11/05/2016 09:31 GMT+7

Hiến bia quý, cầu một chữ “an”

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Ông Nguyễn Văn Đức, người bất ngờ đào được tấm bia Xá lợi tháp minh, giới thiệu bảng chữ đồng lớn treo trang trọng giữa phòng khách nhà mình...

Bia Xá lợi tháp minh có từ năm 601 - Ảnh: Thái Lộc
Bia Xá lợi tháp minh có từ năm 601 - Ảnh: Thái Lộc

“Không chỉ mong cho gia đình, cho bản thân bình an, mà chữ “an” này còn giúp con cháu sẽ nhớ mãi tôi từng sở hữu và hiến tặng bảo tàng một bảo vật quốc gia!” - ông Nguyễn Văn Đức, người bất ngờ đào được tấm bia Xá lợi tháp minh, giới thiệu bảng chữ đồng lớn treo trang trọng giữa phòng khách nhà mình...

Không thể tưởng tượng

Nhà ông Đức thuộc thôn Xuân Quan (xã Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh), nằm trên con đường từ chùa Dâu sang chùa Bút Tháp và đền thờ Kinh Dương Vương, chỉ cách thành cổ Luy Lâu chừng vài trăm mét.

Ông kể một buổi sáng giữa năm 2004, khi đang đào đất tại vườn chùa Xuân Quan để đóng gạch, “gàu” múc của xe gặp phải một vật cứng ở độ sâu hơn 2m giữa lớp sét. Đào lên thì thấy một khối đá hai phiến chồng khít lên nhau.

Bên cạnh là một hộp đá hình chữ nhật có nắp đậy bằng đá cũng vừa khít. Nhiều người xúm lại trầm trồ, có người bảo ông Đức được lộc trời. Người ta hi vọng vì trong vùng này rất nhiều người đào được đồ cổ, khi thì mớ gương đồng, lúc thì nhiều đồ gốm sứ cổ, khi thì tiền vàng...

Chiếc hộp đá tức thì được mở ra, bên trong không có gì ngoài đất màu nâu thẫm. Riêng khối đá còn lại với hai tấm như có chất keo dán chặt, người ta phải dùng đến cái mai thép xắn đất cạy ra. Đó là một tấm bia khắc nhiều chữ Hán. Đào quanh chẳng thấy còn gì quý giá, ông Đức đưa hai hiện vật về nhà.

“Lúc đó, tôi mời một cụ có biết chữ Hán trong làng đến xem, cụ đọc bỏm bẻm được mấy chữ, trong đó có chữ “hoàng hậu”. Tôi không biết đó là gì, nghĩ có lẽ là gia phả nhưng có liên quan đến vua và là vật quý. Vì vậy cứ cất giữ ở hiên nhà!”.

Sau một thời gian nhiều người đến xem, một số người buôn đồ cổ đến dạm giá, lên đến mấy triệu đồng. Nhưng ông Đức không bán. Ông không muốn mang tiếng vì những người trước đó đào đồ cổ bán đi, chia nhau tiền rồi cãi qua cãi lại để trong làng lời ra tiếng vào...

Năm 2012, trong chuyến điền dã thực địa để sưu tầm hiện vật, các cán bộ phòng nghiên cứu - sưu tầm thuộc Bảo tàng Bắc Ninh được cán bộ UBND xã Trí Quả giới thiệu đến ông Đức xem bia. “Khi xem qua, tôi rất bất ngờ khi thấy hai chữ “đại Tùy”, nửa ngờ nửa thực trước hiện vật có niên đại quá sớm.

Đến khi về đọc kỹ và tra cứu thì bia có niên đại năm 601, và minh chứng cho rất nhiều giá trị văn hóa lịch sử dân tộc” - anh Nguyễn Văn An, cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh, nói. Còn ông Lê Viết Nga, giám đốc bảo tàng này, thốt lên: “Gặp nó, tôi không thể tưởng tượng được ở đất Bắc Ninh lại có tấm bia cổ như thế. Thời điểm ấy đây là tấm bia cổ nhất VN!”...

Ông Nguyễn Văn Đức và chữ “an” do Bảo tàng Bắc Ninh tặng - Ảnh: Thái Lộc
Ông Nguyễn Văn Đức và chữ “an” do Bảo tàng Bắc Ninh tặng - Ảnh: Thái Lộc

Cầu một chữ “an”

Tấm bia có hình gần vuông, 45x46cm, dày 9cm và một phiến đá cùng khổ dày 4cm. Kèm theo là một hộp đá hình khối chữ nhật có nắp đậy. Bia khắc 133 chữ Hán, chia thành 13 dòng. Dòng đầu khắc bốn chữ “Xá lợi minh tháp”, dòng thứ hai ghi khắc “Duy Đại Tùy nhân thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu”. Bản lược dịch của Bảo tàng Bắc Ninh cho biết nội dung: Trước ngày Ất Sửu, tháng Tân Hợi (15-10), năm Tân Dậu nước Đại Tùy niên hiệu Nhân Thọ năm thứ nhất (601).

Hoàng đế cẩn trọng mở rộng dòng thuyết pháp, mở cõi u hiển đến mọi sinh linh ở chùa Thuyền Chúng (Thiền Chúng) thuộc huyện Long Biên, đất Giao Châu để kính cẩn dựng ngôi tháp thiêng đặt yên xá lợi theo ước nguyện của Thái tổ Vũ Nguyên hoàng đế, Nguyên Minh hoàng hậu.

Tất cả các bậc từ hoàng đế, hoàng hậu, hoàng thái tử, đến các con cháu trong hoàng tộc cùng các quan được sủng ái, thứ dân không kể lục đạo, tam đồ trên cõi đời đều thuận theo lời dạy của đức Phật mãi thoát khỏi cõi khổ ải trầm luân, cùng hưởng quả phúc.

Sắc cho Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kỵ úy Khương Huy dựng ngôi tháp và an vị xá lợi ở đó...

Sau khi được Bảo tàng Bắc Ninh cung cấp nội dung và biết đây là một tấm bia liên quan đến chùa Xuân Quan, vốn là ngôi chùa rất cổ có từ trước đó, ông Đức có một tháng để phân vân trước lời đề nghị ông hiến tặng bảo tàng.

Cùng thời điểm ấy, chùa Xuân Quan cũng ngỏ ý muốn thỉnh bia về đặt tại chùa. Dù ông Đức rất muốn tấm bia đặt trong làng, gần nhà mình, lại ở nơi nó vốn tồn tại từ hơn 1.400 năm qua, song ông lo sợ mất mát trước sự bảo quản lỏng lẻo của nhà chùa nên quyết định tặng cho bảo tàng.

Ngày tặng bia, các cán bộ Bảo tàng Bắc Ninh đến hỏi có yêu cầu hay đề nghị gì hay không, với hàm ý ông muốn bảo tàng hỗ trợ bao nhiêu tiền. Họ rất bất ngờ khi nhận được cái lắc đầu từ ông Đức.

Có người ngỡ ông đổi ý không tặng nữa nhưng ông chỉ cười. Mãi sau có người gợi ý món quà kỷ niệm và ông chọn chữ “an” để treo trong nhà. Nhận bia về, các cán bộ bảo tàng sang làng Đại Bái, Gia Bình, Bắc Ninh đúc chữ “an” đem đến tặng ông.

Sau gần bốn năm tặng bia quý cho bảo tàng, tiếp chúng tôi bên cốc trà, ông Đức mở lòng chia sẻ về chữ “an”, về tấm bia và những điều kỳ lạ liên quan đến những biến cố quan trọng của đời mình.

Ông cho biết ngay sau khi biết được nội dung bia, ông cảm thấy một sự trùng hợp kỳ lạ: “Ngày tháng ghi trên bia, cho dù hơn cả ngàn năm trước đó, nhưng lại trùng với ngày tháng tôi lập gia đình (15-10 âm lịch năm 1987) và cũng là ngày mà sức khỏe tôi gặp sự cố.

Ngày mà bảo tàng đến đặt vấn đề hiến tặng cũng chính là ngày tôi dọn về nhà mới. Khi được chữ “an” - quà tặng có được từ tấm bia, tôi thấy chữ đó có lẽ cũng đang vận vào gia đình mình!...” - ông Đức cho biết. Những lý do mà ông Đức xem là “tâm linh” đó khiến ông không đồng ý một đồng lợi lộc gì từ tấm bia vô cùng quý giá...

Thành Luy Lâu và thành Long Biên là một

“Về mặt lịch sử, bia Xá lợi tháp minh có giá trị rất đặc biệt. Vị trí bia nằm rất gần với thành cổ Luy Lâu. Bia Xá lợi tháp minh nói về việc các vị cao tăng đi đặt các bia tại các chùa nổi tiếng xứ Giao Châu, và về xá lợi của một bậc thiền sư an táng ở ngôi tháp từng hiện hữu.

Bia cho biết vị trí chùa Xuân Quan hiện nay từng có ngôi chùa Thiền Chúng cổ kính và nổi tiếng của đất Giao Châu. Một thời gian khi chùa đổ, tháp tiêu tan, nhiều dấu vết chứng tỏ người ta cố ý đào chôn rất cẩn thận cả xá lợi vị thiền sư lẫn tấm bia kèm theo.

Sau này đến thời Lê, khi dựng lại chùa trên đất chùa cũ, người ta không còn nhớ đến tên cũ mà lấy tên khác đặt cho chùa mới.

Điều đặc biệt nhất là văn bia có ghi “Long Biên huyện, Giao Châu xứ”. Từ trước đến nay nhiều công trình nghiên cứu cho rằng thành Long Biên xưa nằm ở nhiều nơi, khi thì ở huyện Tiên Du, khi thì ở huyện Yên Phong (cùng tỉnh Bắc Ninh). Cũng có công trình luận án phó tiến sĩ cho rằng thành Luy Lâu và thành Long Biên là một.

Tuy nhiên, luận án này bị GS Hà Văn Tấn nhận xét “già” về tư liệu lịch sử, nhưng thiếu bằng chứng về khảo cổ học. Chính nội dung “Long Biên huyện, Giao Châu xứ” làm cho bia Xá lợi tháp minh trở thành bằng chứng vật chất đầu tiên và duy nhất cho đến hiện nay khẳng định thành Luy Lâu và thành Long Biên trong lịch sử là một!” - lời ông Lê Viết Nga, giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh.

______________________________________

Kỳ tới: Đào trống thiêng, thưởng 500 đồng

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên