09/12/2020 19:42 GMT+7

Grab có quyền tăng giá cước và chiết khấu nhưng không được đổ lỗi cho chính sách

L.THANH - ÁNH HỒNG
L.THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Đó là ý kiến của bà Tạ Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân Tổng cục Thuế - với Tuổi Trẻ Online chiều 9-12.

Grab có quyền tăng giá cước và chiết khấu nhưng không được đổ lỗi cho chính sách - Ảnh 1.

Hành khách đón GrabCar tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 7-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong thông cáo phát đi chiều 9-12, Tổng cục Thuế cho biết vừa kết thúc buổi làm việc với Grab cách đây ít phút để yêu cầu doanh nghiệp này giải trình khi cho rằng nghị định 126 khiến tăng giá cước và chiết khấu.

Tại buổi làm việc, theo Tổng cục Thuế, Grab chưa chứng minh được lý do tăng giá cước, chiết khấu là do nghị định 126 mà doanh nghiệp thông tin trên một số báo chí mấy ngày vừa qua.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Tạ Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân Tổng cục Thuế - cho biết nghị định 126 hướng dẫn một số điều của Luật quản lý thuế về khai thuế chứ không điều chỉnh thuế suất cũng như quy định chính sách thuế. Nên việc Grab tăng giá cước và chiết khấu từ ngày 5-12 không phải do nghị định 126.

"Grab có quyền tăng giá cước và mức chiết khấu nhưng không thể đổ lỗi cho chính sách được" - bà Lan nhấn mạnh.

Theo bà Lan, do trước đây chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân nên việc thực hiện khai thuế đối với mô hình Grab không thống nhất và chưa đúng quy định.

Do đó, nghị định 126 có hướng dẫn chi tiết về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân. Còn chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải không thay đổi, được quy định từ trước và áp dụng thống nhất mức thuế giá trị gia tăng 10%.

Như vậy, bà Lan nhấn mạnh nghị định 126 không làm tăng giá cước vận tải vì mức thuế giá trị gia tăng vẫn áp dụng 10% như từ trước đến nay. Còn đối với tài xế, lái xe chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân mức 1,5% nếu doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, không phải nộp thuế giá trị gia tăng mức 3% như trước đây nữa.

Bà Lan cũng cho rằng điều này cho thấy nghị định 126 không làm tăng giá cước vận tải cũng như mức thuế đối với tài xế. Do vậy, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.

Ngoài thông tin trên, theo Tổng cục Thuế, tại cuộc làm việc với Grab, cơ quan này cũng giải thích rõ nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp phải khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác này.

Grab là hoạt động kinh doanh vận tải nên doanh nghiệp phải khai thuế giá trị gia tăng với mức thuế 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào theo quy định.

Grab nói gì sau buổi làm việc với Tổng cục Thuế chiều nay?

Tối muộn cùng ngày (9-12), Grab Việt Nam đã phát thông cáo sau buổi làm việc với Tổng cục Thuế trong đó nói “thất vọng với kết quả làm việc” nhưng khẳng định vẫn tiếp tục tuân thủ chặt chẽ nghị định 126, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc.

Cụ thể, đại diện Grab Việt Nam nói "hết sức thất vọng bởi ​kết quả làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào" vì Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).

"Chúng tôi rất bức xúc về yêu cầu của Tổng cục Thuế muốn tăng mức thu thuế đối với doanh thu của đối tác tài xế từ 3% lên 10%, dù biết rằng các đối tác tài xế này không có khả năng khấu trừ GTGT đầu vào, nhưng Tổng cục Thuế không có sự giải thích rõ ràng mà dựa vào những luận điểm rất không nhất quán", Grab Việt Nam nói.

Cụ thể, Grab Việt Nam cho biết Tổng cục Thuế tự khẳng định rằng tài xế xe ôm công nghệ là người lao động của Grab và không phải chịu thuế GTGT cho khoản doanh thu của mình.

Tuy nhiên, trước đây, theo công văn 384 cũng do Tổng cục Thuế ban hành vào năm 2017 đã hướng dẫn rằng khoản doanh thu từ hoạt động hợp tác kinh doanh phải được phân định cho hai chủ thể, trong đó phần doanh thu của Grab phải chịu thuế GTGT 10%, còn phần doanh thu của đối tác tài xế xe hai bánh phải chịu mức thuế 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh.

Grab lập luận rằng văn bản này của Tổng cục Thuế đã phân loại tài xế xe hai bánh là cá nhân kinh doanh và là người nộp thuế theo điều 4 Luật thuế GTGT.

"Chúng tôi cũng hiểu rằng hiện nay Tổng cục Thuế muốn đảm bảo nguồn thu cho ngân sách từ các cá nhân kinh doanh có hợp tác kinh doanh với tổ chức. Nhưng chúng tôi hiểu rằng nghị định 126 nói trên chỉ điều chỉnh thủ tục và phương pháp kê khai, nộp thuế; còn việc xác định những đối tượng nào phải nộp thuế, người nộp thuế - chịu thuế GTGT thì phải căn cứ vào Luật thuế GTGT.

Do đó, chúng tôi rất quan ngại rằng cách giải thích của Tổng cục Thuế về việc Công ty Grab phải chịu hoàn toàn nghĩa vụ nộp thuế với tư cách là người nộp thuế cho toàn bộ doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu của đối tác tài xế là không phù hợp với Luật thuế GTGT", Grab VN khẳng định. "Mặc dù vậy, trong lúc này, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ nghị định 126, Luật thuế GTGT, Luật quản lý thuế và các công văn hướng dẫn của cơ quan thuế. Nhưng chúng tôi rất mong Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc và xem xét lại để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và đối tác tài xế của chúng tôi", Grab Việt Nam đề nghị.

Grab tăng giá cước từ 5-12, người dùng Grab tăng giá cước từ 5-12, người dùng 'ngã ngửa' còn tài xế lo ế

TTO - Bắt đầu từ 5-12, hành khách đi xe công nghệ phải chi thêm tiền với mức tăng theo từng kilomet (km). Các tài xế lo ngại người tiêu dùng sẽ dè dặt hơn trong việc đặt xe dẫn đến tình trạng ế ẩm, giảm thu nhập.

L.THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên