01/02/2005 06:37 GMT+7

Giữa vùng bom đạn

ĐẶNG ĐẠI
ĐẶNG ĐẠI

TT - Căn cứ Trung ương Cục với gần 8.000 người thuộc trên 20 đơn vị chỉ cách Sài Gòn - nơi tập trung bộ máy chiến tranh lớn nhất của Mỹ ở vùng Đông Nam Á - chỉ 150km.

JlB3NIg2.jpgPhóng to
Đồng chí Võ Văn Kiệt và đồng chí Võ Chí Công về thăm nhà xưa (1994)
TT - Căn cứ Trung ương Cục với gần 8.000 người thuộc trên 20 đơn vị chỉ cách Sài Gòn - nơi tập trung bộ máy chiến tranh lớn nhất của Mỹ ở vùng Đông Nam Á - chỉ 150km.

Mái lá trung quân, tấm lòng ái quốc

Từ thị xã Tây Ninh đi theo quốc lộ 22B khoảng 60km là đến Rùm Đuôn, cơ quan đầu não kháng chiến, Trung ương Cục. Nơi đây cách biên giới Campuchia chừng 1km đường chim bay, cách cửa khẩu Xamát cũng chỉ khoảng 4km. Một vùng xanh ngát, um tùm những cây đại thụ và dưới tán rừng chi chít dây leo miền nhiệt đới.

Cô Tám Hoa (Phạm Thị Hoa), người cấp dưỡng của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Trung ương Cục, nhớ lại: “Mùa khô thì đỡ chứ mùa mưa đi trong những con đường mòn đầy lá mục, không cẩn thận là bị rắn chàm quạp mổ cho một phát là... tiêu đời! Rắn, rết ở đây rất nhiều”.

Thấp thoáng dưới những tán cây cổ thụ là nhà làm việc của các vị lãnh đạo nay đã được phục chế nguyên trạng. Ông Mười Ga, vị tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn... làm nhà, gõ tay bồm bộp vào những chiếc cột bêtông giả gỗ tinh xảo, gật gù: giống y chang hồi trước. Đó là những căn nhà làm nổi trên mặt đất. Điểm đặc biệt của những ngôi nhà ở đây là không có kèo, không lót đòn tay.

Đặc biệt nhất là mái lá trung quân. Đó là một loại lá giống lá xoài, dài hơn một tí. Lá được gấp lại, xỏ liên kết với nhau bằng lạt tre, đánh thành tấm lợp. Lá trung quân dai, bền, khó bị mục bởi mưa nắng và không bắt lửa. Bật hộp quẹt đốt chiếc lá khô thì nó cứ ngun ngún khói. “Vì thế bom Mỹ giỏi lắm chỉ làm sập nhà chứ không làm cháy mái” - ông Mười Ga cười khà khà.

Cạnh nhà là một hầm trú ẩn nửa chìm nửa nổi. Liên hoàn theo đó là hệ thống giao thông hào nối kết nhau thành mạng nhện. Năm 1994, trung ương cấp vốn cho tỉnh Tây Ninh phục chế được 1.253m giao thông hào, 1.370m đường nội bộ, 13 hầm chữ A và nhà làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung.

Những năm chiến tranh, quá nửa diện tích tỉnh Tây Ninh là chiến khu của quân kháng chiến: căn cứ Dương Minh Châu, căn cứ Rùm Đuôn, căn cứ Rừng Rong, căn cứ Bời Lời, địa đạo An Thới, địa đạo Lợi Thuận...

Nơi đây, ngoài căn cứ Trung ương Cục miền Nam của Đảng còn là nơi ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, căn cứ Ban An ninh Cục miền Nam, căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh...

Cả một quê hương đất thép anh hùng.

Ngày xưa căn cứ được hình thành ba vành đai bảo vệ. Lớp thứ nhất gồm những thân cây vạt nhọn cắm chi chít ngoài trảng trống để chống trực thăng đổ bộ. Lớp thứ hai bịt bùng những thân cây được cưa đổ nhưng vẫn xanh tươi - cách thức này gọi là “cò cây” (cây bị cưa vào khá sâu, đổ xuống nhưng chưa đứt hẳn nên vẫn tiếp tục sống). Lớp trong cùng có hai lớp rào cây bảo vệ xen kẽ. Từ trên nhìn xuống toàn bộ khu rừng - vì thế - vẫn xanh tươi nên máy bay dọ thám của địch... bị mù.

Đơn vị cảnh vệ đầu tiên được thành lập ở đây năm 1962, trung đội mang mật danh B27. Sau này B27 phát triển thành trung đoàn 180 do đồng chí Tám Lê Thanh (trung tướng Lê Thanh) làm trung đoàn trưởng. Nhiệm vụ của đơn vị là kiểm soát bảo vệ căn cứ, phòng ngự từ xa. ATK (an toàn khu) cũng được thành lập từ đây (1965) do đồng chí Hai Chiến (Huỳnh Thanh Mua), bí thư đảng ủy dân - chính - đảng, làm trưởng ban.

Trong ký ức của những người cách mạng, trận chiến ác liệt nhất - một mất một còn - giữa ta và địch trong những ngày ở Trung ương Cục là trận càn Junction City năm 1967. Đây là trận càn, hành quân qui mô nhất của quân đội Mỹ ở chiến trường miền Nam với mục tiêu “tìm diệt” cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam: huy động 45.000 quân với hàng trăm xe tăng và xe bọc thép, máy bay chiến đấu, pháo hạng nặng… hòng nhổ bật và tiêu diệt Trung ương Cục, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN, Đài phát thanh Giải phóng...

Qua 51 ngày đêm, cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh VN đã thất bại với số thương vong lên đến hàng kỷ lục: bị quân ta loại khỏi vòng chiến đấu trên 10.000 tên, phá hủy và tiêu diệt 2/3 số xe tăng, bắn rơi phân nửa số máy bay và dập câm phân nửa số họng pháo... Nhắc lại những ngày ấy, cô Tám Hoa rơi nước mắt: “Những ngày này gian khổ lắm. Anh em mình thương vong cũng nhiều...”.

Chị cấp dưỡng còn nhớ như in từng món ăn ưa thích của các đồng chí lãnh đạo: ông Ba Bụng (đồng chí Phạm Thái Bường) đi công tác về là phải có tô canh bí hầm dừa; ông Sáu Dân (đồng chí Võ Văn Kiệt) thì phải nhớ có tô canh khổ qua, rau đắng; ông Hai Văn (đồng chí Phan Văn Đáng) là canh chua nấu kiểu miền Nam nhưng lai Tàu một chút (phi chút tỏi để lên trên, cho nhiều đường)... Nước mắt cô Tám Hoa chảy dài vì thương nhớ: “Gian khổ thì gian khổ chứ mấy ổng sống trật tự, ngăn nắp, cái nào ra cái đó lắm...”.

Còn về lối sống giản dị của đại tướng Nguyễn Chí Thanh, có giai thoại kể lại rằng: Ngày đó ông cho triệu tập một cuộc họp ở địa điểm X. Đường đi dự họp qua nhiều con suối. Đến con suối nọ, ông đang tìm cách vượt qua thì một cán bộ có vẻ bệ vệ đứng trên bờ ngoắc lại - vì thấy ông nhỏ thó, lùi xùi - ra hiệu bảo... cõng ông ta qua suối vì ngại ướt giày dép. Đại tướng lẳng lặng ghé vai cõng “cán bộ” qua suối, thản nhiên nhận lời khen của “cán bộ” là “nhỏ con mà khỏe, sức như vậy là đánh giặc tốt”.

Sáng hôm sau, ông “cán bộ cách mạng” há hốc mồm, muốn té xỉu giữa phòng họp khi thấy “thằng lính” cõng mình hôm qua là đại tướng Võ Chí Thanh, chủ tọa cuộc họp.

Đội quân bí mật

PNweemDb.jpgPhóng to
Nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo được phục chế năm 1994 - Ảnh: N.C.T.
Người trẻ nhất từng sống, chiến đấu, phục vụ Trung ương Cục mà chúng tôi tìm gặp giờ đây cũng đã ngoài 60. Nhiều vị lãnh đạo hoặc cao tuổi hoặc bệnh tật, chúng tôi khó lòng gặp được. Hôm 28-1, chuẩn bị về gặp mặt 29-1-2005 ở căn cứ Trung ương Cục, nhiều người đã gặp nhau mừng mừng tủi tủi...

Cô Trần Thị Thu Lan (bí danh Thu Lan, tên thật là Trần Thị Nga) bỏ nhà ở Bến Tre, theo cách mạng từ năm 17 tuổi. Cô làm công tác hậu cần, phục vụ văn phòng, làm y tá và viết bạch (viết tài liệu mật, chỉ thị, chỉ đạo bằng hóa chất vào giấy, không đọc được trực tiếp bằng mắt thường). Chú Hai Bình theo cách mạng từ năm 14 tuổi.

14 tuổi cô bé Hoa đã làm giao liên cho cơ sở cách mạng ở sóc Pasé, tỉnh Karachê (Campuchia). Bị lộ, cô được đưa về Kompong Cham. Năm 1962, lại bị lộ, cô về km số 2 làm thợ may. “Hồi đó có một người thương tui là anh Bé. Tui cũng thương nhưng rồi miền Nam gọi, tui trốn đi luôn. Sau này gặp lại, ổng trách: đi mà hổng nói, để ổng chờ...”.

12 năm đánh Mỹ, tám năm cô Tám Hoa được giao làm cấp dưỡng, nấu cơm cho các vị lãnh đạo. Đó là một vị trí tin cẩn. Cô rất tự hào về điều đó. Nhờ vậy mà cô được đích thân ông Phan Văn Đáng (Hai Văn) làm chủ hôn, gả cho đồng chí Trường Giang, cận vệ của ông. Năm 1967, hai vợ chồng sinh được đứa con đầu lòng.

Cũng năm này giặc mở trận càn Junction City, hai vợ chồng cô đành gạt nước mắt, gửi đứa con sáu tháng tuổi về Campuchia (phía ngoại) để lo việc chống càn. 51 ngày đêm ác liệt, giặc rút cũng là lúc bà mẹ trẻ nghe tin đau xé lòng: đứa con trai của mình đã mất do bị bệnh mà không có người chăm sóc...

Ác liệt dưới đạn bom là thế nhưng chiến đấu thì vẫn chiến đấu, yêu thì... vẫn yêu, mặc dù rất “tổ chức”. Cặp Hai Đuông- Phan Thị Mỹ Hạnh là một ví dụ. Cô là dân Cao Lãnh, Đồng Tháp, theo cách mạng từ năm 12 tuổi. Ở R cô Mỹ Hạnh làm ở đơn vị cơ yếu, bộ phận mã dịch. Đây là bộ phận quan trọng, tiếp nhận các thông tin chỉ đạo quan trọng từ Hà Nội qua đường điện mật.

Chú Hai Đuông cũng làm cơ yếu, đóng ở khu 6 (Lâm Đồng). Năm 1972, hai người gặp nhau trong một lớp học và đem lòng yêu nhau. Họ báo cáo tổ chức, sau đó... ai về chiến trường nấy. Năm 1973, trước ngày Hiệp định Paris có hiệu lực một ngày, cô bị thương trong một trận B52 rải thảm, nằm viện chiến trường hết một năm: “Thuốc men thiếu thốn kinh khủng.

Ca mổ cắt nối động mạch của tôi kéo dài 4 tiếng rưỡi đồng hồ, nửa chừng thuốc gây mê hết tác dụng, nghe dao kéo kêu loảng xoảng nghĩ chắc mình không thể nào còn sống...”. Mùa xuân 1975, chiến thắng trở về, cô chú... tức tốc làm đám cưới như lời thề trước đó: giặc tan thì sẽ thành đôi. Giờ đây cô là phó văn phòng Tỉnh ủy Tây Ninh, chú là bí thư Đảng ủy dân - chính của tỉnh.

--------------

Tin, bài liên quan:

* Bài 1: Cơ quan đầu não… di động

ĐẶNG ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên