Y Na cùng bà gùi lúa ở rẫy về nhà - Ảnh: LÊ TRUNG
Cả hai cô học trò Trường phổ thông trung học nội trú Phước Sơn vừa trúng tuyển đại học với số điểm cao khiến cộng đồng người Giẻ Triêng vui lắm.
Niềm vui chen với nỗi lo
Buổi tối, quán nhậu Nguyệt Nga (thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) nhộn nhịp, Hồ Thị Y Na, cô bé người Giẻ Triêng nhỏ nhắn, cặm cụi bưng thức ăn ra từng bàn.
"Con bé vừa đậu Trường đại học Sư phạm Huế nên mọi người chúc mừng nó" - chị Trần Thị Ba (39 tuổi, chủ quán) hồ hởi nói. Chị Ba cho biết Y Na làm thêm ở quán mình đã gần một năm nay. "Nhìn hoàn cảnh con bé mồ côi nên mình thương lắm. Nhỏ chừng đó đã biết xin việc làm, sống tự lập" - chị Ba tâm sự.
Y Na sinh ra không biết mặt cha. Khi Y Na vào lớp 1 cũng là lúc mẹ đi thêm bước nữa, cô bé được ông bà ngoại bảo bọc đến giờ.
Bám nương rẫy, họ nuôi Y Na lớn lên bằng hạt thóc, hạt ngô và rau rừng. Thời gian trôi nhanh, Y Na giờ thành một thiếu nữ. "Giờ mình không còn thấy bất hạnh nữa mà luôn nỗ lực trong cuộc sống để sau này có tương lai tốt hơn, lo cho ông bà ngoại" - Y Na bộc bạch.
Ba năm nay, Y Na được ở trong khu nội trú của trường, sống giữa tình yêu thương, bảo bọc của thầy cô. Thấy ông bà ngoại đã già, hoàn cảnh gia đình ngặt nghèo, gần một năm nay, Y Na xin vào quán nhậu để làm phục vụ, kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho ông bà ngoại. Ban ngày học, buổi tối bạn đến quán làm thêm, mỗi tháng tiền lương từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng.
12 năm học, Y Na luôn đạt học lực khá, giỏi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, bạn đạt 24 điểm, trong đó môn văn rất cao, 9 điểm, đạt nguyện vọng 1 vào ngành sư phạm ngữ văn Trường đại học Sư phạm Huế. "Đạt điểm 9 văn là điều rất khó" - cô Đàm Thị Tâm, giáo viên môn văn của Y Na, vui mừng nói.
Mấy ngày nay, lúa trên rẫy đã chín vàng, Y Na về nhà ông bà ngoại ở xã Phước Đức, huyện Phước Sơn phụ gặt lúa, gùi về nhà. Biết cháu mình vừa trúng tuyển đại học, hai vợ chồng ông Hồ Văn Thơ (65 tuổi) và bà Hồ Thị Manh (70 tuổi) vui mừng khôn xiết. Lẫn trong niềm vui là một nỗi lo rất lớn, không biết lấy gì để nuôi cháu ăn học trong bốn năm.
"Mấy ngày nay tôi tính bán vạt rẫy của mình để lấy tiền cho cháu ăn học, nhưng rẫy ở xa quá, họ chưa đồng ý mua" - bà Manh nghẹn ngào.
Y Na nhẩm tính, tiền làm thêm ở quán nhậu thời gian qua cũng được vài triệu, trước tiên cũng trang trải cuộc sống ở Huế. "Ra đó mình sẽ vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống. Bằng mọi cách sẽ cố gắng tới cùng, ra trường mình muốn về núi rừng, bản làng để dạy chữ cho bọn trẻ" - Y Na thổ lộ.
Hồ Thị Huệ chăm sóc mẹ - Ảnh: LÊ TRUNG
Đôi mắt ánh lên niềm vui hiếm hoi
Hồ Thị Huệ, cô học trò lớp 12/1, ở chung khu nội trú với Y Na, cũng vừa trúng tuyển vào ngành giáo dục chính trị Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng. Cô bé người Giẻ Triêng cũng có một cảnh đời bất hạnh. Cách đây 15 năm, bà Hồ Thị Hội, mẹ của Huệ, mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt. Trong khi đó, người cha, trụ cột của gia đình, qua đời vì bệnh hiểm nghèo, bỏ lại bốn đứa con thơ. "Mẹ bị vậy, những lúc bệnh nặng thì ném đồ đạc, vật dụng trong nhà, bỏ đi lung tung, hay chửi bới người khác. Còn tỉnh táo thì mẹ ngồi một chỗ" - Huệ kể.
Hôm chúng tôi đến ngôi nhà sàn của Huệ tại xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, may mắn đúng bữa mẹ Huệ tỉnh táo. Đôi mắt bà ánh lên một niềm vui khôn tả, khi biết đứa con gái của mình vừa đậu đại học. "Vui lắm!" - bà Hội nói ngắn gọn vậy.
Chị Hồ Thị Hân (30 tuổi, dì của Huệ), là người ở cùng chăm sóc chị mình sau khi anh rể đột ngột ra đi, kể rằng Huệ ba năm qua ở khu nội trú của trường ăn học. Còn ba người em của Huệ được đưa vào Làng Hòa Bình (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) nuôi dưỡng, lo học hành. "Thấy chị bị vậy, mấy đứa cháu còn nhỏ dại, tôi thương quá" - chị Hân xúc động. Và chị chia sẻ nỗi lo: "Nghe tin Huệ đậu đại học mình vui cái bụng nhưng không biết lấy gì lo cho nó ăn học"...
Cố gắng thêm chút nữa
Mấy ngày nay, Hồ Thị Huệ đang đứng trước một lựa chọn: đến giảng đường hay đi làm thêm kiếm tiền cho mẹ?
Cô Đàm Thị Tâm và thầy Nguyễn Đức An - bí thư Đoàn Trường phổ thông trung học nội trú Phước Sơn - đến nhà khuyên Huệ đến giảng đường. "Bao nhiêu khó khăn em đã trải qua rồi, hãy cố gắng thêm chút nữa" - thầy An động viên.
Huệ nhìn qua người dì bên cạnh, nước mắt lưng tròng. Điều Huệ lo nhất là mình đi học xa, ai sẽ chăm sóc mẹ, trong khi dì Hân cũng đã có gia đình và con cái, không thể lo mãi cho mẹ mình được. Rồi lấy tiền đâu trang trải cho bốn năm học ở giảng đường.
Dì Hân cũng khóc. Người chồng của dì hằng ngày đi phát rẫy keo thuê chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình, nuôi thêm người chị, lấy gì để lo cháu gái ăn học. "Chừ gia cảnh khó quá ri, lấy tiền đâu cho con bé ăn học" - dì Hân nói.
"Cho nó học đi" - người mẹ bị tâm thần của Huệ nói xen vào. Có lẽ, bà chỉ nói trong vô thức chứ chưa hình dung con đường chông gai đứa con gái mình sẽ bước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận