Tài xế GrabBike tập trung ở văn phòng Grab tại phố Duy Tân, Hà Nội - Ảnh: HỒNG QUÂN
Theo anh Lý Văn Thắng - tài xế GrabBike, lý do các tài xế phản ứng là từ ngày 5-12 Grab áp dụng mức khấu trừ 30% doanh thu và 1,5% thu nhập cá nhân cho tài xế nào thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Mức 30% doanh thu phải nộp cho Grab gồm: mức trừ phí ứng dụng là 20%, thuế VAT 10% (trước đây chỉ 3%). Với mức thu này thì tài xế không có thu nhập.
"Mong muốn của anh em tài xế là Grab giữ mức ăn chia 20% doanh thu như cũ để có cơ hội tồn tại, còn phần thuế VAT thì khách đi xe sẽ chịu. Tài xế nào thu nhập trên 100 triệu/năm thì chịu thêm 1,5% thuế thu nhập cá nhân" - anh Thắng cho biết.
Một tài xế khác cho biết nếu chạy cả ngày chỉ kiếm được khoảng 300.000 đồng, tài xế phải trả cho Grab 90.000 đồng, còn 210.000 đồng tài xế nhận được chưa bao gồm tiền xăng, tiền khấu hao xe thì khó đủ sống. Vì vậy, họ mong muốn Grab tính mức khấu trừ như trước, tiền thuế tăng Grab chịu chứ không bắt tài xế chịu.
Tài xế GrabBike đến Liên đoàn Lao động Hà Nội đưa kiến nghị - Ảnh: HỒNG QUÂN
Ngày 7-12, Grab tiếp tục có phản hồi liên quan đến các phản ảnh của tài xế. Cụ thể, Grab dẫn theo nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 5-12, thuế VAT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.
Do đó, Grab đã khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Còn phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.
Theo Grab, việc Grab khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của nghị định 126.
Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Theo Grab, trước và ngay sau khi nghị định 126 ban hành, Grab đã tích cực chủ động tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên tới nay Grab vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này.
Về việc tài xế phản ảnh bị khấu trừ thuế VAT 10% trước ngày 5-12 khiến tổng mức khấu trừ lên gần 30%, trước đó Grab cũng giải thích là do sự cố hiển thị đối với một số tài khoản tài xế Grab Express chứ không phải toàn bộ.
Mức khấu trừ áp dụng từ 5-12 là 27,273%, gồm 20% phí sử dụng ứng dụng và thuế VAT. Đây là sự cố về mặt hiển thị với các cuốc xe trước ngày 5-12 và Grab đang áp dụng, không ảnh hưởng đến thu nhập tài xế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Danh Liên - nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng những bất đồng giữa tài xế GrabBike và Công ty Grab thuộc về quan hệ dân sự. Đây là lần thứ 2 các tài xế Grab đi phản đối vì bất đồng tỉ lệ ăn chia.
Tuy nhiên, lỗ hổng lớn nhất là hiện nay Grab và tài xế chạy GrabBike không ký kết hợp đồng lao động nên nhiều quyền lợi của tài xế không được đảm bảo. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý về vận tải hiện nay cũng không điều chỉnh hoạt động của loại hình GrabBike nên cơ quan chức năng không có cơ sở giải quyết vi phạm, tranh chấp.
Vì vậy, ông Liên cho rằng cơ quan chức năng, nhất là Bộ Giao thông vận tải, cần xem xét, đưa loại hình GrabBike vào quản lý, đảm bảo quyền lợi cho cả tài xế lẫn Grab trên cơ sở pháp luật, tránh những vụ tập trung khiếu nại gây bất ổn xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận