Làm thủ tục đổi giấy phép lái xe tại điểm cấp đổi giấy phép lái xe các loại, 51/2 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM sáng 8-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam NGUYỄN VĂN QUYỀN - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết từ năm 2012, Tổng cục Đường bộ đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe (bằng lái xe) thống nhất toàn quốc.
Tuy nhiên, việc thực hiện cập nhật thông tin chưa đầy đủ và kịp thời, khiến tài xế lợi dụng khai báo không đúng về việc mất bằng để xin cấp lại.
* Ông đánh giá thế nào về đề xuất mất bằng lái đều phải thi lại để tránh khai gian khi đổi bằng của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể?
- Tôi nghĩ trong bối cảnh sốt ruột vì yêu cầu quản lý an toàn giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong muốn có những giải pháp mạnh để cải thiện nên đã đưa ra đề xuất đó. Tuy nhiên, trong quản lý nhà nước phải thực hiện theo các quy định của pháp luật để đảm bảo phù hợp với thực tiễn theo hướng cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Những người đến cơ quan quản lý bằng lái để trình báo cấp lại bằng có nhiều trường hợp bị mất bằng do thiên tai, hỏa hoạn, bị mất trộm. Đó là những trường hợp rất đáng chia sẻ và nhanh chóng giải quyết để động viên người dân trong lúc gặp hoạn nạn.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có nhiều người bị các lực lượng chức năng tạm giữ bằng lái, nên lợi dụng chủ trương thông thoáng trong việc cấp lại bằng nhằm báo mất để được cấp lại. Những trường hợp này, phía quản lý nhà nước cần có thái độ nhất định trong xem xét, giải quyết.
Tôi nghĩ với điều kiện chúng ta áp dụng công nghệ thông tin hiện nay, hoàn toàn có thể nhận biết được những trường hợp lợi dụng chủ trương này để lách luật.
* Khi đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe, Tổng cục Đường bộ cho biết ngoài chức năng quản lý, tra cứu, xác minh bằng thật - giả, còn cho phép cơ quan xử lý vi phạm như CSGT cập nhật lỗi của tài xế vào hệ thống để phục vụ quản lý. Việc này được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Từ năm 2012, Tổng cục Đường bộ đã triển khai hệ thống quản lý giấy phép lái xe. Trong đó có phần mềm với tính năng dành cho lực lượng tuần tra kiểm soát cập nhật các thông tin về bằng lái bị tạm giữ và đã tập huấn để CSGT các địa phương cập nhật thông tin vào hệ thống.
Trước đó, Bộ GTVT và Bộ Công an đã có thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BCA-BGTVT của liên bộ Công an - GTVT hướng dẫn công tác phối hợp, trao đổi thông tin về cấp, đổi, thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Nhưng rất tiếc việc cập nhật chưa đầy đủ và kịp thời. Theo số liệu bên CSGT cung cấp trên báo chí là số lượng bằng lái xe bị tạm giữ rất nhiều so với số được cập nhật trong hệ thống dữ liệu lái xe.
Như vậy, lỗ hổng chính là số liệu được cập nhật không kịp thời. Nếu cập nhật kịp thời, đầy đủ thì công tác quản lý lái xe, vận tải được chặt chẽ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam NGUYỄN VĂN QUYỀN
* Nếu có cơ chế phối hợp cập nhật đầy đủ, kịp thời những trường hợp bị tạm giữ, tước bằng lái xe hay lỗi vi phạm của tài xế vào hệ thống dữ liệu nói trên sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn cả việc giám sát bằng lái?
- Khi xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe, Tổng cục Đường bộ cũng hướng tới giải pháp cập nhật đầy đủ lỗi vi phạm của lái xe vào hệ thống nhằm tạo điều kiện tiến tới ban hành những chính sách để quản lý lái xe hữu hiệu hơn.
Ví dụ thay vì bấm lỗ bằng lái như trước đây, có thể cập nhật lỗi của tài xế vào hệ thống. Trên cơ sở đó có thể ban hành quy định cho mỗi tài xế một cơ số điểm nhất định, mỗi lần vi phạm bị trừ điểm, khi điểm còn dưới giới hạn cho phép thì không được quyền lái xe nữa.
Cái này các nước đã làm nhiều và hiệu quả, nhiều người ở Việt Nam cũng đề nghị thực hiện cách này. Nếu phối hợp được chặt chẽ bên Tổng cục Đường bộ với công an thì công tác quản lý lái xe mới đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Đồng thời rất tốt cho các doanh nghiệp vận tải khi tuyển dụng lái xe ngoài việc truy cập để xác minh bằng lái thật hay giả, qua lịch sử vi phạm còn biết lái xe có chấp hành tốt luật giao thông hay không.
Vừa rồi, Chính phủ đã có nội dung trong nghị quyết 12 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giao Bộ GTVT và Bộ Công an phối hợp cải tiến giấy phép điều khiển phương tiện giao thông được tích hợp các thông tin cần thiết cho công tác quản lý người lái, đồng thời đảm bảo kết nối chia sẻ dữ liệu dùng chung trong công tác cấp giấy phép lái xe, phục vụ công tác quản lý lái xe và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Điều đó chứng tỏ các cơ quan tham mưu của Chính phủ đã nắm bắt được vấn đề và định hướng việc quản lý đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch, đảm bảo tiện lợi cho người dân. Việc tăng cường phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GTVT là rất quan trọng. Đây cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý khoa học, tạo được thuận lợi cho người dân.
Số liệu từ Tổng cục Đường bộ VN - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Đại tá Trần Sơn (nguyên phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra,
giải quyết tai nạn giao thông Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an): Đã có nghị quyết, hãy ngồi lại để làm cho tốt
Giải pháp tốt nhất bây giờ là dựa vào chỉ đạo của Chính phủ tại nghị quyết 12 để ngành giao thông - công an ngồi lại với nhau rà soát từ thông tư liên tịch số 01 và thực tế công tác trao đổi dữ liệu cần có bổ sung, sửa đổi những gì cho phù hợp trong quản lý.
Những số liệu về bằng lái, vi phạm luật giao thông không phải bí mật quốc gia, mà dùng phục vụ tốt cho quản lý người lái, quản lý xe nhằm phòng ngừa vi phạm, người dân lợi dụng kẽ hở để báo mất khi còn bằng để lấy 2 hoặc 3 bằng.
Cần phối hợp tốt tìm kẽ hở trong công tác quản lý để cấp lại bằng lái.
Những trường hợp mất bằng lái thật mà không báo sớm, hoặc bị tạm giữ bằng lái và hẹn trong thời gian 7 - 10 ngày đến công an giải quyết nhưng người dân bận ngoài ý muốn, đến trễ thì cũng phải nghiên cứu tìm cách tháo gỡ làm sao để vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng cố gắng tạo thuận lợi cho người dân.
Muốn làm được điều đó phải áp dụng công nghệ vào quản lý. Nghị quyết 12 của Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng công nghệ rồi. Khi Chính phủ đã chỉ đạo sẽ có định hướng và kinh phí để các ban ngành hữu quan phối hợp với nhau.
Bây giờ không phải là lúc trách cứ, đổ lỗi lẫn nhau, mà các bên cần ngồi lại với nhau rà soát để làm sao quản lý được phương tiện và người lái, thực thi pháp luật tốt nhất phòng ngừa vi phạm và cuối cùng là phòng ngừa tai nạn giao thông xảy ra. Rà soát, thực hiện theo hướng cái gì đúng pháp luật thì thực hiện nhưng đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân.
Cập nhật vi phạm, vẫn làm thủ công
Theo một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, thời gian qua cơ quan này nhận được nhiều phản ánh từ Cục CSGT cũng như công an các địa phương về việc hàng chục ngàn bằng lái xe bị lực lượng CSGT tạm giữ nhưng người dân không đến nhận; nhiều người có bằng lái đã bị thu giữ nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại bằng.
Do phí cấp đổi bằng lái chỉ 135.000 đồng nên cũng có nhiều người khai báo mất, xin cấp lại để sử dụng nhiều bằng lái không đúng mục đích.
Vì vậy, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ nghiên cứu chế tài xử lý với những trường hợp trên. Đồng thời phối hợp với Cục CSGT kết nối chia sẻ dữ liệu quản lý giấy phép lái xe và cập nhật dữ liệu xử lý vi phạm của CSGT, nhằm tạo điều kiện cho các ngành khai thác hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý bằng lái và xử lý vi phạm.
Tổng cục Đường bộ cũng sẽ nghiên cứu đối với một số trường hợp gian dối, cố tình khai báo không đúng việc mất bằng có thể phải sát hạch lại mới được cấp lại bằng.
Theo ông Lương Duyên Thống - vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay ngành giao thông và công an vẫn thực hiện quy định cung cấp số liệu theo thông tư liên tịch 01/2010/TTLT-BCA-BGTVT: số liệu về cấp, đổi, thu hồi, tước giấy phép lái xe được cung cấp theo định kỳ tháng.
Với số liệu bằng lái xe bị tước, phía CSGT cung cấp tới các cơ quan cấp bằng lái là sở GTVT các địa phương hoặc Tổng cục Đường bộ. Khi nhận được số liệu bằng văn bản thì ngành giao thông cập nhật vào cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các sở GTVT khi nhận được các quyết định tước bằng lái phải nhanh chóng cập nhật vào cơ sở dữ liệu.
Tuy nhiên, thông tư 01 chỉ quy định cơ quan công an cung cấp số liệu bằng lái bị tước (đã ra quyết định xử phạt) cho ngành giao thông. Còn bằng lái bị công an tạm giữ để yêu cầu người vi phạm đến chấp hành quyết định xử phạt (chưa ra quyết định xử phạt có hình phạt tước bằng lái) lại chưa có cơ chế cung cấp để cập nhật vào hệ thống.
Vì vậy, khi người dân không đến lấy bằng đang bị công an tạm giữ mà lại khai báo mất bằng để cấp lại thì cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở tra cứu.
Theo thông tư về quản lý giấy phép lái xe, với bằng lái quá hạn 3 tháng trở lên mới quy định cần thời gian 2 tháng để xác minh, tra cứu cơ sở dữ liệu không thấy bị tước bằng lái mới được cấp lại bằng lái. Đây chính là hạn chế khi chưa được cập nhật cơ sở dữ liệu đầy đủ về cả trường hợp bị tạm giữ bằng lái.
Ông Thống cho biết: "Hệ thống quản lý dữ liệu lái xe của Tổng cục Đường bộ có riêng phần mềm quản lý vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn cập nhật theo hình thức thủ công.
Tổng cục Đường bộ và Cục CSGT đã làm dự thảo quy chế phối hợp để bên cảnh sát cập nhật luôn vào phần mềm khi tước bằng lái xe, như vậy sẽ kịp thời hơn là gửi dữ liệu theo định kỳ hằng tháng.
Chúng tôi cũng đề xuất cập nhật cả trường hợp tạm giữ bằng lái, quy định khi người dân trong 2 tuần hoặc 1 tháng mà không đến lấy thì cập nhật vào cơ sở dữ liệu nhưng chưa làm được. Nhưng đến nay quy chế chưa xong".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận