Chị Lê Thị Hòa (bìa phải), phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM, trao tiền hỗ trợ an sinh xã hội tận nơi cho 2 chị quê Nghệ An - Ảnh: TỰ TRUNG
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 3-11, các bên liên quan đều cho rằng cần phải rút kinh nghiệm từ việc triển khai các gói hỗ trợ vừa rồi chậm đi vào cuộc sống, tới đây cần phải đột phá trong cách làm mới có hiệu quả.
Hỗ trợ phải nhanh, thực hiện quá chậm
"Một trong những yêu cầu đối với các gói hỗ trợ là phải nhanh. Mà muốn nhanh thì thủ tục phải gọn, đơn giản thì mới giải ngân được. Lẽ ra Chính phủ cần chú trọng đến khâu hậu kiểm, chứ không phải là đặt ra các thủ tục tiền kiểm rườm rà. Thành ra nói về chủ trương thì rất đúng, nhưng khi triển khai lại chậm" - đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá.
Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đỗ Văn Sinh, bình luận: "Gói 16.000 tỉ Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách để cho các doanh nghiệp vay để hỗ trợ tiền lương cho công nhân, nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào được vay.
Chính sách ban hành sau một thời gian, vừa rồi Chính phủ phải sửa theo hướng giảm các điều kiện cho vay. Như vậy phải nói rằng chính sách chưa đi vào cuộc sống. Đây là điều đáng tiếc".
"Hỗ trợ chỉ là tạm thời. Quan trọng nhất vẫn là chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Người ta thường nói quá trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19 tuân theo mô hình chữ K, tức là những doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ sẽ đi lên, những doanh nghiệp không nắm bắt được thời cơ sẽ đi xuống, phân hóa rất rõ" - đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.
Vì thu ngân sách khó khăn, nguồn lực có hạn nên ông Ngân cho rằng "cần chia nhỏ các nhóm đối tượng doanh nghiệp khác nhau để có chính sách cụ thể, ví dụ như nhóm doanh nghiệp khó phục hồi nhanh như vận tải (đặc biệt là hàng không), du lịch... Các hãng hàng không đã có thương hiệu thì phải giữ lại, đừng để họ phá sản".
Chính sách quan trọng nhất, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, là "tạo thể chế đặc biệt cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ví dụ như trong lúc khó khăn như thế này thì Nhà nước tạm thời không quan tâm đến thuế, để cho họ mở ra làm ăn, phát triển một thời gian rồi tính sau. Bây giờ là lúc phải đột phá về cách làm. Quốc hội, Chính phủ cần thu hút nhân tài, với những nhóm chuyên gia giỏi nhất, để phân tích, kiến nghị các chính sách và những chính sách đột phá thì cần được quyết định nhanh".
Đại biểu Đỗ Văn Sinh nhắc lại Chính phủ đã thực hiện rất mạnh việc cắt giảm chi tiêu như hội nghị, hội họp, công tác nước ngoài, thậm chí là quyết định chưa tăng lương... Các khoản này cộng lại cũng tạo ra nguồn lực hàng chục ngàn tỉ đồng. Ông gợi ý các quỹ như quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được kích hoạt, xem lại cơ chế hoạt động, chứ không nên để tình trạng có tiền mà vẫn không tiêu được.
Vì sao chậm hỗ trợ người dân?
Về các gói hỗ trợ trực tiếp, tổng kinh phí đã thực hiện đến tay người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và thông qua các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là trên 27.800 tỉ đồng.
Về trợ cấp thất nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay từ đầu năm đến ngày 25-10 đã có gần 900.000 người đến các trung tâm dịch vụ việc làm của 63 tỉnh, thành nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó gần 840.000 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền trợ cấp là gần 14.900 tỉ đồng (mức hưởng bình quân là trên 3 triệu đồng/người/tháng).
Giải thích về việc giải ngân chậm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết do nguồn ngân sách chi trả của nhiều địa phương không chủ động được mà chủ yếu dựa vào sự phân bổ từ cấp trên.
Nguồn: Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng - Dữ liệu: N.AN - Đồ họa: T.ĐẠT
Về hỗ trợ gia hạn, giảm thuế, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, 10 tháng qua kết quả thực hiện đạt gần 100.000 tỉ đồng. Riêng tiền thuê đất của 128.619 doanh nghiệp, trong đó có 56.280 hộ, cá nhân kinh doanh, được gia hạn với số tiền là 66.700 tỉ đồng, gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô trong nước đạt 10.000 tỉ đồng. Miễn giảm các loại thuế phí khoảng 23.000 tỉ đồng, ước cả năm khoảng 30.000 tỉ đồng.
Với hỗ trợ giảm chi phí vốn, đến cuối tháng 9, số khách hàng được cơ cấu nợ là 272.115 khách với dư nợ 331.013 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 493.800 khách hàng với dư nợ 1,161 triệu tỉ đồng.
Ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 1,758 triệu tỉ đồng. Lãi suất cho vay thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Đã có 100% các ngân hàng miễn, giảm phí cho khách hàng đối với giao dịch từ 2 triệu đồng trở xuống. Dự kiến tổng số phí mà các ngân hàng giảm cho khách hàng tính đến hết năm 2020 là hơn 1.000 tỉ đồng.
~900.000
Là số người đến các trung tâm dịch vụ việc làm của 63 tỉnh, thành nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tính đến ngày 25-10.
* PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM):
Cần làm nhanh gói tín dụng 11.000 tỉ đồng
Dù quy mô gói tín dụng lãi suất ưu đãi 11.000 tỉ đồng được Bộ Kế hoạch - đầu tư đề xuất thấp hơn kỳ vọng của doanh nghiệp hàng không mong muốn từ 25.000 - 27.000 tỉ đồng nhưng cho thấy đây là sự nỗ lực của Chính phủ.
Đại dịch COVID-19 đã bào mòn "sức khỏe" của hãng bay, dòng tiền thiếu hụt trầm trọng, khoản nợ vay đến hạn phải thanh toán... 9 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines đã lỗ hơn 10.000 tỉ đồng, Vietjet và Bamboo Airways cũng thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.
Các hãng phải thắt chặt chi phí, tăng vay ngắn hạn, bán tài sản tích lũy và làm mọi khả năng để cầm cự.
Do đó mọi chính sách hỗ trợ giai đoạn này đều mang tính sống còn với doanh nghiệp, đặc biệt với ngành đặc thù như hàng không. Cấp bách cứu hàng không, cần xem xét giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, thay vì 30%, và các chính sách về giá cất hạ cánh...
ít nhất đến năm 2021. Gói hỗ trợ thứ hai nhằm ứng phó với COVID-19 cần làm nhanh xây dựng chính sách, tạo cơ chế đặc thù để sự hỗ trợ từ Chính phủ sẽ được hãng bay tiếp cận nhanh chóng và gắng sức vượt qua giai đoạn khó khăn.
* Đại biểu Trần Anh Tuấn (phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM):
Nhanh chóng công bố gói hỗ trợ thứ 2
Muốn duy trì sự tăng trưởng kinh tế, trước hết phải triển khai hiệu quả các gói kích thích tăng trưởng kinh tế. Các gói này phải đi vào thực chất vào người dân, người lao động và doanh nghiệp.
Một mặt các gói này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp bổ sung vào nguồn vốn lưu động chi trả lương, mặt khác hỗ trợ họ phục hồi sản xuất. Do đó chúng ta cần nhanh chóng công bố gói hỗ trợ thứ hai trên cơ sở sửa đổi, hoàn thiện gói thứ nhất. Trong đó phải cân nhắc yếu tố nguồn lực hiện nay hạn chế, không thể mọi doanh nghiệp đều được hỗ trợ.
Trước hết phải ưu tiên những đối tượng bị ảnh hưởng nặng, trực tiếp để tạo điều kiện cho họ phục hồi. Các gói tiếp theo mới tính đến hỗ trợ cho các đối tượng khác.
* Đại biểu Lê Thanh Vân (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội):
Tổ chức thực hiện yếu, sợ trách nhiệm
Khâu tổ chức thực hiện gói hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch COVID-19 còn yếu. Trong đó việc phân loại, thống kê đối tượng được hưởng làm chưa tốt. Có tâm lý sợ vi phạm bởi nhầm đối tượng, thực hiện sai chính sách, chính quyền địa phương, đặc biệt người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm. Mặt khác còn có sự hạn chế trong các quy định để tổ chức thực hiện chính sách.
Lẽ ra các ngành tài chính, lao động - thương binh và xã hội, các tổ chức liên quan như hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội nông dân... phải cùng tham gia để hỗ trợ chính quyền địa phương xác định chính xác đối tượng được thụ hưởng chính sách. Sự phối kết hợp của chính quyền chưa tốt nên việc giải ngân gói hỗ trợ rất khó khăn.
Sắp tới, Chính phủ phải chỉ đạo ngay các bộ ngành rà soát các quy định mà các địa phương, người đứng đầu các cơ quan thấy rào cản, không dám làm để tháo gỡ. Chính sách phải rõ ràng, cụ thể và nhìn vào thực hiện được ngay. Quốc hội, HĐND các địa phương phải vào cuộc, giám sát, tìm ra nguyên nhân để đôn đốc, giải quyết ngay.
C.TRUNG - TIẾN LONG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận