14/05/2016 10:30 GMT+7

Gỡ lưới kẹt, thấy “thần công”

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Chúng tôi theo chân người bố Trần Văn Ca tìm gặp Thiện ngay ở chân cầu Cẩm Trung, cách nhà hơn 5km khi anh đang sửa chữa chiếc tàu cá và dụng cụ lặn biển để chuẩn bị ngày ra khơi sắp tới...

Một trong ba khẩu thần công Uy Phúc của Bảo tàng Hà Tĩnh vừa được phục chế dát bạc - Ảnh: Thái Lộc
Một trong ba khẩu thần công Uy Phúc của Bảo tàng Hà Tĩnh vừa được phục chế dát bạc - Ảnh: Thái Lộc

 “Tôi lặn xuống thì thấy xác một con tàu cổ nổi trên đáy biển chừng nửa mét, bên trên ba khẩu đại bác nằm ngổn ngang. Lưới chúng tôi mắc kẹt vào một khẩu thần công!” - anh Trần Văn Thiện (ở thôn 2, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) kể về việc phát hiện ba khẩu thần công về sau trở thành bảo vật quốc gia thuộc sự quản lý của Bảo tàng Hà Tĩnh.

Bí mật của người ngư phủ

Tìm về xã Cẩm Lĩnh trong một ngày biển cửa Nhượng đầy sóng gió, hầu hết thanh niên trai tráng trong làng chài thôn 2 đều ở nhà chờ ngày con nước thuận lợi để ra biển. Chúng tôi theo chân người bố Trần Văn Ca tìm gặp Thiện ngay ở chân cầu Cẩm Trung, cách nhà hơn 5km khi anh đang sửa chữa chiếc tàu cá và dụng cụ lặn biển để chuẩn bị ngày ra khơi sắp tới.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về câu chuyện súng cổ, một số bạn nghề cùng làm can ngăn nhưng Thiện “quyết” rất nhanh: “Chuyện đã qua rồi, có chi mà sợ. Nhà báo cứ hỏi, biết chi tôi nói nấy à!”.

“Hồi đó, nhóm chúng tôi có sáu anh em, đi tàu ông Phương ra kéo lưới ở gần hòn Mắt, cách cửa Nhượng chừng 35 hải lý. Lưới khi đó bị mắc kẹt, kéo mấy cũng không đi. Tôi lặn xuống đáy biển thì thấy lưới vướng vào một trong ba khẩu súng. Khi tháo lưới, tôi nhìn quanh phát hiện thêm mấy cái lư hương bằng đồng, mấy cái bát đồng như loại sắc thuốc hiện nay, mấy thanh đồng cong cong dài hơn 2m và rất nhiều chì.

Chúng tôi đưa lên tàu tất cả những vật dụng ấy, kể cả hơn 1 tấn chì. Còn súng thì phải phá phần kim loại trắng đính chặt súng với vỏ tàu, làm rời ra nhưng kiểu chi cũng không nhấc lên được khỏi đáy biển vì nặng quá, chúng tôi đi về!” - Thiện vừa kể vừa khua tay diễn tả như con tàu đắm đang ở trước mặt.

Thiện cho hay chiếc tàu dưới biển dài chừng 11m, bằng gỗ bọc đồng, phần lớn tàu nằm chìm sâu dưới đáy biển. Phần nổi lên chừng nửa mét và các thành phần nổi này đã bị giập nát hết cả. Vị trí tàu đắm nằm sâu cách mặt nước 18 sải, tức khoảng 32m.

Mấy ngày sau nhóm của Thiện sang xã Thạch Kim (huyện Thạch Hà) tìm thuê một tàu chuyên lặn có cần cẩu lớn. Khi đặt vấn đề, chủ tàu ừ ngay với khoản thù lao là một trong ba khẩu súng. Ngay hôm sau, cũng là ngày lễ Quốc khánh 2-9-2003, dù gió to sóng cả nhưng lại là ngày nghỉ “an toàn”, cả hai nhóm ngư dân cùng giong thuyền tiến ra hòn Mắt.

Trong suốt buổi sáng họ mới đưa được cả ba khẩu súng một cách rất khó nhọc lên tàu rồi đưa về bờ. Một khẩu thì trả công cho nhóm trục vớt chở về cửa Sót, xã Thạch Kim. Hai khẩu còn lại thì nhóm của Thiện chở về cửa Nhượng, xã Cẩm Lĩnh, tất cả đều diễn ra trong bí mật.

Ban đầu nhóm của Thiện giấu súng ở chỗ kín ngoài bãi biển chứ không đưa về nhà. Có thương lái đến trả giá mỗi khẩu 100 triệu đồng tương đương giá đồng nát nên cả nhóm không bán. Mãi đến khi nhóm trục vớt ở Thạch Kim chuyển súng ra Bắc, bị Công an huyện Thạch Hà thu giữ, câu chuyện còn thêm hai khẩu thần công nữa mới lộ ra. Lực lượng chức năng vào cuộc, lúc đó súng mới được đưa về xã và chính quyền địa phương buộc phải đảm bảo không cho súng quý bị tẩu tán.

Súng Uy Phúc là văn vật chứ không phải là vũ khí thông thường. Đó không phải là súng trận, mà được đúc để phô trương sự thịnh vượng của vương triều. Về lý do nằm dưới đáy biển gần hòn Mắt, tôi cho rằng nhiều khả năng trong giai đoạn vua Hàm Nghi rời kinh đô Huế, triều đình đã cho chở súng đi theo và bị chìm tàu trên đường đi!

Nhà nghiên cứu TRẦN ĐÌNH SƠN

“Phúc” lan khắp nước, “uy” dậy bốn phương

Thông tin về hai khẩu thần công đang ở trong dân đến tai rất nhiều bảo tàng trong cả nước. Thời điểm ấy, nhiều bảo tàng đã chực sẵn tìm cách mua và đưa súng về làm hiện vật của bảo tàng mình. “Thậm chí có một bảo tàng trung ương còn tranh thủ được văn bản của Tỉnh ủy Hà Tĩnh được phép mua súng. Nhưng chúng tôi nhất quyết phải đưa về bảo tàng mình.

Thời điểm ấy có sự giằng co rất căng thẳng, kể cả địa phương cũng không hợp tác. Lãnh đạo xã Cẩm Lĩnh khi ấy bảo rằng sẽ đưa súng ra đặt ở nghĩa trang của xã chứ không đưa đi đâu cả. Nhiều lần giằng co chúng tôi mới đưa hai khẩu về bảo tàng cho đủ bộ!” - ông Nguyễn Trí Sơn, giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, kể.

Từng xem rất nhiều khẩu thần công, nhưng chúng tôi rất bất ngờ khi tiếp cận ba khẩu thần công này vì hình thức quá đặc biệt. Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi tìm thấy việc đúc súng ghi rõ trong sách Đại Nam thực lục với nội dung: vào đầu triều Minh Mạng, có người đào được rất nhiều đồng và dâng lên cho vua. Nhà vua cho đó là điềm lành và cho đúc ba khẩu thần công, phong là Bảo quốc an dân đại tướng quân, đích thân vua viết ba bài minh khắc trên thân súng.

Quyển 7 sách Đại Nam thực lục năm thứ 2 thời Minh Mạng ghi: “Đúc súng đại bác Uy Phúc. Trước là quân thị Trung đào được vạn cân đồng đem dâng. Vua sai đúc ba khẩu đại bác, đều đặt tên là “Bảo quốc an dân đại tướng quân”, thân chế bài minh khắc vào súng để ghi. Một khẩu bài minh rằng: “Minh Mệnh năm đầu, được vạn cân đồng, sai đúc súng Uy Phúc, để bảo đời sau: phúc đến có điềm hay, tiếng oai quét yêu quái, truyền con cháu ta, văn võ đều giỏi”.

Khẩu thứ hai bài minh rằng: “Minh Mệnh năm đầu, được vạn cân đồng, sai đúc súng Uy Phúc, để bảo đời sau: phúc lan khắp trong nước, uy dậy cả bốn phương, ức muôn năm ấy, phát mãi điềm lành”. Khẩu thứ ba bài minh rằng: “Minh Mệnh năm đầu, được vạn cân đồng, sai đúc súng Uy Phúc, để bảo đời sau: uy để chống giặc, phúc ứng điềm lành, văn võ đều dùng, thọ khảo mãi mãi”.

Cung cấp tư liệu nói trên cho Bảo tàng Hà Tĩnh, ông Nguyễn Trí Sơn như bắt được vàng. Ông Sơn cho biết từ nguồn này sẽ cho tìm sách Đại Nam thực lục chữ Hán để chép lại nguyên văn bài minh bị mòn mờ trên khẩu số 2, cho phục chế. Ngoài ra, hồ sơ về ba khẩu thần công là bảo vật quốc gia sẽ được điều chỉnh cho hoàn chỉnh hơn.

Hiện anh Trần Văn Thiện vẫn làm nghề lặn biển - Ảnh: T.Lộc
Hiện anh Trần Văn Thiện vẫn làm nghề lặn biển - Ảnh: T.Lộc

Khi được xem lại hình ảnh ba khẩu súng, Thiện “đánh đốp” vào đùi: “Chà, rứa là hơn mười năm rồi mới gặp lại ông bạn! Hồi đó tui dùng búa tạ đập vào phần đuôi và phần quai, đập mãi mà chỉ móp một vài chỗ. Chừ lên gặp chắc cũng nhận ra khẩu bị đập đó!”.

Thiện cho hay toàn bộ phần hoa văn của súng quanh nòng, quanh thân, quanh đuôi và quai... đều được dát một lớp bạc rất dày. Tất cả chữ Hán trên súng, ở bên hông và trên đuôi đều khảm vàng. “Hồi đó chúng tôi cạy ra từng mảng lớn kim loại trắng to như tập vở học sinh.

Mỗi khẩu hơn cả yến (10kg), về sau mới biết là bạc, một số thì đem bán, một số đem đến tiệm bạc đổi đồ nữ trang cho vợ con đeo! Mà hồi đó người ta tới coi dữ lắm, họ kéo nhau đông như đi hội. Kể cả khi có công an thì người ta cũng vô sờ súng, có người còn cạy bạc trên súng đem về!” - Thiện kể.

__________

Kỳ tới: Chiếc trống vịt và cặp lốp xe bò

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên