy trút tức giận với bà vào hòm bỏ phiếu và tuyên bố tiếp tục kế hoạch bầu cử vào ngày 2-2. Như vậy bà cương quyết không chịu nhượng bộ hay lùi ngày bầu cử.

hzdap9JY.jpgPhóng to
Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Phó thủ tướng Pongthep Thepkanchana và tổng thư ký Ủy ban bầu cử Puchong Nutrawong trong buổi bàn thảo về việc bầu cử tại trụ sở không quân hoàng gia Thái ở Bangkok ngày 15-1 - Ảnh: Reuters

Phát biểu với báo giới, bà khẳng định bầu cử là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại. “Nếu người dân không đồng ý với chính phủ này, họ nên đi bỏ phiếu” - nữ thủ tướng Thái Lan nói.

Bà Yingluck triệu tập cuộc họp vào sáng qua để bàn về chuyện lùi hạn bầu cử nhưng phe đối lập từ chối tham dự vì e ngại phe của bà Yingluck sẽ tiếp tục thắng cử. Họ yêu cầu phải cải cách trước khi tiến hành cuộc bầu cử mới với thời hạn ít nhất là một năm. Trong khi đó giới quan sát nói Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) sẽ khó chuẩn bị kịp hòm phiếu cho ngày bầu cử 2-2.

Theo Reuters, Phó thủ tướng Pongthep Thepkanchana tuyên bố với các nhà báo: “Chúng tôi nghĩ tiến hành bầu cử sẽ giúp tình hình trở lại bình thường. Chúng tôi có thể thấy sự ủng hộ với ông Suthep đã giảm đi. Khi ông ấy làm điều gì đó phạm luật thì phần lớn người dân sẽ không ủng hộ điều đó”. Trong khi đó Phó thủ tướng Surapong Tovichakchaikul tuyên bố trên truyền hình rằng đã yêu cầu cảnh sát “nhanh chóng bắt giữ ông Suthep và các trợ lý, nếu không đất nước sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn”.

Trong đêm 14 rạng sáng 15-1 đã xảy ra một số sự cố có tính bạo lực. Có một vụ nổ trong nhà cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo phe Dân chủ đối lập. Quan chức cảnh sát Thái sau đó cho là một quả pháo được ném vào lúc nửa đêm nhưng không ai bị thương. Có ít nhất bốn người, trong đó có một phụ nữ, bị bắt vì liên quan tới vụ này.

Rạng sáng qua, ở cầu Hua Chang gần khu vực Pathumwan, nơi có trung tâm mua sắm MBK và là một trong những điểm tập trung lớn nhất lực lượng biểu tình đã xảy ra một vụ bắn súng làm ít nhất hai người bị thương nhưng không ai bị bắt. Tại Nang Loeng, gần một điểm diễu hành nhỏ khác, một xe buýt chở người biểu tình từ tỉnh Phatthalung đã bị đốt cháy gần 2g sáng.

Nếu bạo lực xảy ra, toàn bộ cục diện sẽ thay đổi

Cho đến hôm qua, chiến dịch “đóng cửa Bangkok” tuy vẫn duy trì nhưng không còn căng thẳng như hôm đầu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Eva Hansson thuộc khoa chính trị học Trường ĐH Stockholm (Thụy Điển) cho rằng không thể đoán được chiến dịch sẽ kéo dài bao lâu. “Một số người thậm chí đang bình luận rằng đây được coi như là một cuộc đảo chính nhằm vào một chính phủ dân cử rồi, mặc dù tính chất không phải là đảo chính quân sự” - bà Hansson, một chuyên gia nghiên cứu về tình hình Thái Lan nhiều năm qua, cho biết thêm trong bối cảnh các yêu cầu của lãnh đạo biểu tình và những người ủng hộ chính phủ đưa ra không hòa hợp được với nhau thì một giải pháp đàm phán dường như xa vời.

Khi được hỏi liệu có khả năng chính phủ sẽ trấn áp biểu tình hay không trong tình thế bế tắc hiện nay, bà Hansson nhận định chính phủ lâm thời đang hết sức kiềm chế trong việc đối phó với biểu tình: “Nếu có đụng độ xảy ra giữa người biểu tình và lực lượng áo đỏ ủng hộ chính phủ, toàn bộ cục diện sẽ thay đổi. Đó có thể là một cái cớ để quân đội can thiệp nhằm lập lại trật tự”.

Trong khi đó, ông Patiwat Panurach, giảng viên Trường ĐH Thammasat (Bangkok), nói với Tuổi Trẻ rằng khả năng đảo chính là có, nhưng ở đây là một cuộc đảo chính thông qua con đường pháp lý. Ông Patiwat nhận định rằng trong tình hình này rất khó có khả năng xảy ra một cuộc trấn áp bạo lực từ chính phủ mặc dù phe biểu tình đã cố gắng để điều này xảy ra, làm cái cớ cho một cuộc đảo chính. Tuy nhiên, phe biểu tình đã không thành công.

Thứ đến, theo ông nhìn nhận, quân đội cũng không muốn làm đảo chính quân sự vì họ sợ sự đáp trả từ lực lượng áo đỏ. “Khi đó mọi thứ sẽ trở nên đẫm máu” - ông Patiwat nhận xét. Vì vậy, một cuộc đảo chính thông qua pháp lý dường như là khả năng dễ xảy ra nhất để biểu tình xuống thang. “Khi đó, tòa án, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) hay một cơ quan chính trị nào đó sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng điều hành của chính phủ, mặc dù họ có ít cơ sở pháp lý để làm điều này - ông Patiwat nhận định - Còn điều gì xảy ra sau cuộc đảo chính pháp lý, tôi không biết được”.

VIỆT PHƯƠNG

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Biểu tình ở Thái Lan giảm nhiệtNgười biểu tình Thái Lan thề chiếm BangkokThái Lan: súng nổ chết người trong ngày đăng ký ứng cửThủ lĩnh biểu tình Suthep đe dọa bắt nữ thủ tướng YingluckĐánh bom, đốt cháy xe ở Bangkok

THANH TUẤN (Từ Bangkok)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên