31/10/2015 18:28 GMT+7

Đọc 347817 thành “ba bốn bữa té một bữa”, nên thống nhất ngôn ngữ?

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Tham gia diễn đàn Chương trình thời sự VTV nên nói giọng Hà Nội, Huế, Quảng hay Sài Gòn?, bạn đọc Trần Tình đã có những liệt kê đa dạng về giọng nói khác nhau của các vùng miền VN.

BTV Việt Phong - MC nam nói giọng miền Nam đầu tiên xuất hiện trên chương trình thời sự của VTV - Ảnh chụp màn hình

Đóng góp cho diễn đàn này, bạn đọc Trần Tình đề nghị các nhà khoa học cần nghiên cứu làm rõ vấn đề này bởi đó không chỉ có ngôn ngữ, giọng nói đơn thuần mà có thể nảy sinh nhiều thứ khác.

Để có thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online giới thiệu nguyên văn bài viết này.

“Tôi đề nghị các nhà khoa học làm rõ là tại sao người VN ta vốn cùng một nguồn gốc mà lại có giọng nói khác nhau. Chắc chắn rằng cách đây hàng ngàn năm, thì tổ tiên người Kinh - VN chỉ dùng chung một thứ tiếng, một giọng nói. Vậy vì sao khi lãnh thổ càng được mở mang dần về phía Nam thì gọng nói của người Việt lại khác với giọng nói gốc.

Cần nghiên cứu vấn đề này vì không chỉ có ngôn ngữ, giọng nói đơn thuần mà có nhiều kẻ lợi dụng chuyện này để chia rẽ vùng miền bằng cách chê bai phong tục tập quán, khẩu vị... của một vùng miền nào đó, rất ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc.

Riêng tôi thì thấy rằng sẽ chán ngấy và nhạt nhẽo biết bao nếu cả nước chỉ có một giọng nói giống nhau và nhiều thứ khác... giống nhau nữa, vì khi đó, tính đa dạng văn hóa sẽ mất đi. 
TRẦN TÌNH

Tuy cổ vũ cho sự đa dạng nhưng cần phải thống nhất, trước hết là về ngôn ngữ.

Giọng Hà Nội đẹp, sang trọng nhưng phát âm sai vần S thành X; vần R thành vần D; TR thành CH. Theo tôi, nếu sửa được chỗ này thì giọng Hà Nội có thể dùng làm chuẩn cho tiếng Việt. Các vùng miền khác cũng phải sửa lại cách phát âm một số từ. Ví dụ như một số vùng phía bắc thì vần L và N thường đổi vị trí cho nhau khiến người nghe vừa buồn cười, vừa khó chịu.

Miền Trung, từ Thanh Hóa trở vào phát âm không còn dấu ngã. "Mỡ" hoặc "mở" thì cũng chỉ là "mở" mà thôi.

Đến Nghệ An thì còn “phát triển” hơn nữa khi dấu hỏi và dấu nặng nói thành dấu nặng. Càng vào sâu Khu 5 thì phát âm càng xa với âm gốc. Số ĐT là 347817 mà đọc là “ba bốn bữa té một bữa” thì chỉ có cười lăn.

Miền Nam nói dễ nghe hơn nhưng cũng còn phải sửa nhiều. Ví dụ năm âm là việt, việc, diệc, diệt, giệc thì “gom” lại chỉ còn một âm là “giệc”. Chữ hầu như được thay bằng chữ D hoặc G, ngoài ra “bơi” thì gọi là “lội”.

Đến Bến Lức (Long An) mà nghe mấy má nói lấy cái “chén mủ” mà ăn thì người nơi khác không khỏi bối rối. Hóa ra “chén mủ” là cái bát làm bằng nhựa. Lại một số người phát âm không chuẩn như doanh nghiệp thì nói thành dăn (danh) nghiệp. Chuyên nghiệp lại nói là “chiêng nghiệp”. Hiệp ước Vaxava thì nói thành hiệp ước “Dácxada”.

Ngoài ra còn tệ sính nói và viết chữ ngoại - nhất là ở miền Bắc.

Đến chùa Bái Đính nếu không có mấy chị bán băng đĩa dạo thì chẳng ai biết mấy chữ Hán ở ngôi chùa lớn và trang trọng là chữ Tam Thế Phật, vì ở đây họ “chơi” toàn chữ Hán. 

Cuối cùng, là khi lên một diễn đàn như loại này thì ai cũng có xu hướng “bênh” cho tiếng của vùng mình là chuẩn hơn các vùng khác. Điều đó là bình thường nếu không lợi dụng để khích bác. Chúng ta đang nói về văn hóa thì không nên có thái độ thiếu văn hóa”. (TRẦN TÌNH) 

Là người xem đài, theo bạn, chương trình thời sự Đài truyền hình quốc gia VN nên nói giọng Hà Nội, Huế, Quảng hay Sài Gòn? Giọng miền nào nên là chuẩn cho VTV? Bạn có đồng ý với quan điểm của bạn đọc Trần Tình? Thân mời bạn chia sẻ ý kiến của mình thông qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc e-mail: tto@tuoitre.com.vn 

 

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên