16/03/2016 10:10 GMT+7

Giới trẻ có quan tâm đến thời cuộc?

MINH TIẾN và nhóm khảo sát
MINH TIẾN và nhóm khảo sát

TT - Trong Tháng thanh niên 2016, Nhịp sống trẻ làm một khảo sát với 300 bạn trẻ thuộc nhiều ngành, nghề khác nhau.

Các bạn trẻ đang rất quan tâm đến cơ hội lập thân, lập nghiệp. Trong ảnh: bạn trẻ TP.HCM tìm kiếm nhà đầu tư cho ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp trong dự án
Các bạn trẻ đang rất quan tâm đến cơ hội lập thân, lập nghiệp. Trong ảnh: bạn trẻ TP.HCM tìm kiếm nhà đầu tư cho ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp trong dự án "Mỗi doanh nhân - một người thầy" do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM khởi xướng - Ảnh: Q.Linh

Họ là công nhân, học sinh, sinh viên, nhân viên, doanh nhân... tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ và các khu vực ngoại thành, nông thôn.

Cuộc khảo sát tìm câu trả lời cho câu hỏi: giới trẻ có quan tâm đến thời cuộc?

Kết quả từ 279 phiếu khảo sát hợp lệ được thu thập, tuy chưa nhiều nhưng có thể gợi mở thêm cho chính các bạn trẻ và các ban ngành liên quan, đặc biệt là tổ chức Đoàn các cấp nếu được tiếp cận và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về các vấn đề quan tâm của giới trẻ.

Việc thiết thân: cơ hội học tập, phát triển nghề nghiệp

Kết quả khảo sát cho thấy điều hiện đang được giới trẻ quan tâm nhiều nhất là “các cơ hội học tập, phát triển nghề nghiệp của bản thân” với 72,8%.

Đây là điều rất bình thường, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tình trạng thiếu hụt việc làm đang là một thách thức đối với các bạn trẻ.

Sự quan tâm đứng vị trí thứ hai là “những vấn nạn chưa được giải quyết của xã hội” với 61,3% bạn trẻ chọn. Kết quả này cho thấy các bạn trẻ không thờ ơ với những vấn đề xã hội đang đối diện như tình trạng tội phạm, thất nghiệp, nghèo đói... trong xã hội. Những vấn nạn này đang diễn ra và đang là những điều tác động trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của mỗi người, trong đó có các bạn trẻ.

Với giới trẻ nông thôn/ngoại thành, kết quả cho thấy có gần 80% số giới trẻ nông thôn/ngoại thành cho biết họ quan tâm đến “các cơ hội học tập, phát triển nghề nghiệp của bản thân”. Chúng ta có thể nhận thấy giới trẻ nông thôn/ngoại thành có ít cơ hội học tập, cơ hội nghề nghiệp hơn so với giới trẻ thành thị.

Hoạt động Đoàn
Hoạt động Đoàn

 

Không thể bỏ qua “đường lối phát triển của đất nước”

Kết quả khảo sát cho thấy giới trẻ quan tâm trước hết đến “đường lối phát triển của đất nước” với 51,8%.

Rõ ràng là đường lối phát triển của đất nước sẽ tác động trực tiếp đến các cơ hội lập thân, lập nghiệp của giới trẻ, nên việc họ đặt sự quan tâm này lên vị trí hàng đầu là điều không khó hiểu, nhưng việc chỉ có phân nửa số bạn trẻ quan tâm đến đường lối phát triển của đất nước cũng là điều đáng suy nghĩ.

Sự quan tâm “các chính sách quốc phòng, an ninh của đất nước” là lựa chọn thứ hai với 48,2%. Các vấn đề về quốc phòng, an ninh trong những năm qua thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp dân cư, bởi những căng thẳng trên Biển Đông đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ và đang đe dọa đến sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Sự quan tâm này cho thấy giới trẻ không thờ ơ với thời cuộc và cũng cho thấy nhu cầu cần được có nhiều thông tin hơn về vấn đề này. Khi so sánh giữa các nhóm, chúng tôi cũng nhận thấy đa số bạn trẻ ngoại thành quan tâm đến đường lối phát triển của đất nước (62,7%), trong khi các bạn trẻ ở thành thị dành nhiều sự quan tâm cho các chính sách quốc phòng, an ninh (51,8%).

Ở đây một lần nữa chúng ta lại thấy có sự khác biệt giữa hai nhóm giới trẻ tại hai khu vực sinh sống khác nhau.

Việc tìm hiểu các vấn đề chính trị của đất nước mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bản thân người trẻ cũng như sự phát triển của đất nước, như ý kiến của sinh viên Nguyễn Thị Kim Phượng (đoàn viên, 22 tuổi, TP.HCM): “Tìm hiểu các vấn đề chính trị để nắm rõ thời sự trong nước và sự phát triển của đất nước trên các lĩnh vực như thế nào, đặc biệt là lĩnh vực đối ngoại xem có thay đổi gì để giúp bản thân hội nhập tốt hơn, góp phần phát triển đất nước”.

Hay bạn Lê Hồng Linh (đoàn viên, 21 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Việc quan tâm đến vấn đề chính trị của đất nước là không thể thiếu với mỗi công dân. Họ sẽ biết được mình đang ở đâu, có quyền lợi hay nghĩa vụ, trách nhiệm gì đối với bản thân, góp vốn hiểu biết của mình cho xã hội”.

Kết quả khảo sát này cho thấy giới trẻ cũng quan tâm nhiều đến những vấn đề thuộc về chính trị của đất nước. Nhưng các vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị luôn là những vấn đề không dễ tìm hiểu.

Vậy khi muốn tìm hiểu các vấn đề chính trị của đất nước nhưng gặp khó khăn như tìm hiểu thông tin, xác định đâu là những thông tin chính thống và đâu là những thông tin không chính thống để có cái nhìn chính xác hơn thì giới trẻ tìm đến sự hỗ trợ nào?

Cuộc khảo sát cho thấy 92,1% bạn trẻ cho biết họ tìm kiếm sự hỗ trợ từ “báo chí, Internet”, 40,1% nhờ sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp và sự lựa chọn nguồn hỗ trợ từ “tổ chức Đoàn” đứng vị trí cuối cùng với chỉ 23,3% số bạn lựa chọn.

Bạn trẻ mong muốn gì ở Đoàn?

Ý kiến của các bạn trẻ về những hoạt động mà tổ chức Đoàn hiện nay nên tập trung có thể là những gợi ý quan trọng: đầu tiên, các bạn trẻ mong tổ chức Đoàn tập trung tổ chức thêm “các phong trào tình nguyện, hoạt động vì an sinh xã hội” với 68,2% số bạn lựa chọn, nội dung kế tiếp: “hỗ trợ bạn trẻ học tập, học nghề, lập nghiệp” với 58,4% lựa chọn và đứng vị trí thứ ba là “giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho thanh niên” với 55,1%.

Khi so sánh giữa hai nhóm bạn trẻ thành thị và bạn trẻ nông thôn/ngoại thành, kết quả một lần nữa cho thấy có sự khác biệt mà theo đó có đến 79,1 bạn trẻ nông thôn/ngoại thành (so với 64,3% bạn trẻ thành thị) mong Đoàn tổ chức “các phong trào tình nguyện, hoạt động vì an sinh xã hội” và 62,7% bạn trẻ nông thôn/ngoại thành mong được “hỗ trợ bạn trẻ học tập, học nghề, lập nghiệp” so với 56,1% thanh niên thành thị.

Như vậy chúng ta thấy nhu cầu giữa hai nhóm trẻ là khác nhau nên đòi hỏi phải có sự “dị biệt” trong tổ chức các hoạt động của tổ chức Đoàn.

Các bạn trẻ còn quan tâm gì đến thời cuộc? Đoàn thanh niên các cấp, các tổ chức xã hội, ban ngành đoàn thể cần làm gì để các bạn trẻ phát huy sức lực, trí tuệ hơn nữa? Mọi ý kiến xin gửi về Nhịp sống trẻ theo địa chỉ: dtduy@tuoitre.com.vn hoặc tuoidt@tuoitre.com.vn.

MINH TIẾN và nhóm khảo sát
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên