Học sinh tìm hiểu các chương trình đào tạo nghề tại gian tư vấn của Trường CĐ Quốc tế TP.HCM trong ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Liệu việc giải thể, sáp nhập này có giúp nâng cao chất lượng giáo dục nghề và giúp tuyển sinh nghề khởi sắc?
"Nhiều trường nghề hiện nay lấy học bổng ra để "dụ" học sinh. Điều này vô tình góp phần hạ thấp nhận thức của người dân về chuyện học nghề. Vì thực tế người ta thường quan tâm việc học xong sẽ được làm gì, thu nhập ra sao chứ không phải được gì trong lúc học".
Ông Nguyễn Thành Hiệp - nguyên trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
Nghĩ "học nghề dành cho học sinh yếu kém", ai chịu học?
Theo nhiều chuyên gia, với chính sách, cách làm hiện nay sẽ khó giải được bài toán phân luồng học sinh vào học ở các trường nghề.
ThS Trần Phương - hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao - cho rằng không phải học sinh không thích học nghề mà chính sách phân luồng học nghề cho học sinh THCS làm chưa hiệu quả.
Thực tế, nhiều lãnh đạo phòng giáo dục, trường THCS vẫn còn nhận thức "học nghề dành cho học sinh yếu kém". Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra hiện có không ít học sinh không ham thích học văn hóa bậc THPT nhưng vào trường nghề lại trở thành 'sao sáng'.
Trong khi đó phần đông nhiều gia đình vẫn nghĩ bằng tốt nghiệp THPT giúp con họ vào đời thuận lợi hơn, chưa kể họ ngại cho con học nghề vì "sĩ diện".
ThS Nguyễn Xuân Toán - phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cũng nhìn nhận một trong những nguyên nhân khiến việc phân luồng học sinh không hiệu quả do tâm lý chuộng bằng cấp, việc truyền thông về học nghề chưa rõ.
Bên cạnh đó, khi vào học nghề lại phải học một khối lượng kiến thức văn hóa rất lớn theo quy định của Bộ GD-ĐT là hơn 1.200 tiết. "Vừa phải học nghề vừa phải học văn hóa dẫn đến tâm lý chán không học nghề, thời gian để học nghề và văn hóa cho đối tượng 9+3 gần 4 năm nên nhiều em thà đi lao động thời vụ", ông Toán nói.
Nên tích hợp giáo dục hướng nghiệp từ tiểu học
TS Hoàng Ngọc Vinh, phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Việt Nam - cho rằng việc phân loại học sinh khá giỏi để phân luồng không khả thi vì việc đánh giá thi kiểm tra ở phổ thông chưa đảm bảo được độ tin cậy, trong khi tâm lý người dân đều muốn con có bằng tốt nghiệp THPT...
"Việc giáo dục hướng nghiệp cần được tích hợp trong chương trình tiểu học và THCS để dần hình thành ý thích, đam mê nghề nghiệp qua lồng ghép với các môn học khác...
Ở sau THCS và THPT có các chương trình vừa học văn hóa và học nghề, học các kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn của công nghiệp để học sinh có động cơ, thái độ học tốt và học xong có thể gia nhập thị trường lao động được ngay. Kinh nghiệm hầu hết các nước châu Âu, Úc, Mỹ, Hàn Quốc theo mô hình này", ông Vinh cho biết.
Trong khi đó theo nhiều chuyên gia, nước ta gặp khó vì giáo viên phổ thông không có kỹ năng nghề, không có cơ sở vật chất đào tạo nghề, quản lý trường phổ thông không có hiểu biết về giáo dục kỹ thuật... Trường nghề ở địa phương có đủ thầy và cơ sở vật chất lại không can thiệp được vào trường THPT do tách biệt quản lý.
Điểm rắc rối ở đây là chương trình dạy các môn văn hóa và cơ sở nền tảng cho học các môn chuyên môn phải được thiết kế tích hợp gắn với nghề đào tạo. Vấn đề là chương trình ai thiết kế, ai có thể dạy được chương trình ấy và sự công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng nghề nghiệp tương đương như tốt nghiệp THPT không theo định hướng nghề...
Theo quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 phải có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng và đến năm 2025 tỉ lệ này phải lên đến 45%. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy chủ trương này rất khó thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận