Hàng loạt dự án trọng điểm tại TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ đang tăng tốc về đích nhưng lại đang bị cản trở bởi những hạ tầng điện, nước, viễn thông. Vì đâu nên nỗi?
Từ dự án trọng điểm TP.HCM
Đi dọc công trình trọng điểm của TP.HCM hiện nay không khó để bắt gặp những hình ảnh trụ điện nằm chình ình, buộc các nhà thầu thi công phải "né" một bên. Tại dự án Tân Kỳ Tân Quý, đoạn từ đường Bình Long (quận Tân Phú) đến đường Mã Lò (quận Bình Tân) có nhiều trụ điện còn dây vẫn án ngữ dù nhà dân hai bên đường đã lùi vào 10m.
Một số trụ điện gắn bảng ghi dòng chữ "Đang trong quá trình di dời". Dự án này có mục tiêu hoàn thành vào cuối năm nay.
"Những ngày gần đây, một số người bên điện lực xuống di dời cột điện cũ, kéo dây cáp viễn thông và dời trụ đèn tín hiệu giao thông vào trong.
Nhưng theo tôi thấy vẫn còn nhiều trụ khác chưa được di dời. Nghe địa phương thông báo trong quý 4 năm nay sẽ làm xong dự án mở rộng đường mà giờ hiện trạng vẫn còn ngổn ngang như vậy" - ông Mai Quốc Trung (63 tuổi, ngụ quận Bình Tân) nói.
Tình trạng tương tự từng xảy ra tại một số dự án hạ tầng, giao thông tại TP.HCM như nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), cải tạo hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên hoặc dự án đã từng vướng vào việc này như hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Đại diện ban quản lý dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cho hay hiện UBND TP cũng đã có chỉ đạo các tuyến lưới điện hạ thế, trung thế và các trạm biến áp cáp viễn thông (lắp đặt theo các trụ điện hiện hữu, tuyến trong phạm vi kênh) cần phải được di dời và tái bố trí mới đảm bảo mặt bằng thi công và an toàn thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình.
Bên cạnh đó, liên quan đến 15 tuyến lưới lưới điện cao thế 110, 220 và 500kV cắt ngang và đi dọc phạm vi dự án, Công ty Lưới điện cao thế TP, Công ty Truyền tải điện 4 đã yêu cầu phạm vi an toàn của các tuyến đường dây phải cộng thêm phạm vi đề phòng cho sự cố ngã đổ của thiết bị thi công.
Việc này dẫn tới việc phải điều chỉnh thiết kế của từng hạng mục kết nối an toàn dưới đường dây điện cao thế và tăng chi phí xây dựng của từng gói thầu.
Về hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho hay đến nay đã hoàn thành công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan.
"Trong thời gian vừa qua, dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý cũng gặp một số vướng mắc nhất định. Tuy nhiên đến hiện tại, phía điện lực đã rất tích cực phối hợp, hỗ trợ để dự án sớm về đích.
Có thể thấy rằng việc phối hợp đồng bộ, hỗ trợ giữa các bên liên quan với nhau là điều rất cần thiết để đẩy nhanh tiến độ các dự án" - ông Phúc nói.
Dự án liên vùng Đông Nam Bộ cũng vướng
Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 tại Bình Dương sau hai năm khởi công vẫn còn thiếu nhiều mặt bằng, vướng trụ điện.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ, đến thời điểm này, dọc quốc lộ 13 vẫn còn rất ngổn ngang. Đặc biệt, đường lưới điện chạy dọc tuyến chưa được di dời nên máy móc trong công trường "đứng hình" theo.
Bà Trần Thị Thủy, một hộ dân có nhà trên quốc lộ 13, cho hay hiện nay chỉ có một số trụ điện mới được trồng lên, cách trụ điện cũ khoảng 7m.
Ở phạm vi này thường xuyên xuất hiện cáp viễn thông sà xuống đất, một số hố sâu để trồng trụ điện chưa được lấp hoặc rào chắn, phía trong có đọng nước… gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt các hộ dân ở mặt tiền".
Còn tại tỉnh Đồng Nai, các chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không chỉ "nhức đầu" vì thiếu mặt bằng, vật liệu mà thủ tục di dời các trụ điện cũng rất chậm.
Chẳng hạn tại dự án thành phần 2 thuộc tuyến cao tốc này có một vị trí giao cắt điện cao thế 500kV, 6 vị trí giao cắt điện cao thế 220kV, 7 vị trí giao cắt điện cao thế 110kV...
Hiện các đơn vị thi công phải chừa trụ điện ra vì Ban Quản lý dự án huyện Long Thành mới hoàn thành công tác lựa chọn, ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn khảo sát, lập phương án di dời và gửi các bên liên quan để lấy ý kiến.
Trong khi đó, dự án cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM và Đồng Nai thời gian qua các nhà thầu thi công cũng phải chừa các vị trí có trụ điện "án ngữ".
Mặt đường được đào sâu để thi công nền đường, còn trụ điện vẫn nằm đó nhô cao giữa tuyến. Đến nay, dự án còn tổng 19 cột cả trung và hạ thế và dự kiến tháng 8-2024 các đơn vị liên quan mới di dời xong.
Dây, trụ giữa đường không hẳn do ngành điện
Trao đổi với nhiều chủ đầu tư các dự án tại khu vực Đông Nam Bộ, việc di dời trụ điện cao thế phải lòng vòng qua nhiều đơn vị, nhiều thủ tục khiến công tác thi công các dự án trọng điểm gặp khó khăn.
Vấn đề quan trọng nhất là khâu phối hợp của các các đơn vị liên quan phải thực sự khẩn trương, tránh việc một thủ tục mà phải chờ mấy tháng.
Trong khi đó, ông Bùi Hải Thành, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho biết hiện có hai hình thức tổ chức thực hiện các công trình đồng bộ giao thông.
Thứ nhất, chủ đầu tư sẽ tách dự án di dời, tái lập đường điện và ngành điện sẽ làm công việc này.
Thứ hai, chủ đầu tư sẽ làm hết tất cả, ngành điện sẽ phối hợp trong công tác đóng ngắt điện để đơn vị thi công làm và đa số các dự án đều làm theo hình thức này.
Do đó, có một số dự án tuy là tồn tại trụ điện nhưng không phải trách nhiệm của ngành điện như dự án metro số 2, dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2 (gói thầu F2).
Cũng theo ông Thành, còn với một số dự án ngành điện phụ trách di dời, tái lập, ngầm hóa thì cũng phụ thuộc rất nhiều vào mặt bằng mà địa phương, chủ đầu tư giao.
Nếu không có mặt bằng thì rất khó thi công vì đặc thù ngành điện phải duy trì đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định trong khu vực.
Ngoài ra, đối với các dự án chủ đầu tư thực hiện hạng mục xây dựng hào kỹ thuật hoặc lắp đặt mương cáp sau đó bàn giao hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật thì ngành điện mới triển khai thực hiện thi công ngầm hóa lưới điện.
Vậy liệu có thể chuyển mạch hoặc làm đường dây tạm cho khu vực có dự án đi qua để chủ động thu hồi trụ hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Thành cho hay với những khu vực, đoạn tuyến dây có đủ điều kiện kỹ thuật để chuyển tải thì ngành điện luôn chủ động chuyển tải để đảm bảo tiến độ dự án.
Còn việc làm đường điện tạm thì cũng được xét tới, tuy nhiên thường rất tốn kém vì coi như phải làm gấp đôi công việc, hơn nữa cũng cần phải có mặt bằng để bố trí đường điện tạm thời, do đó thường ít có dự án nào đủ điều kiện để thực hiện.
Với dự án dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết khu vực lưới điện hiện hữu của ngành điện nằm trong phạm vi dự án trải dài thuộc nhiều công ty điện lực quản lý.
Trong đó, các khu vực có lưới điện nằm trong phạm vi dự án thực hiện với hình thức chủ đầu tư thực hiện di dời lưới điện, ngành điện sẽ phối hợp trong công tác đóng ngắt điện và thỏa thuận phương án đảm bảo an toàn khi thi công gần hành lang lưới điện đang vận hành.
Ngoài ra, ngành điện cũng đã chủ động phối hợp với chủ đầu tư dự án để di dời trụ điện, lưới điện bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án theo đúng tiến độ thỏa thuận (khu vực PC Bình Chánh, PC Bình Phú).
Tuy nhiên, còn một số vị trí trụ điện vướng do chủ đầu tư chưa bàn giao mặt bằng, chưa có vị trí trồng trụ điện (chưa giải tỏa nhà dân, chưa có ranh dự án…) và các đơn vị nhà mạng chưa thu hồi dây thông tin, cáp viễn thông trên trụ điện hiện hữu nên ảnh hưởng đến việc triển khai di dời, thu hồi trụ điện theo tiến độ thực hiện của chủ đầu tư.
"Tổng công ty Điện lực TP.HCM rất mong được sự phối hợp của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan sớm bàn giao mặt bằng, vị trí trồng trụ điện và thu hồi dây viễn thông, cáp thông tin để ngành điện triển khai di dời trụ điện đồng bộ với tiến độ dự án theo kết luận chỉ đạo mới đây của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi", ông Thành nói.
Văn phòng UBND TP.HCM vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi về giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP phối hợp với Tổng công ty Điện lực TP và các công ty điện lực trực thuộc rà soát, thống nhất, xây dựng kế hoạch phối hợp di dời toàn bộ các trụ điện hiện hữu trong phạm vi thực hiện dự án; đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn thi công.
Tổng công ty Điện lực TP hỗ trợ, chỉ đạo các công ty điện lực trực thuộc (Bình Chánh, Bình Phú, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, An Phú Đông) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong công tác di dời, tái bố trí lưới điện trung, hạ thế tồn tại trong phạm vi ranh dự án; đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục công trình của dự án.
Sở Công Thương TP.HCM là cơ quan đầu mối theo dõi, báo cáo UBND TP tình hình triển khai thực hiện công tác di dời, tái lập lưới điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận