04/11/2020 10:55 GMT+7

'Không sao đâu' - câu thần chú trong đêm của cô nữ sinh nghị lực

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Cha mẹ ly hôn rồi mỗi người một ngả, hành trình đi tìm con chữ của Hiền Lành chưa bao giờ dễ dàng. Khi kể về mình, cô cứ ngẩng mặt lên trời vì sợ rằng người khác thấy mình khóc.

Không sao đâu - câu thần chú trong đêm của cô nữ sinh nghị lực - Ảnh 1.

Như cái tên, em rất hiền lành - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Và rồi ngày ấy cũng đến - ngày Phạm Thị Hiền Lành trở thành sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM. Nghèo khó làm nên sự dung dị, hiền khô nhưng đầy mạnh mẽ nơi Lành.

Một mình trong ngôi nhà 2m ngang

Nép mình trong một xóm nghèo của ấp Thạnh Hòa, xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) là căn nhà trống hơ trống hoác nơi Lành sống. Ngôi nhà có chiều ngang chừng 2m, dài hơn chục mét, liêu xiêu và ẩm thấp. Cái bếp gas muốn đỏ phải đốt giấy mồi lửa, chiếc tivi đời cũ bật hoài chẳng sáng là những gì giá trị nhất trong nhà.

Cha mẹ Lành có 3 con, cô là con thứ nhì. Giữa năm 2008, mốc thời gian khởi đầu tháng ngày buồn khi những người thân bằng cách này hay cách khác đều rời xa cô. Năm đó Lành mới 6 tuổi, vì nhiều lý do khiến cha mẹ cô không thể tiếp tục chung sống được với nhau. Từ đó, anh em Lành trở thành trẻ "mồ côi" khi mẹ dọn đi mất hút, cha vì buồn rầu nên cũng bỏ nhà đi làm phu biển quanh năm. 

Học đến lớp 8, người anh cả Minh Lượng (21 tuổi) nghỉ học theo cha đi biển. Năm rồi, đứa em út Minh An (14 tuổi) cũng đã nghỉ học, theo cha và anh rong ruổi mưu sinh. 

Vẫn ngồi giữa ngôi nhà chật chội ấy, nhưng ký ức về thuở còn mẹ cha, anh chị em nghèo mà có nhau thế mà vui. "Tưởng chừng ông bà là chỗ dựa tinh thần, nhưng năm rồi vì tuổi già, bệnh nặng nên lần lượt ông trước, bà sau cũng bỏ mình mà đi" - Lành tâm sự.

"Không sao, không sao đâu". Lành nói đó là câu "thần chú" mà cô vẫn thường lẩm nhẩm trong đầu mỗi đêm trở trời. 

"Nhiều đêm trời trở mưa to, tấm tôn chỗ giường mục thủng nhiều chỗ khiến nước mưa ào ào đổ xuống. Tin được không, em phải mặc áo mưa xuống bếp ngồi ngủ. Mái tôn ở đây có chỗ vừa được thay không dột, chứ giường chăn ướt mẹp hết" - Lành kể. Mỗi lần như thế, cô ôm ghì tay trước lồng ngực mình tìm chút hơi ấm, lẩm nhẩm câu đó tự trấn an.

Học để thoát vòng luẩn quẩn

Ở Thạnh An, đàn ông trong vùng hầu hết đều đi đánh cá. Nhà giàu có tiền, có tàu thì làm chủ, nghèo làm thuê. Thu nhập nghề này rất thấp, chưa kể từ tháng 5 đến cuối tháng 11 biển động phải nghỉ ở nhà. 

Nhà Lành vốn đã nghèo khó, nay càng kiệt quệ vì phải cầm cố nhà cửa để lo tiền viện phí, thuốc men cho bà nội đợt rồi. Lương đi biển không đủ để trang trải, ba cha con ông Phạm Minh Luật (41 tuổi, cha Lành) ở luôn dưới Phước Tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu) làm "thợ đụng" trong thời gian không đi biển.

Ngoài giờ học, Lành cũng phải đi làm đủ nghề để có tiền. Đến mùa, cô kiếm tiền bằng nghề đục hàu, cắt đầu cá, làm mắm thuê. Mỗi ngày nếu chịu khó thì nghề đục hàu cũng có thể kiếm được chừng 50.000 đến 100.000 đồng, riêng cắt đầu cá thì lại khó đạt được số tiền đó. 

"Nhưng không phải ngày nào cũng có việc. Chỉ khi vào mùa người ta mới thuê mình, mà mùa thì chỉ kéo dài được tuần hơn à" - Lành nói, như tiếc nuối.

Với số tiền ít ỏi mà cha lâu lâu mới gửi về rồi tiền làm thuê có được, Lành đắp đổi sống qua ngày. Lại sống một mình, cô nói dù sống ở vùng biển cá bao la nhưng mì gói lại là món xuất hiện đều đặn trong các bữa ăn. 

Trong cơ cực, có lần Lành đã bỏ học. Đó là vào đầu năm lớp 11, cô nghỉ học tháng rưỡi để đi làm bán thời gian cho một phòng khám nha khoa. Lành nghỉ học với mong ước sớm được đi làm, kiếm tiền phụ cha, cho út An được tiếp tục đi học.

Nhưng chính những đồng lương èo uột nhận được cùng sự động viên của giáo viên chủ nhiệm, Lành ngộ ra mình đã sai. Cô nhận ra nếu bây giờ mình bỏ học, đồng nghĩa với việc tương lai sau này cũng chỉ luẩn quẩn đâu đó như anh em, làng xóm. Đó là nỗi thất học, là công việc lông bông, chưa kể nếu cưới chồng sớm thì đâu đó còn là chuỗi ngày mãi chạy vạy cho từng bữa ăn. 

"Thời điểm đó mình chỉ nghĩ đi làm kiếm tiền là được. Nhưng càng làm càng nhận ra nếu không học thì có lẽ đời mình, em út mình sẽ chẳng tài nào thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo khó này" - Lành bộc bạch.

Cô học trò nghị lực

Ngay câu đầu tiên khi kể về học trò, cô giáo chủ nhiệm lớp 12 của Lành - Trần Thị Thuyết - nói rằng đây là cô học trò "kiểu mẫu" của mình.

"Về học lực Lành là học trò giỏi. Về rèn luyện, hoạt động thì em lại là học trò ngoan. Em là một cô nữ sinh đầy nghị lực. Những gì em đạt được trong học tập và rèn luyện là cả một hành trình dài nỗ lực vươn lên" - cô Thuyết đúc kết.

Còn bà nội đã khuất và người mẹ của Lành nhắn gửi lại cho cô: "Mọi người trông cả vào con".

Bạn đọc có thể đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập.

Kinh phí học bổng chuyển về: phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.

Chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

Không sao đâu - câu thần chú trong đêm của cô nữ sinh nghị lực - Ảnh 4.
Chàng trai mồ côi nhường giảng đường cho em Chàng trai mồ côi nhường giảng đường cho em

TTO - Nguyễn Quốc Lộc và Nguyễn Quốc Bảo là anh em sinh đôi, mồ côi cha từ nhỏ. Chỗ dựa cho các bạn những năm đến trường là mái nhà của cậu ruột.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên