28/11/2023 11:16 GMT+7

Giữ hình ảnh đẹp trong mắt du khách

Một tài xế taxi đã sửng cồ với người nước ngoài khi bị nhắc nhở xả rác. Anh này nổi nóng cho rằng vứt rác thì liên quan gì tới du khách kia!

Khách du lịch nước ngoài tham quan trung tâm TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Khách du lịch nước ngoài tham quan trung tâm TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Chỉ với hành động và phát ngôn này của người tài xế taxi nọ, hình ảnh người Việt trong mắt người nước ngoài đã "giảm điểm" tới mức nào?

"Chặt chém" du khách, xả rác bừa bãi, mở loa hết công suất tại các điểm du lịch, hút thuốc lá ở nơi công cộng, chen đường cả với xe đám tang, vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông, khạc nhổ bừa bãi... cũng là muôn hình vạn trạng những tật xấu lâu năm không bỏ. Sẽ có người nói rằng London, Paris cũng có rác. 

Xin thưa, rác thì ở đâu cũng có, song quan trọng là ý thức cách dọn và xử lý rác như thế nào. Cứ nhìn sân vận động ở Nhật Bản và Việt Nam sau mỗi trận đá banh sẽ chẳng cần phải nói gì nữa.

Để có một cộng đồng dân tộc với ý thức trách nhiệm như người Nhật Bản, người Singapore, các quốc gia này đã trải qua nhiều năm bền bỉ, chắt chiu, nâng niu từng hành động đẹp cùng với mạnh tay xử lý các hành vi xấu xí, vi phạm. Dù ở đâu, làm gì họ cũng luôn luôn nghĩ về lợi ích quốc gia, giữ gìn hình ảnh của đất nước.

Trong tác phẩm "Tự phán" cụ Phan Bội Châu có kể lại câu chuyện năm 1905, cụ cùng bạn mình đến Tokyo để tìm một người bạn.

Khi xuống tàu hỏa, Phan Bội Châu gọi một người phu xe Nhật và đưa cho anh tấm danh thiếp nhờ tìm địa chỉ. Người phu xe đưa các vị khách Việt Nam tới địa chỉ đó nhưng người các cụ cần tìm đã chuyển địa điểm. Người phu xe Nhật Bản đã đi tìm đến 5 giờ chiều và đưa các cụ tới.

Khi thanh toán tiền, cụ Phan Bội Châu muốn trả thêm nhưng người phu xe kiên quyết từ chối với lý do: "Theo quy luật Nội vụ sảnh (tức quy định của chính phủ) đã định thì từ ga Đông Kinh (tức Tokyo) đến nhà này, giá xe chỉ có ngần ấy, vả lại các người là người ngoại quốc, yêu mến văn minh nước Nhật Bản mà đến; vậy ta nên hoan nghênh các người, chứ không phải hoan nghênh tiền đâu. Bây giờ các người cho tôi tiền xe quá lệ, thế là khinh bạc người Nhật Bản đó".

Trăm năm sau, một người Nhật Bản sang Việt Nam thăm con trai làm việc ở TP.HCM đã bị một người đạp xích lô "chặt chém" 2,9 triệu đồng cho quãng đường 1,5km. Vụ việc sau đó đã được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết êm đẹp, và cụ ông Nhật Bản rất vui và hài lòng. Khi trả lời báo chí Việt Nam cụ Oki lại nhận lỗi về mình với lý do "trước khi ngồi lên xe đã không hỏi giá".

Hai câu chuyện, hai cách ứng xử và chuyện tử tế sau trăm năm nhắc sự quan tâm sự tử tế... Năm 1987, bộ phim "Chuyện tử tế" của đạo diễn Trần Văn Thủy đã mở đầu bằng đoạn lời thoại: "Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó...".

Một bài học của học sinh lớp 4 ngày xưa có câu: "Con nên nhớ rằng chỉ liếc mắt trông qua cử chỉ của dân chúng ngoài đường là người ta có thể xét được trình độ giáo dục của cả một dân tộc". Mong mỗi người Việt Nam cho dù làm nghề gì giữ hình ảnh đất nước trong mắt du khách.
Tài xế taxi sửng cồ với người nước ngoài khi bị nhắc nhở xả rác: Cần phạt nặng, tài xế phải xin lỗiTài xế taxi sửng cồ với người nước ngoài khi bị nhắc nhở xả rác: Cần phạt nặng, tài xế phải xin lỗi

Bạn đọc lên tiếng chỉ trích một tài xế của Hãng taxi Vinasun ở TP.HCM có phản ứng gay gắt khi được một người nước ngoài nhắc nhở vì vứt rác bừa bãi nơi công cộng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên