05/02/2020 10:50 GMT+7

Giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia 2020

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - PGS.TS Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, chia sẻ với Tuổi Trẻ về kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Trong đó nhấn mạnh việc giữ ổn định, giảm căng thẳng nhưng đảm bảo nghiêm túc, khách quan.

Giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia 2020 - Ảnh 1.

Cô Đặng Thanh Mai (giáo viên môn hóa Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM) giảng bài trực tuyến cho học sinh lớp 12 sáng 4-2 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông Mai Văn Trinh cho biết:

- Phương thức thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Việc tổ chức thi tuân thủ các nguyên tắc: không gây xáo trộn đối với việc dạy học của giáo viên, học sinh lớp 12, tổ chức gọn nhẹ, hạn chế tốn kém, căng thẳng cho xã hội, đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, đảm bảo kết quả thi tin cậy để sử dụng vào các mục đích xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh.

Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa tiêu cực thi ở tất cả các khâu của kỳ thi, đặc biệt là khâu coi thi, chấm thi...

Mục đích và yêu cầu của kỳ thi nhằm đánh giá được kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Đồng thời với việc sử dụng kết quả để công nhận tốt nghiệp THPT, kỳ thi cũng tác động tích cực trở lại đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường. 

Ngoài ra, đề thi bảo đảm có độ phân hóa phù hợp để cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì. Đối với việc chấm bài thi tự luận do sở GD-ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn việc chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi.

bogddt3

Ông Mai Văn Trinh


* Đây là năm cuối cùng của giai đoạn đổi mới thi, tuyển sinh 2015-2020 trước khi có những đổi mới mạnh mẽ về thi cử phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Phương án thi THPT quốc gia năm 2020 có những điều chỉnh gì nhằm tiệm cận với giai đoạn đổi mới sắp tới?

- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn nằm trong lộ trình đổi mới đánh giá học sinh, theo đánh giá năng lực người học.

Đề thi THPT quốc gia nằm trong nội dung chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Tuy nhiên, trong các năm qua, Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh về phương thức thi, nội dung thi, trong đó chú trọng đến cách tiếp cận với định hướng đánh giá năng lực, phẩm chất người học, gắn kiến thức với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn, khuyến khích học sinh có suy nghĩ độc lập, sáng tạo.

Việc chuẩn hóa câu hỏi thi trong kỳ thi THPT quốc gia với các bài thi hướng dần tới việc đánh giá toàn diện học sinh cũng phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Ngày càng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, trên cơ sở tham khảo các mô hình tổ chức thi của các tổ chức khảo thí quốc tế có uy tín, từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.

* Để đảm bảo mục tiêu kỳ thi nghiêm túc khách quan, Bộ GD-ĐT chú trọng những giải pháp gì nhằm tiếp tục ngăn chặn gian lận thi cử có thể xảy ra?

- Sau mỗi kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đều có đánh giá nghiêm túc việc thực hiện, phân tích những ưu điểm, hạn chế, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt kỳ thi năm sau. Trong đó có các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 về cơ bản đã khắc phục được những điểm bất cập từng xảy ra trong năm 2018. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 tiếp tục duy trì các giải pháp đã phát huy hiệu quả.

Bộ GD-ĐT tiếp tục giao nhiệm vụ cho các trường ĐH và các cơ sở đào tạo giáo viên trong việc tham gia, phối hợp với địa phương để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Quy trình bảo quản, bàn giao đề thi, bài thi trong quá trình coi thi, chấm thi được quy định chặt chẽ, quy trách nhiệm rõ ràng. Trường ĐH tiếp tục được giao chủ trì chấm các bài thi trắc nghiệm.

Đặc biệt, những giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giám sát, đảm bảo tính bảo mật, nghiêm túc của các khâu trong kỳ thi tiếp tục được áp dụng.

Đề thi chủ yếu chương trình lớp 12

Nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và đồng thời tỉ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT là 70% (30% còn lại là điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh) để đảm bảo mục tiêu, ý nghĩa của kỳ thi THPT quốc gia.

Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, các thí sinh tự do, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên phải thi chung điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT. Tại mỗi điểm thi, số thí sinh là học sinh lớp 12 phải chiếm ít nhất 60%. Thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi, lưu trữ, bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, hội đồng thi và tại địa điểm chấm thi.

Thi THPT quốc gia 2019: Phổ điểm phù hợp với yêu cầu của kỳ thi Thi THPT quốc gia 2019: Phổ điểm phù hợp với yêu cầu của kỳ thi

TTO - TS Sái Công Hồng - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - đã khẳng định điều này khi phân tích phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2019.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên