Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng - phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng) - nhận xét:
Hiện nay một bộ phận lớn thế hệ trẻ ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận... với nhiều trang, nhiều tập; gần như không quan tâm đến các thể loại văn học như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dịch... và những loại hình văn hóa, nghệ thuật có tác dụng giáo dục tư tưởng, lý tưởng, thẩm mỹ mà chủ yếu đọc các loại truyện tranh nội dung đơn giản, thậm chí thiếu lành mạnh.
“Đáng lo ngại là một bộ phận giới trẻ băn khoăn không biết đọc sách để làm gì, vì họ không thấy tác dụng, ảnh hưởng gì của sách mang lại”, bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, một cuộc điều tra của Trung tâm Văn hóa trẻ em trên quy mô cả nước đã có kết quả khá bất ngờ. Trong tổng chi phí của gia đình cho trẻ em/tháng, số tiền dành cho việc mua sách báo chỉ chiếm 2%, thậm chí có bậc phụ huynh trả lời rằng “không có tiền dành để mua sách”, hoặc “không có thói quen đọc sách”.
Ông Phạm Thế Khang - chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam - cho biết đã 10 năm trôi qua nhưng mục tiêu “thống nhất, chuẩn hóa, chia sẻ, hội nhập” của thư viện chưa trở thành hiện thực.
Theo ông Khang, là ngành khoa học, thư viện Việt Nam không thực hiện “chuẩn hóa” thì coi như một đội quân thiếu kỷ luật và tất nhiên chưa có sự thống nhất chặt chẽ về tổ chức và hành động.
Cũng nêu ra vấn đề lo ngại vì việc chậm đổi mới trong vấn đề quản lý thư viện, ông Khang nói hiện nước ta chưa có định hướng hình thức về việc áp dụng một số chuẩn nghiệp vụ khác trong lĩnh vực biên mục của thư viện.
Nhiều đại biểu lo ngại hệ thống thư viện ở nhiều địa phương không được duy trì, nếu có thì cũng rất nghèo nàn. Nguồn sách chủ yếu là do sự tài trợ của trung ương, của nhà xuất bản hay sự quyên góp của cá nhân. Các thư viện chưa thay đổi cách thức hoạt động vì đến nay vẫn chưa thật sự được tự chủ về tài chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận