02/06/2019 09:53 GMT+7

Giỏi, sao lại tâm trạng?

PHÚC NGUYÊN
PHÚC NGUYÊN

TTO - Tổng kết năm học, xã hội có nhiều tâm trạng trước câu chuyện rất cũ nhưng vẫn nóng, vẫn bức xúc, đó là "mưa" điểm 10, lạm phát học sinh giỏi ở bậc tiểu học. Ai cũng kêu đó là căn bệnh thành tích, nhưng trị bệnh chẳng dễ chút nào.

Khó cũng đúng thôi, bởi chẳng mấy ai vượt qua được tâm lý "điểm 10 khó cưỡng, danh hiệu giỏi khó quên".

Phụ huynh rất vui khi con mình có điểm 10, được xếp hạng học sinh giỏi. Nhưng quá nhiều học sinh giỏi lại gây bức xúc: "Đó có phải là bệnh thành tích trong giáo dục?"...

Một người bạn tỏ ra khá ấm ức khi con chỉ được 8 điểm môn tiếng Việt, dù rằng "đã cho đi học thêm". 

Bạn còn tỏ ra "mất tinh thần" khi nói về việc nộp giấy khen cho nơi làm việc để nhận quà thưởng Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6. Rồi ai gặp nhau cũng nói chuyện học sinh giỏi.

Nhiều người khẳng định điểm nào cũng được, nhưng tận cùng vẫn thừa nhận học sinh giỏi vẫn tốt hơn. 

Khi con không đạt giỏi, cả nhà bỗng "ít nói" và càng khó nói khi ai đó hỏi thăm kết quả học cuối năm của con. 

Có lẽ nhiều phụ huynh cũng có tâm trạng tương tự. Rồi không ít thầy cô, nhà trường bị cuốn vào quy trình nâng điểm, ép để đạt ngưỡng giỏi và có nhiều điểm 10. 

Thầy cô phải làm gì đó để trò cán đích "giỏi", ban giám hiệu nhấp nhỏm khi trường có tỉ lệ học sinh giỏi không cao...

Kết quả cuối năm học là của trẻ, nhưng người lớn luôn bận lòng. Danh hiệu học sinh giỏi từ lâu đã trở thành thước đo hài lòng của người lớn. 

Điểm 10 quá tốt. Nhiều học sinh giỏi càng tốt hơn. Nhưng tất cả cùng giỏi là không bình thường, là bệnh thành tích. Nhưng khó xóa bỏ căn bệnh này khi mà tâm lý "giỏi vẫn tốt hơn" còn hoành hành.

Không ít bạn đọc Tuổi Trẻ khi nói về "mưa" điểm 10, học sinh giỏi rằng "học sinh học hết nội dung trong sách, làm bài thi đúng, trúng cớ sao không được điểm 10?". Vậy điểm 10 có gì là ghê gớm!? 

Còn Bộ GD-ĐT khẳng định đã hướng dẫn kỹ việc đánh giá sự tiến bộ của học sinh bằng nhiều cách, nhiều mức độ chứ không phải chỉ bằng điểm số.

Như vậy, điểm 10 chưa hẳn là tất cả. Phụ huynh hài lòng khi con đạt điểm 10 là chưa hiểu hết về con. 

Thay vì kể với nhau giấy khen, phần thưởng cuối năm, có ai hỏi và nghe con tự nói ra bao cảm xúc, lo âu và những cố gắng trong suốt 9 tháng học hành như con thích học gì, "sợ" học gì? Con quý bạn nào, bạn có thân thiện không? 

Thay vì bận tâm trong lớp có bao nhiêu khá giỏi, mấy ai hỏi con mình: lớp con bạn nào hát hay, bạn nào vẽ đẹp, bạn nào giỏi thể dục, bạn nào tốt bụng...? Nói chăm bẳm vào điểm 10, danh hiệu học sinh giỏi là thước đo lệch chuẩn là vì thế.

Cha mẹ, thầy cô luôn mong muốn con trẻ học hành tiến bộ. Nhưng ranh giới giữa mong muốn tiến bộ và hãnh diện với thành tích giỏi là khá mong manh. 

Và thói quen lấy giỏi làm thước đo được nhiều người gọi là căn bệnh thành tích trong giáo dục. Bệnh chữa hoài nhưng không hết. 

Một khi chưa thể bỏ qua "phải có điểm 10, phải là học sinh giỏi", hãy quan tâm nhiều hơn đến những giá trị khác để hiểu con, động viên con. 

Nếu người lớn không thanh thản chuyện này, sang năm lại có "mưa" điểm 10, lại có những ngày đầy tâm trạng. Giỏi mà tâm trạng là vì thế.

PHÚC NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên