Tuy nhiên theo lãnh đạo các bệnh viện, còn một số vướng mắc trong nghị định 30 và nghị quyết 07 cần tiếp tục được tháo gỡ, trong đó cần cụ thể hóa hơn các quy định để các y bác sĩ an tâm trong đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh.
Tuổi Trẻ đã lấy ý kiến của giới chuyên môn về câu chuyện này.
Ông Nguyễn Tri Thức (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy):
Cần sửa luật đấu thầu
Nghị quyết 30 của Chính phủ đã điều chỉnh quy định về thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao; còn nghị định 07 là trang thiết bị y tế. Sau áp dụng, bệnh viện chúng tôi đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn, rõ nhất là giảm số lượng bệnh nhân phải ra ngoài chụp CT-Scan, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân ung thư xạ trị...
Bên cạnh nhiều mặt được, hiệu quả khi áp nghị quyết 30 và nghị định 07 thì bệnh viện chúng tôi cũng còn nhiều băn khoăn trong công tác mua sắm, đấu thầu thiết bị, vật tư y tế, có thể quy vào tội vi phạm mà không biết khi việc niêm yết giá, kê khai giá không mang tính bắt buộc.
Cụ thể với quy định một bảng báo giá hiện nay thay vì ba bảng báo giá trước đây, bệnh viện còn e ngại rằng một bảng báo giá này có sát với giá trị thực của sản phẩm mình mua hay không, trong khi các nhà quản lý bệnh viện không đủ cơ sở kiểm định.
Hiện phần lớn các máy móc, thiết bị y tế chưa niêm yết giá, trong khi quy định là sản phẩm mua không được cao hơn giá niêm yết, nên bệnh viện không thể so sánh được. Giả sử trong tình huống khẩn cấp, bệnh viện mua một thiết bị gì đó dựa trên một bảng báo giá cho phép nhưng không có giá niêm yết, nếu chẳng may khi thiết bị đó đưa vào hoạt động mà có giá niêm yết thấp hơn giá bệnh viện đã mua thì có thể bị vi phạm.
Và nghị quyết 30 chỉ tháo gỡ trong thời điểm cấp bách và thí điểm đến 31-12-2023 thì không giải quyết triệt để trong thời gian dài, vì việc thiếu thuốc và trang thiết bị y tế mang tính chất chu kỳ. Về lâu dài cần sửa luật đấu thầu và trong đó cần chia rõ hàng hóa y tế là hàng hóa đặc biệt, không xét chung với hàng hóa thông thường.
Đồng thời cần có chương đấu thầu riêng cho y tế và nên nêu rõ như thế nào là tình huống khẩn cấp trong y khoa để các nhà quản lý bệnh viện được mua sắm; cũng như có quy định rõ về gói bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, đặc biệt với hệ thống máy móc cao cấp khi việc bảo dưỡng chúng gần như độc quyền.
Ông Đinh Hữu Hào (phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định):
Cần có văn bản hậu kiểm rõ ràng
Vào thời điểm trước khi nghị quyết 30 và nghị định 07 ban hành, tiến trình các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế tại bệnh viện đều chậm. Các giấy phép lưu hành không được gia hạn nên hàng hóa không được giao cho bệnh viện. May mắn, máy móc và vật tư y tế của bệnh viện chúng tôi không thiếu nhiều và nặng nề nên chưa ảnh hưởng trực tiếp đến việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân của bệnh viện.
Điều bệnh viện còn băn khoăn và lo lắng nhất hiện nay là quy định khi chọn thầu chỉ cần một báo giá. Đến lúc hậu kiểm thì chúng tôi không biết giá thời điểm mua là cao hay thấp, đặc biệt là hàng độc quyền. Chẳng hạn nhà cung cấp nhập hàng độc quyền với giá thấp, nhưng khi bán lại cho chúng tôi lại với giá cao hơn rất nhiều. Nếu hậu kiểm xác định hàng hóa đã mua có giá cao rất nhiều lần thì rất khó cho bệnh viện.
Hiện hằng tuần Sở Y tế TP.HCM tổ chức họp lắng nghe các bệnh viện chia sẻ về việc áp dụng nghị quyết 30 và nghị định 07. Những khó khăn của các bệnh viện đã được sở nắm kịp thời. Tôi mong trong vòng vài tháng nữa sẽ có văn bản hậu kiểm máy móc, thiết bị y tế rõ ràng. Nhà cung cấp nào báo sai giá thì sẽ chịu trách nhiệm, còn các bệnh viện làm việc bình thường.
Ông Trần Văn Khanh (giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh):
Hiệu lực của nghị định 30 cần "bền vững"
May mắn vào thời điểm trước nghị quyết 30 và nghị định 07 của Chính phủ, máy móc và thiết bị y tế tại bệnh viện không thiếu nên chúng tôi không gặp khó khăn. Tôi rất phấn khởi khi nghị quyết 30 và nghị định 07 được ban hành, đã có hướng ra trong công tác mua sắm trang thiết bị y tế cho các bệnh viện.
Tuy nhiên, một trong những quy định khiến tôi còn băn khoăn là chỉ cần một báo giá và giao cho hội đồng khoa học công nghệ bệnh viện thực hiện. Do đó cần gắn thêm trách nhiệm của nhà cung cấp, nhất là những thiết bị và máy móc độc quyền, vì bệnh viện sẽ không biết giá ban đầu như thế nào. Với nghị định 30 cần "bền vững", hiện chỉ đang trong thời gian thí điểm và đến ngày 31-12-2023 là hết hiệu lực.
Chính phủ cần khẩn trương ban hành nghị định mới
Theo ThS Nguyễn Nhật Khanh - giảng viên khoa luật Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), việc Chính phủ ban hành nghị quyết số 30 - một văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi quy định về tham khảo giá thị trường khi xác định giá gói thầu trong các văn bản quy phạm pháp luật nói trên - là không bảo đảm hiệu lực pháp lý để triển khai thực hiện.
Để xử lý vấn đề này, ThS Khanh cho rằng trên tinh thần của nghị quyết số 30 vừa ban hành, Chính phủ cần khẩn trương ban hành nghị định mới để sửa đổi nghị định số 63. Tương tự, bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cần ban hành thông tư mới để sửa đổi điều 11 thông tư số 58 năm 2016. Có như vậy thì các cơ sở y tế mới có thể "an tâm" áp dụng các quy định này khi triển khai thực hiện công tác đấu thầu trong thực tế.
Còn vướng mắc, vẫn có thiết bị "trùm mền"
Sau thông tư 07 và nghị quyết 30, chúng tôi vẫn còn mắc kẹt một số thiết bị liên doanh liên kết (như máy chụp PET chẩn đoán mức độ di căn ung thư, thiết bị xạ phẫu, robot phẫu thuật, máy chụp cắt lát 256 dãy...) vẫn còn hoạt động tốt (nếu đầu tư mới phải cần hàng trăm tỉ đồng) hiện vẫn chưa đi vào hoạt động được.
Để giải quyết vấn đề này, trung tâm và bệnh viện đã phối hợp với đơn vị đặt máy xem xét đưa máy vào diện cho tặng, máy trở thành "sở hữu toàn dân" thay vì là thiết bị của công ty đặt tại bệnh viện, nhưng vì giá trị lớn nên đơn vị đặt máy khó chấp thuận.
Trung tâm ung bướu thuộc bệnh viện chúng tôi có 500 giường, 500 bệnh nhân ngoại trú và 2.000 bệnh nhân nội trú/ngày, hầu hết đều có nhu cầu sử dụng PET để đánh giá giai đoạn bệnh.
Với thiết bị xạ phẫu (dao gamma quay) để điều trị cho bệnh nhân có di căn/u ở não, trước đây trung bình mỗi tháng thực hiện 140 ca, 1 năm khoảng 1.500 ca. Mấy năm nay máy bị đóng băng nên bệnh nhân phải sử dụng phương pháp khác; nhiều ca khó không phương pháp nào can thiệp được, nhất là những khối u ở thân não, vị trí khó nếu sử dụng phương pháp khác nhưng phương pháp này lại có hiệu quả tốt.
Cho đến nay, những vướng mắc đã là 3 năm. Thông thường những tổn thương ở não tiên lượng rất xấu, nếu không giải quyết được sẽ rất khó khăn cho người bệnh.
Với các thiết bị hiện chưa đưa vào sử dụng lại được, chúng tôi rất mong có cơ quan chức năng kiểm định lại chất lượng (tại bệnh viện các kỹ sư cũng đã kiểm tra thường xuyên), đồng thời có hướng dẫn về sử dụng thiết bị liên kết, xã hội hóa tại bệnh viện công để đưa vào sử dụng lại các thiết bị tốt, giá trị cao. Không chỉ bệnh viện chúng tôi, có một số bệnh viện cũng đang gặp vướng mắc tương tự.
(một đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai) - LAN ANH ghi
Quy trình hiện bệnh viện đang thực hiện nếu có liên doanh thiết bị: khoa/phòng có nhu cầu về thiết bị có đề nghị; hội đồng khoa học của bệnh viện xem xét và đưa ra Đảng ủy bàn bạc; sau khi thống nhất, giao cho khoa/phòng lập đề án và bệnh viện thành lập hội đồng xét duyệt đề án.
Khi đã thống nhất đề án, bệnh viện đăng tải công khai để "mời thầu liên doanh", coi như tổ chức đấu thầu.
"Chúng tôi làm theo quy trình này và hiện các thiết bị liên doanh liên kết vẫn đang hoạt động bình thường, bảo hiểm y tế vẫn chi trả phí khám chữa bệnh liên quan thiết bị liên doanh, nhưng đúng là chưa có quy định cụ thể liên doanh liên kết nên mỗi bệnh viện làm một kiểu, rất dễ bị sai sót".
Vì vậy rất cần thêm chính sách để "giải quyết nốt" vấn đề máy liên doanh liên kết tại bệnh viện công. Đây là khoảng trống chính sách rất lớn hiện nay.
(đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận