Không quá khó thấy những hình ảnh... hết hồn khi phụ huynh chở trẻ nhỏ đi xe máy trên đường. Cha mẹ chở hai con đến trường, cả hai không đội mũ bảo hiểm, thường gặp với trẻ độ tuổi tiểu học. Nhiều phụ huynh tỉnh bơ khi leo lề, đi ngược chiều, lái xe chở con một tay, tay kia cầm điện thoại đang có cuộc gọi.
Bạn nghĩ sao khi thấy xe máy chở 3-4 trẻ?
Một số phụ huynh chở đến 3-4 đứa trẻ, có khi đến 2 bé ngồi phía trước. Có khi trẻ 5-7 tuổi đứng hẳn phía trước thay vì ngồi, lại có khi trẻ ngồi phía sau đang lim dim, ngoẹo cổ (không có đai an toàn).
Tình cảnh trẻ ngủ gục trên xe máy vẫn thường thấy trên đường về quê đón Tết mỗi năm. Đôi vợ chồng và hai đứa con cùng lỉnh kỉnh đồ đạc treo móc trước sau... Nhìn ai cũng mệt phờ, tôi thầm nghĩ vì sao phụ huynh không chọn cách khác (như đi xe khách) để giữ an toàn cho gia đình mình, nhất là con trẻ.
Ngày thường trên khắp phố phường vẫn thấy cảnh phụ huynh chở 2 con tuổi trên 10 đi học. Lại có những em bé rất nhỏ (1-2 tuổi) được mẹ xốc nách ngồi một bên đùi mẹ ở phía sau, phía trước là anh chị lớn 7-8 tuổi đầu nhô cao ngang người lái xe. Mọi việc vẫn "không có sao", không ai bị phạt nhưng đừng quên chở con cũng phải đúng luật.
Và luật quy định điều gì trước tiên vì sự an toàn của con người và xã hội. Cũng không ai mong có ngày bị phạt nặng rồi mới thụ động thay đổi, nhất là khi mức phạt hiện hành đã tăng hàng chục lần so với trước.
Những hành vi có thể bị phạt nặng theo nghị định 168 thật ra đã có quy định trong các văn bản pháp luật trước đây. Chỉ là nhiều người chưa chú ý bởi chưa bị phạt hoặc mức phạt chưa đủ sức răn đe. Sự thay đổi cần có không phải vì sợ phạt mà phải vì an toàn của "cục cưng" trong nhà mình.
Mong trật tự giao thông mới
Ngoài chuyện chở nhiều trẻ, không ít xe máy thường mắc lỗi dàn hàng ngang hơn 2 xe, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, chở đồ đạc quá khổ, nói chuyện điện thoại khi lái xe, dừng xe đột ngột trên đường (không bật đèn báo trước)... Tất cả những hành vi này đều có thể bị phạt, đây là chuyện không mới, nhiều người biết nhưng vẫn rất chủ quan, chưa tuân thủ.
Có những lỗi do thói quen lâu năm chưa sửa nhưng không ít hành vi vi phạm kiểu thách thức pháp luật và cơ quan chức năng. Trong nghị định 168, tôi đặc biệt chú ý mức phạt (kèm tịch thu phương tiện) với người buông cả hai tay khi lái xe, dùng chân điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe, điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh, lạng lách, đánh võng tái phạm nhiều lần.
Quy định này nếu được thực thi nghiêm và làm mạnh sẽ có thể giảm bớt sự ngông cuồng của các tay đua xe.
Kiểu vi phạm gây bất bình vẫn thường thấy trên đường là xe máy phóng "bán mạng" trên làn đường dành cho ô tô hoặc ô tô chen vào làn xe máy ở những nơi có phân chia làn bằng dải phân cách cứng trên đường đô thị. Ra ngoại ô, về tỉnh lại gặp cảnh phơi nông sản, bày tiệc ra đường quốc lộ, tỉnh lộ. Tai nạn thương tâm từ chuyện lấn chiếm đường kiểu này không phải hiếm nhưng nơi nơi người người vẫn vô tư vi phạm.
Đủ các kiểu vi phạm giao thông tái diễn lâu năm đến mức cái sai thành bình thường. Chấp nhận những cái sai này đã là chuyện bất thường hàng chục năm qua. Mong rằng với quy định mới sẽ có biến chuyển mới và trật tự giao thông mới.
Thương con, chọn cách an toàn cho con
Một ngày đi làm (từ Tân Bình đến Bình Thạnh, TP.HCM) tôi chứng kiến tai nạn đau lòng. Người mẹ tuổi trung niên chở hai con (lớp 7 và lớp 8) đến trường, xe đến ngã tư, chẳng may chị đảo tay lái, xe chị ngã, đứa con trai nhỏ kẹt dưới bánh xe buýt phía sau trờ tới, hộp cơm là phần ăn sáng con chưa kịp ăn đổ tung trên đường.
Thật xót xa, hai đứa trẻ đã cao to bằng mẹ và chở cùng lúc hai đứa con có lẽ cũng khó với chị khi gặp sự cố bất ngờ trên đường.
Tôi ước gì mọi đứa trẻ đều an toàn tuyệt đối trên xe của bố mẹ, nhất là trên đường con đến trường hằng ngày. Năm hết Tết đến, mong giảm thiểu những hình ảnh cha mẹ con cái bốn người cùng lên một chiếc xe. Nên có sự chọn lựa an toàn nhất cho con mỗi ngày, đó là thương con đúng cách và đúng luật, là trách nhiệm của người lớn với con trẻ.
Tạo thuận lợi cho công dân tuân thủ pháp luật
Từ khi nghị định 168 có hiệu lực, tình hình giao thông tại nhiều địa phương đã đi vào nề nếp và trật tự hơn. Ý thức chấp hành luật pháp được nâng cao, đồng thời cũng khẳng định hiệu quả của việc tăng mức xử phạt.
Một trong những vấn đề cần giải quyết là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Rất nhiều trường hợp vi phạm xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về luật pháp hoặc những thói quen xấu được hình thành từ lâu trong văn hóa giao thông. Tập trung vào xử phạt phải đi kèm biện pháp tuyên truyền để có hiệu quả bền vững.
Đồng thời cần đảm bảo rằng các cơ sở hạ tầng giao thông, như hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, đường sá… luôn được duy trì và cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tuân thủ luật pháp.
Nhìn xa hơn, nếu tinh thần của nghị định 168 được lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như quản lý đô thị, bảo vệ môi trường hay cải cách hành chính, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một xã hội trật tự và an toàn hơn.
Điều đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, sự đồng lòng của người dân và sự cam kết thực hiện nghiêm túc từ các cấp. Với quyết tâm cao, những giá trị mà nghị định 168 mang lại sẽ không chỉ dừng lại ở việc giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn góp phần xây dựng một đất nước phát triển và văn minh hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận