20/10/2020 12:14 GMT+7

Có khó khăn, vướng mắc trong chi trả, hỗ trợ các gói COVID-19

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét thúc đẩy giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, đúng liều lượng.

Có khó khăn, vướng mắc trong chi trả, hỗ trợ các gói COVID-19 - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 20-10, ông Vũ Hồng Thanh - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và một số định hướng lớn giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo, các chính sách hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội nhằm chia sẻ gánh nặng và khó khăn với người dân, doanh nghiệp (DN) là rất kịp thời, thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn, vướng mắc trong chi trả, hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng.

Cụ thể, tính đến ngày 30-7, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 53.645 tỉ đồng, chỉ đạt 29% của 182.000 tỉ đồng trong kế hoạch. Tổng cục Thuế đã tiếp nhận hơn 179.000 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất, tương ứng với khoảng 25% trong số 700.000 DN dự trù được hưởng lợi ban đầu.

Gói hỗ trợ an sinh mới giải ngân được 11.000 tỉ đồng, tương ứng 17,7%.

Ngoài ra, theo báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (tháng 8-2020), hiện có đến 46% DN chưa tiếp cận được các chính sách của Chính phủ về 3 gói hỗ trợ.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát các chính sách, biện pháp đang triển khai, đánh giá rõ hơn kết quả, tỉ lệ giải ngân các gói hỗ trợ và làm rõ nguyên nhân của việc triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm.

Từ đó nghiên cứu bổ sung các giải pháp để thực hiện mục tiêu phòng chống đại dịch COVID-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2020. Nhất là với các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng và các địa phương khu vực miền Trung bị tác động tiêu cực mạnh hơn do COVID-19 đợt 2.

Cũng trong báo cáo, Ủy ban Kinh tế cho biết số DN tạm ngừng kinh doanh hiện tăng cao, đến hết tháng 8-2020 lên hơn 34.000 DN, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước. "Điều này cho thấy các nỗ lực hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa phát huy hiệu quả cao nhất đối với mọi đối tượng DN", ông Thanh nói.

Ngoài ra, việc doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động sẽ khiến số lao động thất nghiệp tăng cao, phát sinh tranh chấp về lợi ích giữa người lao động và DN. Ủy ban Kinh tế lưu ý tình hình quan hệ lao động sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nhất là vào thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cần được quan tâm kịp thời.

Khả năng hụt thu ngân sách khoảng 189.000 tỉ đồng

Cũng theo báo cáo, năm 2020 có khả năng hụt thu khoảng 189.000 tỉ đồng so với dự toán, giảm 14,7% so với thực hiện năm 2019 do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá rõ thêm về khả năng bù đắp hụt thu nếu sử dụng cho khoản chi để kích thích kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp.

Do hụt thu lớn, chi không có khả năng giảm tương ứng, vì vậy bội chi NSNN năm 2020 sẽ tăng so với dự toán, ước khoảng 319,4 nghìn tỉ đồng, bằng khoảng 4,99% GDP, cao hơn 84,66 nghìn tỉ đồng so với dự toán năm 2020.

Thủ tướng: Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 GDP đầu người lên 5.000 USD Thủ tướng: Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 GDP đầu người lên 5.000 USD

TTO - Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép và phát triển kinh tế xã hội vừa phòng chống dịch COVID-19, chỉ tiêu đặt ra về tăng trưởng GDP cho năm 2021 là 6% và giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên