Chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh (42 tuổi), công nhân Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM), nói tại hội thảo Giải pháp phòng chống tín dụng đen ngày 23-2 tại TP.HCM.
Chị Oanh kể mình vay chưa tới 20 triệu đồng mà lãi mẹ đẻ lãi con, mỗi tháng trả tiền lãi đã hàng chục triệu, cộng dồn lại còn nhiều hơn tiền vốn gốc.
Cả nhà có gom góp hết cũng không đủ trả, không còn cả tiền ăn. Từ khoản vay của Tổ chức tài chính vi mô CEP đầu tiên 8 triệu đồng và nhiều khoản vay khác trong 10 năm qua, gần nhất là khoản vay 50 triệu đồng, chị Oanh đã dần trả dứt khoản vay nặng lãi kia, còn sửa nhà, mua xe máy.
Chị Oanh chỉ là một trong 340.836 khách hàng công nhân, người lao động nghèo vay vốn từ CEP suốt 32 năm qua kể từ khi ra đời năm 1991.
Kết quả khảo sát phục vụ đề án CEP cùng tổ chức công đoàn phòng chống tín dụng đen trong công nhân lao động giai đoạn 2023-2028 chỉ ra "tín dụng đen" đã bén rễ từng khu dân cư, bủa vây công nhân và hoạt động ngày càng công khai.
CEP "cạnh tranh" với đội quân tín dụng đen dày đặc nhờ chỗ dựa vững chắc là các công đoàn cơ sở, chủ tịch công đoàn cơ sở, tiếp cận với công nhân lao động khó khăn, từng bước "gỡ" công nhân ra khỏi vòng vây tín dụng đen.
Nếu tín dụng đen có lãi vay 10-20% thì CEP là 0,2-0,7%/tháng. Trong khi tín dụng đen "khủng bố" người vay để đòi nợ, còn nhân viên CEP đồng hành, tư vấn cho từng người lao động.
Họ không chỉ giúp người vay biết cách phân bổ thu nhập để trả nợ mà còn gửi tiết kiệm nhỏ tính bằng trăm ngàn, thậm chí từ 50.000 đồng, tạo thêm khoản dự phòng cho trường hợp khẩn cấp...
Trường hợp nào quá khó khăn, CEP xem xét giãn nợ, có chương trình hỗ trợ khẩn cấp, có khi lên tới vài chục triệu đồng trong trường hợp quá khó khăn do hoàn cảnh chẳng đặng đừng.
Như trường hợp của chị Ngọc Oanh, nếu trước đây chị vay nặng lãi 20 triệu đồng, trả lãi mỗi tháng cả chục triệu, trong khi chị vay từ CEP 50 triệu đồng, hằng tháng phải trả chưa đến 5 triệu đồng.
Thời điểm dịch bệnh kéo dài năm 2021, chị Oanh là một trong 54.000 khách hàng không có khả năng hoàn trả và CEP không thu tiền nợ suốt mùa dịch.
Ông Võ Minh Tuấn, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết tính đến nay CEP đang là tổ chức tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam với 340.800 khách hàng có tổng dư nợ vay 5.608 tỉ đồng với mạng lưới 36 chi nhánh CEP ở 10 tỉnh, thành.
"Bối cảnh hoạt động tín dụng có nhiều rủi ro, bất ổn, CEP vẫn duy trì tỉ lệ nợ xấu dưới 1%, năm khó khăn nhất trong dịch bệnh cũng chỉ ở mức 1,2%. Tôi tin CEP còn làm được nhiều hơn nữa để đồng hành với người lao động nghèo, góp phần đẩy lùi tín dụng đen", ông Tuấn đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận