12/05/2016 12:30 GMT+7

Đào trống thiêng, thưởng 500 đồng

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - “Ông Thành đào được trống ấy à, vào hẻm bêtông ngay đối diện cổng lớn của đền Hùng một đoạn vài trăm mét là gặp. Cái trống í nghe đâu là vật rất quý nhưng người ta tịch thu rồi đối xử bạc!” - một người phụ nữ huyên thuyên khi chúng tôi hỏi đường đến nhà ông Thành.

Mặt trống đồng đền Hùng - Ảnh: Bảo tàng Hùng Vương cung cấp
Mặt trống đồng đền Hùng - Ảnh: Bảo tàng Hùng Vương cung cấp

 

Theo hồ sơ hiện vật của Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT&DL cũng như của Bảo tàng Đền Hùng, trống đồng Hùng Vương là do ông Lê Văn Thành phát hiện được trong lúc đào hố làm gạch xây nhà. Tuy nhiên, đến tận nơi mới biết người phát hiện trống chính là bà Hoàng Thị Mai, vợ ông Thành và người con gái đầu Hoàng Xuân Thủy.

“Câu chuyện buồn”

Chúng tôi men theo con đường bêtông ngoằn ngoèo dẫn vào đồi Phân Ngùi (xã Hi Cương, TP Việt Trì, Phú Thọ) trong một buổi sáng sương mù quánh đặc. Những khu đồi thâm thẫm nằm xen kẽ đám ruộng nhỏ dưới những thung lũng hẹp.

Nhà ông Thành nằm bên sườn của quả đồi Phân Ngùi, cách núi Nghĩa Lĩnh - di tích Đền Hùng - chừng 1km đường chim bay. Khi chúng tôi đến, ông Thành không có ý muốn tiếp mà chỉ ậm ừ, nói rằng không muốn nhắc đến một câu chuyện buồn đã qua lâu rồi... “Những người xuống đây lấy trống về, người thì về hưu, có người cũng chết rồi, giờ còn nhắc đến chuyện buồn đó làm gì nữa!” - ông Thành nói.

Khi thấy chồng không muốn nhắc chuyện cũ, người vợ Hoàng Thị Mai mới tiếp lời. Bà kể vào đầu năm 1990, ngôi nhà lá do vợ chồng dựng trước đó mấy năm đã rũ mục, vợ chồng tính chuyện dựng căn nhà mới kiên cố hơn. Họ chọn cạnh bụi tre ngay trước mặt nhà để đào đất đúc gạch, phần hố thì dùng để tôi vôi.

Đến đầu tháng 8-1990 bắt tay vào làm. Bà Mai nhớ như in hôm đó là ngày 5-8-1990, khi bà và con gái trưởng Hoàng Xuân Thủy đào hố, đến cách mặt đất chừng 0,8m thì xẻng gặp một vật rất cứng. Dùng xẻng rà qua rà lại thì biết là kim loại, bà Mai nắm tay con gái chạy xuống đám ruộng trước nhà, vừa chạy vừa la thất thanh: “Có bom, có bom!”.

Trong số những người làm ruộng cũng có người hốt hoảng chạy theo, vấp cả cuốc xẻng mà té ngã. Một số người trố mắt, đứng nhìn trong lo sợ một tiếng nổ rung trời chuyển đất... Nhưng mãi không thấy nổ, họ bước về nhà.

Bà Mai tưởng bom là có lý do. Những năm thập niên 1960-1970, khi ấy gia đình bà còn ở trên khu vực đồi Phú Thị cạnh đền Hùng nhìn về, đồi Phân Ngùi thường xuyên ngùn ngụt khói lửa do Mỹ ném bom. Sau ngày hòa bình lặp lại, bà Mai tham gia đội thanh niên xung phong của xã, chuyên đi tìm và đào bom mìn để quân đội xử lý. Vùng đồi Phân Ngùi được nhóm bà Mai tìm được rất nhiều bom chưa nổ...

Nghe có vật lạ, người trong xóm kéo nhau về hố đào ngày càng đông. Mấy người đàn ông dùng cuốc xẻng hớt nhẹ lớp đất để lộ ra ngôi sao nhiều cánh với bốn con cóc xung quanh. “Trống đồng rồi!” - một người đàn ông biết chuyện hô lên. Cũng vừa lúc ông Thành, chồng bà Mai, đi làm về, ông qua nhờ nhóm thợ đang xây nhà bên cạnh sang giúp sức.

Đào nhẹ nhàng và cẩn trọng, chừng một tiếng sau nhóm thợ khênh lên quả trống lớn và nặng cả mấy tạ vì đất đặc. Bà con chòm xóm xúm lại gỡ bỏ những lớp đất bám dày quanh thân trống và nạy phần đất thịt trong lòng trống. “Nhà ông Thành được “lộc” rồi!”, nhiều người mừng vội cho gia đình ông...

Dẫn chúng tôi ra khu đất ngay cạnh sân trước, cách con đường chừng 2m, bà Mai bảo trước đây có một bụi tre lớn vừa được bới đi để lấy đất làm vườn. “Tôi đào ở đây”, bà lấy chân giậm giậm nơi cách hàng rào chừng 2m. “Lúc phát hiện nó nằm mặt ngửa lên trời như thế này!” - bà vừa nói vừa khua tay diễn tả hình chiếc trống đang dựng đứng.

Ông Lê Văn Thành và bà Hoàng Thị Mai tại khu vực đào được trống đồng đền Hùng - Ảnh: Thái Lộc
Ông Lê Văn Thành và bà Hoàng Thị Mai tại khu vực đào được trống đồng đền Hùng - Ảnh: Thái Lộc

500 đồng tiền thưởng

Ngay sau khi đào được trống, ông Thành báo ngay cho chính quyền xã. Chính quyền và Ban quản lý di tích đền Hùng đã đến nhà ông Thành đề nghị nộp trống. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý hiến nộp không vì còn có công đào, nên đề nghị cơ quan chức năng phải trả một khoản thù lao cho việc tìm được trống.

“Họ muốn nhận về liền nhưng chúng tôi bảo không được, muốn nhận trống thì phải trả công đào chứ. Nhưng việc ấy hóa ra mệt lắm chú ạ, các cán bộ văn hóa cứ đến dọa dẫm đủ điều rằng tài sản quốc gia nếu để mất hoặc bán đi thì bị xử lý theo pháp luật. Xã thì gọi lên gọi xuống rất nhiều lần khiến gia đình tôi mệt mỏi!” - ông Thành kể.

Sự việc dây dưa cho đến gần ba tháng sau khi đào được trống, đại diện chính quyền và Ban quản lý khu di tích đền Hùng lại đến nhà ông Thành nhận trống. “Hôm lấy trống về, họ (Ban quản lý khu di tích Đền Hùng) đưa chúng tôi 500 đồng.

Họ bảo 200 đồng tiền công phát hiện, 300 đồng tiền giữ trống trong gần ba tháng!”. “500 đồng?” - chúng tôi thắc mắc sợ nhầm với 500.000 đồng. Nhưng chính xác là tờ 500 đồng màu đỏ ấy, giờ thì tờ tiền ấy người ta không dùng nữa, mà hồi nhận tiền (năm 1990) cũng chẳng mua được cái gì cả!” - ông Thành nhăn cả vầng trán, kể trong sự bực dọc.

Bà Hoàng Thị Mai tiếp lời: “Hồi đó biết gia đình tôi đào được trống, khách đến xem đông lắm chú ạ. Cả khách thập phương lẫn nhà nghiên cứu, nhà báo trung ương về nhiều lắm. Ông nhà tôi đi làm việc ngoài hợp tác xã cả ngày, tôi bỏ việc ở nhà giữ trống và tiếp khách cả mấy tháng trời. Mà cũng hay thật, tưởng đào trống quý được gì, nào ngờ chẳng được gì hết. Tiếp khách tốn của tôi hết mấy cân chè!” - bà Mai kể trong một nụ cười gượng.

Kể từ sau khi tìm được trống quý và giao cho Nhà nước, gia đình ông Thành gần như không lần nào nhắc đến nó nữa. Cái “trống thiêng” ấy giờ được đặt ở “đền thiêng” là đền Hùng.

Khi chúng tôi đặt vấn đề mời vợ chồng ông đi thăm trống vì là người có công phát hiện, ông trả lời thẳng thừng: “Nghe trống mình đào được thành bảo vật quốc gia thì thấy vui đấy. Nhưng có đến đấy chỉ buồn thêm mà thôi chứ cũng chẳng để làm gì chú ạ. Người ta ứng xử bạc như thế với mình thì cũng nên quên đi cho rồi, xem mà làm gì!”.

Theo Bảo tàng Hùng Vương, trống đồng đền Hùng được xếp vào trống loại I, nhóm C theo phân loại của Heger, đường kính mặt 93cm. Niên đại khoảng TK III - TK VI trước Công nguyên. Đây là loại trống lớn, chính giữa mặt trống có đĩa hình mặt trời gồm 12 tia, có họa tiết chim lạc và người hóa trang cách điệu. Xung quanh bề mặt trống có bốn tượng cóc quay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.

Trống gồm ba phần: tang trống phình, có chín vành hoa văn trang trí; thân trống thon, có hai đôi quai kép, trang trí hình bông lúa, quanh thân trang trí hình thuyền chở người hóa trang theo hình chim cách điệu và các hoa văn hình học: vòng tròn chấm giữa, khắc vạch, tam giác lồng...; đế trống choãi, để trơn, không trang trí. Trống đồng đền Hùng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia ngày 30-12-2013.

__________

Kỳ tới: “Ông rồng” kỳ lạ

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên