30/01/2020 14:14 GMT+7

Thi THPT quốc gia 2020: Lưu ý gì để đạt kết quả tốt?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - TS SÁI CÔNG HỒNG, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, người có nhiều năm trực tiếp tham gia chỉ đạo thi THPT quốc gia, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về định hướng ôn tập cho học sinh chuẩn bị mùa thi năm nay.

Thi THPT quốc gia 2020: Lưu ý gì để đạt kết quả tốt? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: CHÍ TUỆ

TS Sái Công Hồng nói:

- Tới thời điểm này, các thí sinh tham gia thi THPT quốc gia 2020 nên tự rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình THPT, tập trung chủ yếu vào nội dung chương trình lớp 12. 

Các em nên xây dựng kế hoạch ôn tập với các chuỗi kiến thức được sắp xếp theo chủ đề, bám sát chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11 nhằm trợ giúp để nắm vững kiến thức cơ bản lớp 12. 

Việc ôn tập các chủ đề có thể hệ thống hóa qua các mô hình, sơ đồ để có tính xâu chuỗi các mạch kiến thức với nhau để dễ hình dung, bao quát.

*Năm nay, Bộ GD-ĐT không ban hành đề thi tham khảo. Vậy những tài liệu nào thí sinh có thể tham khảo để hình dung cấu trúc đề thi và ôn tập?

- Theo thông báo từ Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được giữ ổn định như năm 2019. Do đó tài liệu để các thí sinh dự thi năm nay tham khảo tốt nhất là đề thi chính thức của kỳ thi THPT năm 2019 và đề thi tham khảo năm 2019 đã được Bộ GD-ĐT công bố năm 2019. 

Tuy nhiên, đó chỉ là những định hướng cho các em ôn tập theo định dạng và cấu trúc đề thi. Còn nội dung kiến thức có thể rộng hơn so với các tài liệu tham khảo này.

Phân tích từ các tài liệu tham khảo trên thì thấy rõ phần lớn các câu hỏi trong đề là kiến thức cơ bản chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12, có một phần nhỏ kiến thức của nội dung chương trình lớp 11.

Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn thi đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó của các câu hỏi và được xếp lần lượt từ dễ đến khó. Càng về cuối mỗi đề thi là các câu hỏi có tính chất phân loại ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao.

Trong đó có một số câu hỏi kiểm tra việc vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Nhóm các câu hỏi này mục đích để phân loại các thí sinh có năng lực cao.

Với cấu trúc đề thi như vậy, đảm bảo mục đích đánh giá hoàn thành chương trình THPT và có tính phân hóa, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng kết quả để tuyển sinh nếu cần.

Thi THPT quốc gia 2020: Lưu ý gì để đạt kết quả tốt? - Ảnh 2.

TS Sái Công Hồng chia sẻ kinh nghiệm thí sinh nên làm bài tuần tự từ trên xuống vì độ khó của các nhóm câu hỏi sẽ tăng dần - Ảnh: NAM TRẦN

*Với những phân tích dựa trên đề thi tham khảo và đề thi chính thức trong kỳ thi năm 2019, theo ông, thí sinh cần lưu ý những gì để đạt kết quả thi tốt?

- Trước hết các em phải nắm thật chắc kiến thức cơ bản. Vì những câu hỏi thuộc nhóm kiến thức cơ bản sẽ chiếm tỉ lệ điểm cao trong bài thi. Khi làm bài, các em nên làm tuần tự từ trên xuống, vì độ khó của nhóm các câu hỏi sẽ tăng dần. Nếu các em sa đà vào những câu hỏi khó, sẽ dễ rơi vào hoang mang, lo lắng, mất kiểm soát về thời gian làm bài thi.

*Theo phương án thi THPT quốc gia năm nay, có 4/5 bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Theo ông, thí sinh cần lưu ý gì khi làm bài thi trắc nghiệm?

- Khi làm bài thi trắc nghiệm, trước hết thí sinh phải đọc kỹ lời dẫn trong các câu hỏi, gạch chân các từ khóa của lời dẫn để xác định rõ yêu cầu, tránh nhầm lẫn. Đặc biệt là phải lưu ý những dạng câu hỏi mà lời dẫn ở thể phủ định. Thí sinh nên nghiên cứu kỹ yêu cầu của từng câu hỏi để tính toán, lập luận, phân tích 4 lựa chọn để tìm phương án đúng.

Trong 4 lựa chọn, chỉ có 1 phương án duy nhất đúng. Các phương án còn lại là các phương án nhiễu. Các phương án nhiễu được xây dựng trên cơ sở có liên quan đến nội dung lời dẫn của câu hỏi nên có thể làm cho thí sinh nhầm lẫn nếu không tỉnh táo, đọc kỹ câu hỏi mà chọn bừa.

Trong quá trình làm bài cần đánh dấu vào các câu hỏi chưa làm được để sau khi làm xong các câu hỏi khác dễ dàng quay lại làm tiếp các câu hỏi chưa làm, tránh bỏ sót các câu hỏi và tránh nhầm lẫn đáng tiếc đáp án của các câu hỏi với nhau trong quá trình tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm khi làm bài thi.

TS Sái Công Hồng

Không nên thi thử quá nhiều

*Nhiều trường chỉ tập trung cho học sinh kiểm tra, thi thử theo phương thức trắc nghiệm để quen với cách thi THPT quốc gia. Ông có nhận xét gì về cách định hướng ôn tập này?

- Thi thử cũng cần để học sinh làm quen với cấu trúc đề, cách thức thi, rèn luyện về tâm lý thi cử cho các em. Đặc biệt là hình thành cho các em kinh nghiệm trong việc kiểm soát, làm chủ thời gian trong mỗi bài thi, rèn luyện khả năng tập trung cao độ trong một khoảng thời gian dài.

Kết quả thi thử hay các bài kiểm tra gần với cách thức thi THPT quốc gia giúp học sinh tự đánh giá được việc nắm kiến thức trong chương trình của mình, biết chỗ nào còn yếu, còn bị hổng để có kế hoạch ôn tập.

Tuy nhiên, không nên lao vào thi thử quá nhiều vì cần có thời gian ôn tập để có thể nâng cao được năng lực sau mỗi lần thi thử. Đối với các trường tổ chức thi thử cho học sinh cần lưu ý khi xây dựng đề thi thử phải thực hiện đúng chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình đã được ban hành và đặc biệt cần đảm bảo tính chính xác của nội dung kiến thức và các cấp độ của mỗi câu hỏi.

Việc ra đề thi thử không đảm bảo chính xác về nội dung kiến thức, không theo chuẩn kiến thức kỹ năng, quá dễ hay quá khó đều có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của thí sinh.

Thi THPT quốc gia 2020: Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa Thi THPT quốc gia 2020: Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa

TTO - Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, Bộ này sẽ không công bố đề thi minh họa cho kì thi THPT quốc gia năm 2020.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên